Thứ năm, 21/8/2014, 22h08

Cả đời với một tình yêu duy nhất

GS. Trần Văn Khê trong một buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Ảnh: M.M
GS. Trần Văn Khê sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc. Trong lúc em ruột của ông, nhạc sĩ Trần Văn Trạch nổi tiếng vì những màn trình diễn trên sân khấu thì ngược lại, GS. Trần Văn Khê vẫn âm thầm, miệt mài tìm tòi, nghiên cứu một cách hệ thống để rồi đưa nền âm nhạc nước nhà ngân vang khắp thế giới.
GS. Trần Văn Khê có nhiều ưu điểm khó ai sánh bằng, đó là vừa biết nghiên cứu, vừa biết nhiều thuật ngữ âm nhạc, lại biết biết nhiều ngoại ngữ, và nhờ có chất giọng trầm ấm, biết sử dụng tiết tấu, cường độ nên sự diễn giải thu hút được khán thính giả. Ngoài ra, ông còn sử dụng được nhiều loại nhạc cụ để minh họa nên sự diễn giải càng thú vị, hấp dẫn.
Không những thế, GS. Trần Văn Khê còn có cả một kho điển tích về âm nhạc.
Ở Pháp, một lần đang diễn giải có minh họa bằng đàn tranh thì cây đàn bị đứt dây. Ông không bối rối mà nhân đó kể về giai thoại Bá Nha - Tử Kỳ, từ đó có từ tri âm, tri kỷ. Kể xong câu chuyện thì dây đàn đã nối được và ông tiếp tục diễn giảng. Điều này đòi hỏi người diễn giải phải có tính linh hoạt, ứng phó. Bởi người diễn giảng dẫu biết câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ nhưng để nhớ và ứng phó vào sự việc thì không mấy ai.
Tuổi già, sức yếu, ông trở về quê hương, nguyện đem hết sức tàn của mình để cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nhờ sự đóng góp của ông mà quốc tế đã công nhận những di tích lịch sử văn hóa phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, đàn ca tài tử...
Từ năm 2007 đến nay ông đã tổ chức được trên 20 buổi sinh hoạt thường kỳ tại tư gia với hầu hết các đề tài về âm nhạc dân tộc như: Nhã nhạc cung đình Huế, quan họ, hát bội, cải lương, hát chèo, ca trù, hầu văn... Ông mong mỏi đưa âm nhạc dân tộc vào học đường nên dẫu tuổi già, sức yếu ông luôn sẵn lòng đến với học sinh các trường, kể cả các trường mầm non. Tấm lòng của ông quả rất đáng trân trọng…
MINH HIỀN (TP.HCM)
 
Cùng bạn đọc
Theo yêu cầu của đông đảo độc giả, cuộc thi Tôi yêu đờn ca tài tử sẽ tiếp tục nhận bài dự thi đến ngày 15-11-2014 (thay vì 30-8-2014 như dự kiến). Độc giả tham gia cuộc thi tiếp tục gửi bài về tòa soạn Báo Giáo dục TP.HCM hoặc email songminh1@ yahoo.com.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11-2014.
 Ban VH-XH