Thứ ba, 17/3/2015, 21h03

Bi kịch Lê Phương trong “Mắt lụa”

Với diễn xuất chân thật, Lê Phương tiếp tục chinh phục người xem qua những trường đoạn nội tâm giằng xé phức tạp của một đứa con mồ côi lên đường tìm ra sự thật để trả thù cho cha mẹ mình trong “Mắt lụa”.
Cảnh trong phim Mắt lụa

Bộ phim tâm lý xã hội “Mắt lụa” dài 37 tập (Biên kịch: Nhóm tác giả Kim Liên- Ngọc Bích- Yến Trinh; Đạo diễn: Phương Điền; Công ty Sóng Vàng sản xuất phát sóng lúc  21h  trên VTV9,  bắt đầu từ ngày 18/03/2015 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuầnvới dàn diễn viên chính: Lê Phương, Quang Tuấn, Khương Thịnh, Thái Hòa, Hot hoy Huỳnh Anh, Thành Đạt, Hữu Châu, Phi Phụng, Khánh Hiền, Dư Ánh Hồng, Phi Long, Hương Giang, Mỹ Dung, Thùy Mỵ ….sẽ được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
 “Mắt lụa” lấy bối cảnh và cảm hứng về một làng lụa nức tiếng miền Tây Nam bộ từ trăm năm trước: làng lụa Tân Châu. Ngành nghề truyền thống này cũng đang đứng trước thách thức hoặc chết, hoặc phát triển theo một hướng mới. Nhiều xưởng chấp nhận đánh mất thương hiệu, dệt loại vải rẻ tiền. Thế nhưng, vẫn có người vẫn son sắt giữ nghề và giữ đúng phẩm chất của lụa tơ tằm xưa nay. Bởi lụa không chỉ nuôi sống bao người dân nhiều đời qua, mà đó còn là “linh hồn”, là một sản phẩm văn hóa chất chứa cả một đời sống tình cảm của con người nơi đây.
Bộ phim xoay quanh cuộc tìm kiếm về thân thế thật sự của Hạnh, một nhà thiết kế thời trang trẻ nhiều triển vọng. Cuộc sống yên bình bên người mẹ hiền dịu, nhân từ của cô tưởng cứ kéo dài mãi cho đến ngày bà phát bệnh mà ra đi. Trước lúc nhăm mắt, bà đã kịp trăn trối lại về những kỷ vật và   quyển nhật ký liên quan đến cuộc đời của cô để cô tìm về quê hương nhận lại họ hàng. Nỗi đau mất đi người thân cũng như sự tò mò về gốc gác của bản thân đã thôi thúc cô trở về làng quê để tìm hiểu sự thật về vụ cháy xưởng dệt của cha mẹ ruột cô ngày xưa. Trong vai một cô gái quê từ Cà Mau tìm đến làng lụa nổi tiếng học nghề, Hạnh đã tìm đến được nhà ông Ba Trí, ông chủ xưởng dệt lụa tâm huyết với nghề. Khác hẳn với những xưởng lụa khác phải chạy đua theo lợi nhuận mà sản xuất ra những loại lụa pha nilon kém chất lượng, ông Hải vẫn nhất quyết duy trì sản xuất những tấm lụa truyền thống vốn đòi hỏi nhiều công sức với chất lượng cao trên thị trường. Lần theo những manh mối được ghi lại trong quyển nhật ký, Hạnh mơ hồ suy đoán ông Hải chính là thủ phạm đã gây ra tai họa với gia đình cô trước kia. Nuôi lòng căm hận người đàn ông này, cô quyết tâm học bằng được bí quyết làm lụa châu sa từ ông và tìm cơ hội để trả thù. Sống tại ngôi làng này, Hạnh tình cờ biết được gia cảnh của một người phụ nữ điên luôn sống trong cơn mơ tìm chồng con đã mất.
Thương cho hoàn cảnh đáng thương của người phụ nữ cũng cô đơn mất mát đi người thân, cô yêu thương và hết lòng chăm sóc cho bà. Định mệnh lại trêu ngươi khi khiến cô đem lòng yêu thương Quân, con trai của ông Hải. Tình yêu với con trai kẻ thù khiến cho cô càng rơi vào tình cảnh đau đớn tuyệt vọng vì luôn thấy có lỗi với bố mẹ. Cho đến khi những bí mật năm xưa dần dần được phơi bày.
Lê Phương đảm nhận cả hai vai – Lãnh, mẹ của Hạnh và Hạnh. Khi hóa thân vào vai người mẹ lúc còn trẻ, Lê Phương đã thể hiện được trọn vẹn hình ảnh Lãnh, một cô gái quê hiền lành, đoan trang và rất khéo léo trong nghề ươm tơ dệt vải. Với diễn xuất chân thật, Lê Phương tiếp tục chinh phục người xem qua những trường đoạn nội tâm giằng xé phức tạp của một đứa con mồ côi lên đường tìm ra sự thật để trả thù cho cha mẹ mình. Bên cạnh đó, cô liên tục biến hóa cảm xúc lúc thì vô cùng hồn nhiên, dịu dàng, khi lại vô cùng quyết liệt, không khoan nhượng. Đây là mẫu hình tượng người phụ nữ mạnh mẽ, biết lẽ phải, suy đoán và vô cùng nhạy bén. Chính những tính cách này đã tạo nên sự hấp dẫn ở nhân vật này: một cô gái sống lý trí và cá tính.
Nguyên Nguyên