Thứ năm, 24/7/2014, 22h07

Bên sông Vàm Cỏ “làm mới” ca cổ

Tôi thích bài vọng cổ Bên sông Vàm Cỏ (viết năm 1992) của Trọng Nguyễn không phải vì tác giả là thầy giáo đang dạy lớp sáng tác cho tôi mà vì đây là tác phẩm vô cùng xúc động. Đó là câu chuyện về một người mẹ có chồng con đã hy sinh ngoài mặt trận khi đất nước đã hòa bình. Bao nhiêu nỗi nhớ thương đau xót lại hiện về trong trái tim khô héo của người phụ nữ suốt đời vất vả vì chồng con. Thế nhưng mỗi lần tiễn con đi, người mẹ chỉ biết đợi chờ trong vô vọng: “Nhìn ảnh chồng con, sáu người thành liệt sĩ. Một nỗi đau mẹ gánh đến trọn đời”.
Không đi theo bút pháp tả thực như những tác phẩm khác viết về anh hùng liệt sĩ, Trọng Nguyễn đã xây dựng một hình tượng văn học riêng cho mình thông qua hình ảnh con sáo tật nguyền. Bằng cách nói lối mở đầu, hình ảnh con chim sáo tật nguyền đã gợi cho người nghe một cảm xúc thẩm mỹ mới về những mất mát của cuộc đời. Lời bài ca như nhói vào tim gan người nghe khi được tác giả đặt đúng vào chỗ xuống “xề”. Mẹ đã từng khô cạn nước mắt vì chồng và 5 người con ra đi mãi mãi. Đến hôm nay nhìn thấy con sáo tật nguyền, ruột gan mẹ càng thấm nỗi đau hơn. Con sáo là bóng hình của người thân, đó cũng là bóng hình của mẹ: “Bạn nó đâu rồi mà nó lại sống cô đơn? Nước mắt mẹ nhiều hơn khi câu hỏi chưa có lời giải đáp”. Tác giả không dừng ở đó khi hiểu sâu hơn nỗi cô đơn của mẹ cứ đong đầy theo năm tháng: “Chiều hôm sau con chim sáo bỗng không về nữa. Cây bần cô đơn bóng mẹ cũng cô đơn”. Để diễn tả nỗi day dứt của những trái tim người mẹ mất con, ở đoạn 2 tác giả đã dùng điệu Lý chiều chiều buồn man mác như lời ru năm nào bên chiếc võng đưa chở đầy kỷ niệm: “Chiều chiều mẹ đứng trên bờ sông, sông bờ sông. Nhớ thương riêng mình đối bóng…”.  
Nhiều người nghe đã từng yêu cầu bài ca cổ Bên sông Vàm Cỏ qua giọng ca mượt mà nhưng vang vọng và thánh thót của nghệ sĩ Thanh Hằng nhất là đối với khán giả vùng đất Long An. Người yêu vọng cổ còn biết đến tác phẩm này qua giọng ca khỏe, truyền cảm của NGƯT Thanh Tuấn. Mặc dù là một tác phẩm viết về đề tài thương binh liệt sĩ nhưng mỗi chi tiết hình ảnh không hề khô cứng và nặng tính tuyên truyền.
Cảm ơn tác giả Trọng Nguyễn - vốn đã được dân “ghiền” cải lương biết đến qua tác phẩm Chợ Mới, Ơn Đảng, Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn, Đò chiều Tô Châu - đã cho người nghe thấu hiểu được những mất mát đau thương từ cuộc chiến tranh. Nếu người nghệ sĩ biết chọn một góc nhìn mới khi cầm bút sáng tác thì chắc chắn sẽ phát hiện ra được hình tượng văn học đặc sắc để chuyển tải những câu chuyện rất đỗi bình thường và thân quen.
Thương Huyền (quận Gò Vấp - TP.HCM)