Thứ tư, 4/3/2015, 14h03

Nét văn hóa từ những đêm thơ Nguyên tiêu

NGƯT - nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký với thi phẩm Mắc nợ mùa xuân tại Ngày thơ Việt Nam 2014. Ảnh: T.L
Đêm thơ Nguyên tiêu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thơ.
“Xuân thống nhất, phát triển, hướng về biển đảo Tổ quốc”
Tối 4-3, hòa chung không khí của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII, chương trình đêm thơ Nguyên tiêu năm 2015 của TP.HCM được khai mạc với chủ đề “Xuân thống nhất, phát triển, hướng về biển đảo Tổ quốc” tại trụ sở Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3). Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và nhà thơ Trương Nam Hương đảm nhận vai trò là nhà tổ chức và đạo diễn của chương trình.
Đêm thơ Nguyên tiêu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thơ. Mặc dù mỗi năm, ở mỗi địa phương, đêm thơ Nguyên tiêu được tổ chức với mỗi chủ đề khác nhau. Mỗi chủ đề đều có một ý nghĩa riêng. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu của đêm thơ là nhằm tôn vinh những giá trị của thơ ca, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước của người Việt Nam, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và những người lính đang ngày đêm canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, đêm thơ Nguyên tiêu thật sự là một sân chơi nghệ thuật đầy ý nghĩa cho những người yêu thơ.
Chương trình đêm thơ Nguyên tiêu năm 2015 tại TP.HCM sẽ có sự góp mặt của nhiều tác giả thuộc các thế hệ thơ truyền thống, cách tân như: Trần Lê Sơn Ý, Lê Thị Kim, Trần Vĩnh, Nguyễn Lương Hiệu, Lệ Bình, Trần Hữu Lục, Huệ Triệu, Phạm Thị Ngọc Liên, Thanh Tùng... Những màn ngâm, diễn sáng tác mang đậm không khí về mùa xuân, về hải đảo, tình yêu Sài Gòn - TP.HCM và hoạt cảnh của Ban nhà văn trẻ do nhà thơ Ngô Thị Hạnh, Tiểu Quyên, Minh Đan trình bày hứa hẹn sẽ đem đến cho đêm thơ nhiều cảm xúc. Khách yêu thơ còn được thưởng thức những ca khúc được phổ nhạc từ thơ như: Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh, nhạc Phạm Minh Tuấn), Thiêng liêng biển đảo Việt Nam (thơ Trương Nam Hương, nhạc Lê Trung Tín), Bốn mùa tình yêu (thơ Đình Nguyên, nhạc Vũ Hải).
Ngày 5-3, đông đảo các nhà thơ, nhà văn của Hội Nhà văn, các CLB thơ đến từ các quận, huyện, nhà văn hóa trên địa bàn TP và độc giả sẽ tham quan và giao lưu tại các sân thơ được dựng ở khuôn viên trụ sở Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM. Sự góp mặt của các CLB Thơ - Thư pháp Hoa ngữ, CLB Thơ Chăm, Khmer cũng sẽ làm Ngày thơ Việt Nam tại TP thêm phần đa dạng, phong phú... Hy vọng chương trình đêm thơ Nguyên tiêu năm nay sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người yêu thơ để nền thơ ca Việt Nam tiếp tục phát triển, lan rộng và ngày càng được tôn vinh.
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam
Ngày 5-3, Ngày thơ Việt Nam sẽ được khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Dự kiến sẽ có hơn 150 nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế cùng tham dự vào các sự kiện của Ngày thơ Việt Nam năm nay. Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra nhiều hoạt động như: Triển lãm các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở nước ngoài, trình diễn thư pháp, câu đối, trình diễn nghệ thuật dân gian… Trước đó, vào sáng 2-3, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III với chủ đề “Văn học Việt Nam, biểu hiện rực rỡ của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người” tại Hà Nội. Năm nay, Ngày thơ Việt Nam do Hội Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức gồm 3 sự kiện chính: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần III, Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần II và những hoạt động cho Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Hướng về biển đảo” cùng sự tham gia của lực lượng hải quân và biên phòng… diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước.
Yên Hà
 
Nhà thơ Lê Minh Quốc, người đảm nhận vai trò MC của chương trình đêm thơ Nguyên tiêu năm 2015 tại TP.HCM cho biết: “Nhìn chung, hình thức của đêm thơ năm nay cũng như mọi năm. Các bài thơ đều tiếp tục tập trung hướng về chủ đề biển đảo Tổ quốc. Công chúng yêu thơ sẽ được thưởng thức một đêm thơ giản dị, không ồn ào nhưng cũng không kém phần đặc sắc”.