Thứ sáu, 29/8/2014, 16h08

Nhà văn viết võ hiệp lớn nhất thế kỷ 20

Kim Dung sinh năm 1925, tên thật là Tra Lương Dung, người huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Sau khi chiến tranh nổ ra ông thi vào Khoa Ngoại giao Trường ĐH Chính trị Trùng Khánh (Tứ Xuyên), sau đó học ở Học viện Học pháp ĐH Đông Ngô. Mặc dù viết báo, viết văn và say mê phim ảnh báo chí nhưng Kim Dung rất thích đọc và sáng tác truyện võ hiệp. Ông thường nói “Tay trái viết chính luận, còn tay phải của tôi là viết tiểu thuyết”.
Trong 10 năm (1970-1980) Kim Dung sáng tác 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp trong đó tiêu biểu gồm: Việt nữ kiếm, Bích huyết kiếm, Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp, Thiên long bát bộ, Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký… Vinh dự lớn nhất là ông được coi là nhà văn võ hiệp lớn nhất của Trung Quốc và thế giới trong thế kỷ 20. Có thể nói trong thập kỷ 60, 70 và 80 không có nhà văn châu Á nào có ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Á như Kim Dung.
1. Ở miền Nam Việt Nam thập kỷ những năm 60, 70 thế kỷ trước hai nhà văn Hồng Kông và Đài Loan là Kim Dung và Quỳnh Dao rất nổi tiếng. Sách báo và phim ảnh của họ rất quen thuộc với độc giả. Sách và phim võ hiệp của Kim Dung, sách và phim tình cảm yêu đương của Quỳnh Dao luôn luôn tạo nên cơn “sốt” văn hóa ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng đô thị ở miền Nam. Hai dịch giả người Hoa là Liêu Quốc Nhĩ chuyên dịch truyện tình của Quỳnh Dao và Hàn Giang Nhạn chuyên dịch truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Kim Dung - nhà văn võ hiệp ở Hồng Kông gắn liền với những tác phẩm như Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký, Thiên long bát bộ rất được mọi người yêu thích. Từ trang sách đến màn ảnh tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung lan tỏa và tạo nên sự cuồng nhiệt tán thưởng ở Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cau và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á trong 3, 4 thập kỷ. Ở Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cau tác phẩm võ hiệp của Kim Dung bán rất chạy, thu hút hàng triệu độc giả ở mọi lứa tuổi và thành phần xã hội khác nhau. Hơn 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, ở miền Bắc tác phẩm của Kim Dung, Quỳnh Dao được xuất bản. Hàng chục tác phẩm cũ và mới của Kim Dung và Quỳnh Dao ồ ạt xuất bản và được độc giả ở miền Bắc chú ý, đón đọc. Nhiều bài phê bình, nghiên cứu và giới thiệu về tác phẩm của Kim Dung, Quỳnh Dao xuất bản trên báo chí cả nước với những ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung đều thống nhất ở sự khẳng định tài năng và sự đóng góp tích cực của hai nhà văn này.
2. Theo đánh giá, bình chọn của các nhà văn Trung Quốc thì Kim Dung là một “bát đại gia” Trung Quốc trong thế kỷ 20. Ở Hồng Kông, ông Lâm Di Lương, giáo sư Hạ Tế An và nhà phê bình văn học người Hoa ở Mỹ là Trần Thế Tường là những người đầu tiên nhìn nhận giá trị cao của tác phẩm Kim Dung ở thể loại tiểu thuyết võ hiệp. Nhiều người yêu thích văn học ở Á châu còn tự xưng là “Kim Dung mê” (những người yêu thích tác phẩm Kim Dung). Giáo sư Trần Đình Nguyên ở ĐH Bắc Kinh nói rằng: “Kim Dung đã đơn giản hóa tư tưởng Nho - Phật - Đạo cùng với cầm kỳ thi họa và có những yếu tố trong văn hóa Trung Quốc, cho nên có thể nói truyện võ hiệp Kim Dung như những bài nhập môn về văn hóa Trung Quốc”. Một chuyên gia về tác phẩm Kim Dung đồng thời là Chủ tịch Hội Nghiên cứu tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc là Phùng Kỳ Dung khẳng định: “Kim Dung đã rất sáng tạo trong việc xây dựng kết cấu truyện, về mặt này tôi dám nói Kim Dung đã đạt tới đỉnh cao”. Từ chốn Hồng trần gió bụi tác phẩm võ hiệp Kim Dung đã bước vào cung điện học thuật. Năm 1990 giáo sư Trần Đình Nguyên ở ĐH Bắc Kinh đã đưa vào chương trình môn học “Kim Dung học”. Giáo sư Tiền Lý Quần cũng ở Trường ĐH Bắc Kinh nhận định rằng: “Có thể nói Kim Dung đã đại diện cho dòng văn học thông tục sánh vai cùng Lỗ Tấn, người đại diện cho văn học hàn lâm”. Trong cuốn Văn học Trung Quốc thế kỷ 20 giáo sư Vương Nhất Xuyên ở Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh đã xếp Kim Dung chỉ sau các văn hào hiện đại Trung Quốc là Lỗ Tấn, Thẩm Tùng Văn, Úc Đại Phu và Vương Mông Chi. Tác giả xếp tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung ngang bằng với tiểu thuyết hàn lâm. Đó là quan điểm văn học mới mẻ, mạnh mẽ và rất hiện đại chỉ xuất hiện ở Trung Quốc trong văn học thời kỳ mới.

Bộ phim Thần điêu đại hiệp được chuyển thể từ tác phẩm Thần điêu hiệp của nhà văn Kim Dung

3. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á tác phẩm của Kim Dung rất được chú ý nhất là phim ảnh, truyền hình. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về Kim Dung đã xuất hiện và có nhiều kết quả nghiên cứu tốt tạo nên một “nhiệt” nghiên cứu “Kim Dung học”. Ở các trường ĐH trong và ngoài Trung Quốc đã có những đề tài luận án cấp cao học và tiến sĩ về tác phẩm võ hiệp Kim Dung.
Một trong những nhà say mê nghiên cứu tác phẩm Kim Dung ở Đài Loan là Ôn Thụy An. Năm 1974 trên các báo Lục ChâuTrường Giang xuất bản ở Đài Loan tác giả đã viết các bài phẩm bình tác phẩm Kim Dung. Ở Hồng Kông người nghiên cứu Kim Dung nhiều nhất là Nghê Khuông. Vương Tùng Văn, một nhà chuyên xuất bản sách ở Đài Loan đã nhận định một cách thỏa đáng rằng: “Những tác phẩm nghiên cứu về tiểu thuyết Kim Dung không chỉ là nơi để thể hiện ý kiến của cá nhân về một thế giới võ hiệp phong phú mà còn là mối dây nối những tâm hồn đồng điệu”.
4. Với gần 90 tuổi đời và 60 năm cầm bút Kim Dung đã để lại một khối lượng tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp đồ sộ có sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ trên lĩnh vực truyền hình phim ảnh. Dù cách đánh giá khác nhau nhưng nhìn chung ông vẫn được coi là một nhà văn thế giới nổi tiếng nhất hiện nay. Dư luận bạn đọc khắp thế giới đều thống nhất mấy đặc điểm nổi bật từ tác phẩm của Kim Dung đối với thời đại toàn cầu hóa và nhân loại hóa hôm nay.
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung có nội hàm triết học và văn hóa phong phú mang đậm sắc thái phương Đông. Ví dụ tác phẩm Thư kiếm ân cừu lục tác giả nêu lên quan niệm “Kiếm” và “Thư” mà trong đó “Thư” là yếu tố chủ đạo từ đó xác định rõ rằng yêu cầu về “Văn” và “Võ” trong cuộc sống đương đại. Trong thời đại ngày nay yếu tố văn hóa, tinh thần, sức mạnh về trí tuệ phải được coi trọng. Tác phẩm võ hiệp của Kim Dung ít chứa đựng tình cảm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi mà nó rộng mở ở giá trị nhân văn cho toàn thể nhân loại. Tác phẩm của ông rất ít bối cảnh lịch sử và mâu thuẫn dân tộc, thời đại mà xuyên suốt là ông cổ xúy cho “chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa hòa bình” để mọi người sống thân thiện, bình đẳng và bác ái. Bích huyết ký, Lộc Đỉnh kýThiên long bát bộ là những tác phẩm thể hiện rõ ràng tư tưởng hòa bình, nhân ái và hữu nghị của Kim Dung. Với 40 tác phẩm Kim Dung đã sáng tạo ra rất nhiều hình tượng nhân vật mà không thể lẫn lộn vào nhân vật nào của tác phẩm nào của văn học thế giới trong mấy mươi thập kỷ vừa qua. Nhân vật trong tác phẩm Kim Dung rất ít “người tốt” (hảo nhân) và cũng rất ít “người xấu” (hoại nhân). Nhà văn khẳng định: “Nhân vật chính trong tiểu thuyết nhất định không phải là người tốt. Tôi nhấn mạnh: “Người tốt người xấu đều có ưu điểm, khuyết điểm. Đối với họ tôi đều viết”. Trong khi miêu tả nhân vật, Kim Dung thường làm nổi bật cái “tình” của họ. Đặc điểm nổi bật trong tác phẩm võ hiệp của Kim Dung là giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của phương Đông mà cốt lõi của nó là tư tưởng triết học Nho - Phật - Đạo. Kim Dung dùng đề tài võ hiệp để nói đến sức mạnh to lớn, tiềm tàng của con người. Tác phẩm của ông tràn đầy giá trị nhân văn, bác ái và thái độ dứt khoát của con người đối với cái tốt, cái xấu.
PGS. Hồ Sĩ Hiệp