Thứ năm, 24/4/2014, 09h04

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014: Sẵn sàng khai hội

Bắt đầu từ hôm nay 24-4, Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 sẽ chính thức đi vào hoạt động với nhiều nội dung phong phú. Bạc Liêu đã tạo ra một không gian văn hóa mới, điểm hẹn văn hóa mới.
        Không gian văn hóa mới
Quảng trường Hùng Vương gây ngỡ ngàng cho những ai đến Bạc Liêu trong dịp này. Rộng rãi (trên 85.000m²), thoáng đãng với hệ thống cây xanh, đèn pha cao áp, màn hình thông tin công nghệ LED... Trên biểu tượng 3 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa có khắc các nhóm số, thể hiện những cột mốc lịch sử, các sự kiện quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình, sàn phun nước nghệ thuật 68 vòi phun cao từ 1,5 - 3m…
Ấn tượng nhất vẫn là hai công trình vừa được Trung tâm Guinness Việt Nam trao giấy chứng nhận xác nhận kỷ lục Việt Nam. Trung tâm Triển lãm văn hóa - văn học nghệ thuật - Nhà hát Cao Văn Lầu gợi nhớ đến nhà hát “Con sò” mãi tận bên Australia nhưng công trình này được cách điệu thuần Việt với phần mái là 3 chiếc nón lá chao nghiêng hứng nắng phương Nam (nón lớn nhất có chiều cao 24,25m, đường kính 45,15m). Cây đờn kìm khổng lồ (cao 18,6m) được đỡ bởi 5 cánh sen trên hồ nước hình ngôi sao 5 cánh có hệ thống phun nước nghệ thuật kết hợp âm thanh, ánh sáng… 2 công trình văn hóa bề thế, độc đáo để đời, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam và Bạc Liêu.
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu và nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được đầu tư, mở rộng. Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu Quán âm Phật đài, Khu du lịch Nhà Mát… cùng khoác bộ áo mới.
Cũng tại festival, hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ” với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu sẽ làm rõ hơn những đóng góp của loại hình nghệ thuật đặc sắc này đối với đời sống của nhân dân; góp phần định hướng, đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát triển phong trào ĐCTT Nam bộ gắn với phát triển văn hóa du lịch của Bạc Liêu nói riêng, các tỉnh, thành có di sản ĐCTT nói chung. Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc và bế mạc với sự chuẩn bị công phu, đầu tư hoành tráng sẽ là một trong những dấu ấn khó phai của festival lần này trong lòng người dân và du khách.
        Cơ hội để Bạc Liêu đi lên từ văn hóa
Các tuyến đường nội ô TP Bạc Liêu trở nên sôi động, khang trang, sạch sẽ hơn bao giờ hết. Để đảm bảo an toàn giao thông, ổn định trật tự, ngoài lực lượng công an, cảnh sát giao thông, TP Bạc Liêu đã phát động nhiều đợt cao điểm chỉnh trang đô thị, trật tự với hàng trăm lượt CB-CNV và nhân dân tham gia. Lực lượng thanh niên, lực lượng dân phố tham gia trực 24/24 giờ tại các tuyến đường, ngã tư, sẵn sàng phân luồng, giải tỏa ùn tắc giao thông, chống trộm cắp, cướp giật, đảm bảo cho du khách an tâm khi đến thăm Bạc Liêu.
Khu du lịch Hồ Nam, nơi diễn ra 6 hoạt động lớn (không gian ĐCTT Nam bộ, hội chợ thương mại - du lịch, lễ hội ẩm thực Nam bộ, hội nghị xúc tiến, liên kết phát triển du lịch, lễ bế mạc festival…) được trang trí theo từng chủ đề.
“Festival ĐCTT là sự kiện văn hóa lớn nhất từ trước đến nay của Bạc Liêu, không mừng, không tự hào sao được. Cả khu vực này, nhân dân tự giác dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng nhà cửa; bà con tiểu thương cũng nhắc nhở nhau làm ăn sao cho người phương xa tới thấy thương”, ông Sáu Xinh, nhà trước cửa chợ Bạc Liêu, hồ hởi cho biết. Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Bệnh viện Thanh Vũ Medic và Trung tâm Y tế TP Bạc Liêu được giao trực tiếp bảo vệ sức khỏe tại festival. Mỗi bệnh viện đa khoa huyện lập 1 tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng cấp cứu cho người bệnh trên địa bàn trong thời gian diễn ra sự kiện văn hóa này. Hơn 300 bạn trẻ là sinh viên được chọn là thuyết minh viên, tình nguyện viên háo hức tham gia chương trình “Tập huấn ĐCTT và bản Dạ cổ hoài lang”…
Dự kiến các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP Bạc Liêu sẽ “cháy” phòng”. Học sinh được nghỉ học (trừ những lớp chuyển cấp) những ngày cao điểm lễ hội... Tất cả cho một Bạc Liêu phóng khoáng, văn minh, lịch sự, nghĩa tình, hiếu khách và hướng đến sự chuyên nghiệp trong tổ chức điều hành lễ hội.
“Tài năng đó (nhạc sĩ Cao Văn Lầu), thành tựu đó phải tỏa ra cả nước và cả thế giới” là lời của cố viện sĩ Lưu Hữu Phước. Điều mong ước đó, hôm nay đã thành hiện thực. Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 là bước chuyển tiếp, là điểm nhấn quan trọng mang tính đột phá trong lộ trình Bạc Liêu “đi lên từ văn hóa”. Qua đó, thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT và phong trào ĐCTT Nam bộ trong nhịp sống hối hả, hiện đại hôm nay. Tiếng đờn kìm lại ngân nga, thăng hoa, cuồn cuộn chảy mãi.
Theo SGGP