Thứ ba, 27/1/2015, 23h01

Đờn ca tài tử đến gần với giới trẻ

Các tác phẩm lọt vào chung kết cuộc thi. Ảnh: Ngọc Anh
Cuộc thi “Tôi yêu đờn ca tài tử” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bạn đọc cả nước. Trong số những bài viết đạt yêu cầu được đăng trên các số báo trong thời gian qua, hơn phân nửa tác giả có tuổi đời còn rất trẻ. Đây quả là tín hiệu vui cho một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc…
Cuộc thi “Tôi yêu đờn ca tài tử”được tổ chức nhân dịp UNESCO vừa công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời tạo sân chơi cho học sinh, sinh viên (HSSV), giáo viên cũng như tất cả những người yêu đờn ca tài tử nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng. Đặc biệt, nếu xét theo tiêu chí giúp cho HSSV, giáo viên, những người yêu nghệ thuật có thêm kiến thức về loại hình đờn ca tài tử, thúc đẩy việc Đưa bộ môn âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường thì cuộc thi đã thành công. Rất nhiều giáo viên, HSSV đã tham gia dự thi, không chỉ một bài viết mà liên tục có nhiều bài viết cảm nhận về sự hiểu biết cũng như tình cảm, kỷ niệm của mình đối với loại hình đờn ca tài tử nói riêng, âm nhạc dân tộc nói chung. Không những thế, các tác giả còn đưa ra những sáng kiến, mong muốn của mình nhằm giúp loại hình đờn ca tài tử đến gần với khán giả trẻ hơn như bài viết Cần đổi mới cách lan tỏa của tác giả Đinh Thành Trung (Hà Nội) hay Hiến kế từ một tình yêu của tác giả Nguyễn Minh (TP.HCM). Tác giả Nguyễn Như Cường (HS lớp 7A6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) với bài viết khá dễ thương khi khám phá về cây đờn kìm mà trước đó em thường gọi là “đàn mặt trăng”. Tác giả Huyền Ly (Gò Vấp) đã phát hiện ra cách làm mới một ca khúc trên nền nhạc dân tộc qua bài viết Ngọt ngào hơn với Miền Trung nhớ Bác. Tác giả Trần Văn Tám thì có những bài viết phản ánh chân thật về tình yêu đờn ca tài tử thầm lặng của người dân đất thép Củ Chi. Để lại nhiều ấn tượng với Ban giám khảo là “Cánh buồm nước” với nghệ thuật đờn ca tài tử của tác giả Đinh Việt Dũng - một cách giải thích để mọi người có thể hiểu vì sao đờn ca tài tử thường được chọn hát trên sông, trên thuyền buồm. Ngộ nghĩnh hơn là nhờ yêu đờn ca tài tử mà lấy được… vợ như Vẫn mãi một tình yêu của tác giả Lâm Thư Hào (TP.HCM)…
Cuộc thi kết thúc nhưng đã mở ra nhiều điều thú vị cho quý độc giả. Sắp tới, Sở VH-TT&DL TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chương trình đưa đờn ca tài tử, cải lương vào các trường THCS -THPT ở các huyện ngoại thành TP.HCM. Đó cũng là một trong những hiệu ứng bắt nguồn từ cuộc thi này…
Ban VH-XH
Kết quả chung cuộc
Giải nhất (5 triệu đồng + bằng chứng nhận): Không có giải nhất
Giải nhì (3 triệu đồng + bằng chứng nhận): “Cánh buồm nước” với nghệ thuật đờn ca tài tử của tác giả Đinh Việt Dũng (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu)
Giải ba (2 triệu đồng + bằng chứng nhận): Nhóm bài “Cơn gió lạ” của đờn ca tài tử,  Yêu sao tiếng đờn kìm! của tác giả Đinh Thành Trung (B4/261 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội)
Giải khuyến khích (1 triệu đồng + bằng chứng nhận): Nhóm bài Tập thể dục giữa giờ trên nền nhạc bài “Trống cơm”, Vọng cổ là hơi thở của anh của tác giả Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM); Vẫn mãi một tình yêu của tác giả Lâm Thư Hào (Q.8 - TP.HCM); “Đàn mặt trăng” - Tiếng dân tộc trong mắt em của tác giả Nguyễn Như Cường (HS lớp 7A6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM).
Thân mời các tác giả đoạt giải thưởng tại TP.HCM đến nhận giải trực tiếp tại tòa soạn Báo Giáo dục TP.HCM. Các tác giả ở tỉnh sẽ được Ban tổ chức chuyển giải thưởng qua đường bưu điện.
 
 
 Theo NSƯT - nhạc sĩ Huỳnh Khải (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.HCM) thì cuộc thi này là một sáng kiến hay nhằm giúp cho học sinh, sinh viên, giáo viên, những người yêu nghệ thuật có thêm kiến thức về loại hình đờn ca tài tử Nam bộ. Nhất là thúc đẩy việc đưa bộ môn âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường…