Thứ sáu, 25/4/2014, 00h04

Dòng nhạc dân tộc đang hồi sinh

Có thể nói, trong thời gian gần đây, sự chuyển mình hồi sinh của dòng nhạc dân tộc là một điều rất đáng phấn khởi. Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng nhạc dân tộc chỉ “dành” cho những khán giả lớn tuổi chứ với các bạn trẻ phải là các dòng nhạc pop, hiphop, rock… Nhưng hiện tại, sự xuất hiện ngày càng nhiều những CLB, sân chơi dành cho giới trẻ yêu nhạc dân ca, đờn ca tài tử đã chứng minh cho sức sống và sự hồi sinh của dòng nhạc truyền thống này.
Tại TP.HCM, nơi có thị trường âm nhạc hết sức sôi động, nhạc dân ca đang có sức hút rất lớn đối với khán giả trẻ. Bằng chứng là hiện nay, nhiều bạn trẻ yêu thích, có nhiệt huyết với dân ca đã đứng ra tổ chức thành CLB sinh hoạt và hát hò với nhau. Đơn  cử là CLB Dân ca Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hoạt động có hiệu quả nhiều năm qua. Không những thế, CLB còn lôi kéo được rất nhiều sinh viên của trường khác đến tham gia. Còn CLB Đờn ca tài tử của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM hiện là địa điểm quen thuộc, đã tập hợp được đông đảo các bạn trẻ sinh viên, học sinh, bộ đội, công nhân… tham gia sinh hoạt, hát với nhau vào các ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng CLB còn được GS. Trần Văn Khê đến giao lưu rất thú vị và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các đài truyền hình, đài phát thanh cũng xuất hiện nhiều chương trình dân ca, đờn ca tài tử dành cho khán giả yêu thích dòng nhạc dân tộc này. Người xem truyền hình rất ngạc nhiên và thích thú khi được nghe cô sinh viên đến từ xứ sở hoa anh đào Chisato (Khoa Tiếng Việt Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) thể hiện rất ấn tượng hai làn điệu dân ca Việt Nam: Điệu lý Đưa cá ông (dân ca Kiên Giang) và Lý trống cơm (dân ca Bắc bộ). Những đêm giao lưu của các sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Văn Lang, ĐH Hồng Bàng… với sinh viên nước ngoài, hầu như họ đều thích nghe và tập hát những bài dân ca Lý đất giồng, Bắc kim thang, Lý cây bông, Lý kéo chài, Thằng Bờm… Trong Liên hoan nhóm ca khúc chú ve con, Liên hoan tiếng hát học sinh - sinh viên, Liên hoan văn nghệ ngành giáo dục, gần 50% các ca khúc dân ca, câu hò điệu lý được các nhóm ca, các đơn vị chọn đem ra thi thố tạo nên một làn sinh khí mới cho dòng nhạc dân tộc này. Nhiều bạn trẻ đang du học ở nước ngoài, trong những dịp về thăm nhà cũng tranh thủ đi sưu tầm loại hình đờn ca tài tử. Ở Hà Nội, âm nhạc dân tộc cũng đang có một lực lượng đông đảo khán giả là sinh viên - học sinh. Điều này cho thấy âm nhạc truyền thống đã tìm được cho mình một chỗ đứng trong nền âm nhạc hiện đại hôm nay.
 GS. Trần Văn Khê trong buổi giao lưu với CLB Đờn ca tài tử của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM đã phát biểu: “Tôi cảm thấy rất vui vì giới trẻ học đường đang dành cho dân ca và đờn ca tài tử những tình cảm ưu ái. Nếu chỉ có chúng tôi tâm huyết thì chưa đủ mà chính các bạn trẻ mới là người bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa của nền âm nhạc dân tộc…”.
Sự hồi sinh của nhạc dân tộc trong giới trẻ hiện nay là một tín hiệu lạc quan. Điều này có thể nói, nhạc dân tộc sẽ tiếp tục thăng hoa trong tương lai…
Minh Nguyên
(Quận Gò Vấp - TP.HCM)