Thứ ba, 27/1/2015, 23h01

Buồn vì “sách rác”!

Độc giả trẻ cần có định hướng về văn hóa đọc

Tặng sách, biếu sách không chỉ thể hiện tấm chân tình của người cho mà còn là một nét văn hóa xưa nay của con người trong việc nâng cao giá trị văn hóa đọc. Tuy nhiên, trong món quà biếu đó, bên cạnh những cuốn sách có giá trị về nội dung lẫn nghệ thuật vẫn còn những sản phẩm kém chất lượng do thực trạng “sách rác” đang có xu thế “bành trướng” như hiện nay.
Sách liên kết xuất bản vừa thỏa mãn nhu cầu “sinh nở đứa con tinh thần” của tác giả, lại vừa là thị trường cần thiết để điều tiết sự sống còn cho các nhà xuất bản. Với nhà in và nhà xuất bản, sách liên kết với tư nhân hoặc với các tổ chức xã hội chính là những đối tác cần thiết để cung cấp “nguồn năng lượng” sống dồi dào. Vì thế ngày nay, độc giả không còn khó khăn lắm khi đi tìm những tác phẩm văn chương mà mình khao khát bởi danh mục các đầu sách rất phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những cuốn sách hay, sách tốt được ra đời bởi những con người chân chính và tâm huyết thì vẫn còn thực trạng không ít người do hám lợi hay hám danh đã cho xuất bản những đầu sách thiếu giá trị văn chương. Loại sách này có người xếp chúng vào loại “sách rác” hay “sách bẩn”.
Tại Ngày thơ Việt Nam hàng năm thường được quận/huyện, phường/xã tổ chức vào dịp nguyên tiêu (rằm tháng giêng) các gian hàng trưng bày sách luôn gây chú ý cho khách tham quan. Ngoài giá sách trưng bày triển lãm giới thiệu có một lượng sách tặng các khách thơ. Hầu hết là những cuốn sách do tác giả tự viết, tự in và tự phát hành. Đây là điều đáng trân trọng vì thể hiện sự tâm huyết của một thế hệ yêu sách vẫn còn sót lại trong nhịp sống sôi động hiện nay. Thế nhưng, khi cầm vài cuốn sách lên đọc thật lòng mà nói chưa có thể gọi là tác phẩm văn học chân chính được. Nếu là tác phẩm thơ thì chủ yếu theo dạng văn vần, thiếu ý cạn tứ. Còn nếu là truyện thì cách viết mông lung chủ yếu “nghĩ sao nói vậy”. Đa số tác giả là hội viên của hội thơ văn quận/huyện, phường/xã. 
Không chỉ xuất hiện ở các tụ điểm bình dân, loại sách này còn tìm cách chen chân vào các nhà sách lớn như nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Nhân Văn, Gia Định, Phương Nam, Minh Khai, Thăng Long… Vì chất lượng “chẳng bằng ai” nên các đầu sách này thường “trụ” lại rất lâu trên các kệ sách làm mẫu. Chỉ vào dịp cuối năm, các nhà sách mới đưa ra trước thềm cửa rao bán đại hạ giá để thanh lý.
Một câu hỏi được đặt ra là: Vậy đâu là nguyên nhân của trào lưu “sách rác”? Thực tế cho thấy, việc in sách trước đây luôn là một “cửa hẹp” không dễ cho những ai có mong ước về một tác phẩm để đời. Người in sách ít ra cũng phải là hội viên của tổ chức hội văn học nghệ thuật tỉnh hoặc TW. Đó là tiêu chuẩn đầu tiên. Nếu chờ đến lượt mà không có bản thảo tốt thì cũng bị “bật” ra ngoài. Còn hiện nay, việc in sách không còn liên quan đến khâu tài trợ nữa mà “mạnh ai nấy làm”. Nhu cầu “đầu ra” nhiều hơn thị trường “đầu vào”, vì thế sách được in ra không có giới hạn về số lượng và kéo theo chất lượng. Về phía tác giả thì “có tiền là có quyền in sách”. Vì thế sách thì được viết dễ dãi, biên tập thì cẩu thả hơn miễn sao không nằm trong danh sách sách cấm là được. Khi có sách đem ra bán, tâm lý chủ nhân tự hào hãnh diện vì cảm thấy mình có giá trị hẳn lên. Nhưng cũng có người in ra không phải để kinh doanh mà để tặng, biếu như một cách tự lăng xê cho cá nhân mình.
Tôi rất tâm đắc với phân tích của đạo diễn Lê Hoàng là giống như lựa chọn thực đơn ăn uống, khi tìm đọc một cuốn sách chúng ta cũng nên có sự cân nhắc để biết tìm đọc những cuốn sách hay, sách có giá trị nhân văn. Không nên chạy theo số đông mà không có kiểm định. Đừng quá dễ dãi trong việc in sách và đọc sách vì sẽ làm cho môi trường văn hóa bị nhiễm bẩn.
Bài, ảnh: Quang Phan