Thứ ba, 19/5/2015, 10h05

Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong phim truyện Hẹn gặp lại Sài Gòn

Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ ngày 17-5-2015, trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng lại bộ phim truyện Việt Nam Hẹn gặp lại Sài Gòn được thực hiện cách đây 20 năm. Dịp này, Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Trọng Đăng Đàn về bộ phim này.
Quãng đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên màn ảnh suốt hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ là quãng đời khi Người còn mang tên Nguyễn Tất Thành - quãng đời người thiếu niên, người thanh niên Tất Thành, như muôn vàn người Việt Nam khác, đứng trước cảnh nước mất, nhà tan.

Một cảnh trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

Hẹn gặp lại Sài Gòn (kịch bản Sơn Tùng, đạo diễn Long Vân) có cốt truyện kết cấu khá chặt chẽ, dẫn dắt mạch lạc, quá khứ phục hiện xen vào hiện tại. Trong cốt truyện ấy, chất trữ tình quyện chặt với chất sử thi. Tính cách, số phận, vận mệnh của các nhân vật chính: Tất Thành, Vân, Sinh Sắc, Hoàng Thị Loan được đan xen, bện kết chặt chẽ, tinh tế cùng số phận, tính cách, vận mệnh của hàng mấy chục nhân vật khác. Và tất cả lại được hòa vào với vận mệnh, số phận của hàng vạn quần chúng trong nhiều đại cảnh hoành tráng, sôi động, quyết liệt, phản ánh các sự kiện quan trọng của Việt Nam và của thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam trong vòng 30 năm từ 1911 trở về trước.
Một trong những nét độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khác với nhiều danh nhân khác là Người luôn luôn gắn với quần chúng. Điều này được những người làm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn đặc biệt quan tâm và dốc công thể hiện. Trong phim, nhiều đại cảnh dựng lại những điều Tất Thành biết qua lời kể của cha và nhiều cảnh tự thân tuổi trẻ và thời niên thiếu của Tất Thành chứng kiến. Tôi tin là trong ký ức mỹ cảm của mỗi công chúng sẽ ghi lại khá đậm ít nhất là vài ba trong số các đại cảnh về quân dân thành Huế đau xót, tiếc thương tiễn biệt vua Hàm Nghi đi đày; về buổi thiết triều cuối cùng của vua Thành Thái tại điện Thái Hòa; về đám tang bà Hoàng Thị Loan; về cuộc biểu tình đấu tranh chống sưu, giảm thuế; về bãi tử thi những người bị đàn áp; về cuộc hội Tết của dân tộc Chăm; về phu khuân vác bến cảng Nhà Rồng; về cuộc đình công của thợ nhà máy Simac; về cuộc biểu tình đòi thả cụ Phan Chu Trinh… Tất cả những cảnh tượng đó, những biến động đó được trình bày với khán giả qua sự tham gia, sự chứng kiến, qua hồi ức, hồi tưởng của Nguyễn Tất Thành. Và bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, phim cũng đã bao hàm nhiều sự kiện lớn, nhiều mối quan hệ quốc tế với Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20: Phong trào Đông du và Nhật Bản, quan hệ Việt Nam với Ấn Độ, với Trung Hoa những năm trước cách mạng Tân Hợi, cùng những ảnh hưởng từ nhiều nước Âu Mỹ đối với Việt Nam thời ấy… Toàn bộ các sự kiện, các biến động đó là bối cảnh, là điều kiện, là nguyên nhân để xuất hiện, để hình thành những ý đồ của biết bao nhiêu người ở các dân tộc thuộc địa muốn đi tìm chiếc “chìa khóa vàng” để tự tay mở cánh cửa sắt tù ngục nô lệ, giải phóng cho dân, cho nước. Chính Tất Thành - tuổi trẻ Hồ Chí Minh đã đắm mình trong môi trường chính trị sôi động đó. Bản lĩnh Hồ Chí Minh được hun đúc trong buổi ban đầu bằng cả một phức hợp những sự kiện lớn lao đó. Lý tưởng, tình cảm, hoài bão, ý chí Hồ Chí Minh được chớm nở trong các mối liên quan với tình thế của quốc gia và quốc tế phức tạp như vậy đó.
Giai đoạn lịch sử đó là giai đoạn người thanh niên Nguyễn Tất Thành, như muôn vàn người Việt Nam khác, đứng trước họa nước mất. Điểm đáng quý của những người làm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn là ở chỗ biết nêu bật từ trong bối cảnh bi thương đó những mầm mống của lòng tự tôn, của tinh thần bất khuất, của sự nung nấu ý chí hào hùng. Và Nguyễn Tất Thành tiêu biểu cho lớp thanh niên Việt Nam tiếp nhận những mầm mống đó. Ở một phía khác, qua hình ảnh Nguyễn Tất Thành với môi trường xã hội - lịch sử hồi đầu thế kỷ 20, người xem cũng nhận ra rằng ngay từ thời tuổi trẻ, trong con người ấy đã hình thành những yếu tố dự báo cho một vĩ nhân vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là nhà văn hóa lớn.
Hẹn gặp lại Sài Gòn là phim truyện, cho nên những người làm phim được phép sử dụng quyền hư cấu nghệ thuật. Tuy nhiên, tuyến sự kiện, như vừa phân tích ở trên, về cơ bản là sát với sự thực lịch sử. Nỗi băn khoăn lớn nhất ở đây là việc sử dụng quyền hư cấu nghệ thuật trong xây dựng tuyến nhân vật. Đặc biệt, với một nhân vật có thực cùng tầm vóc lịch sử lớn lao như Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thì quyền hư cấu nghệ thuật phải được vận dụng như thế nào đây để khỏi xâm phạm đến tính chân thực lịch sử, để tạo cho người xem một lòng tin là những gì hiện lên màn ảnh, dù là đã có thực hay được nảy sinh từ những suy luận, từ khả năng hư cấu của người làm phim, đều mang tính hợp lý, đều có thể chấp nhận? Đó là điều băn khoăn, lo lắng của rất nhiều người ngay từ khi biết tin là sẽ có một bộ phim truyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mà băn khoăn, lo lắng nhiều nhất có lẽ lại chính là những người làm phim.
Thận trọng nhưng đầy tự tin, những người làm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn đã dựng nên nhiều cảnh, nhiều trường đoạn thể hiện những tình huống rất riêng tư, khó có thể tìm thấy trong các sách lịch sử, các tác phẩm dưới dạng người thực, việc thực - nghĩa là chất hư cấu, chất suy luận ở các cảnh, các trường đoạn này rất đậm. Thế nhưng, qua đó đã tạo được những xúc cảm thẩm mỹ có thể khiến cho người xem quên bẵng đi sự câu nệ rằng đó là có thực hay là hư cấu, suy luận. Chẳng hạn như cảnh vợ chồng ông Nguyễn Sinh Sắc gánh gồng, dắt díu các con, vượt đèo Ngang vào Huế; cảnh Tất Thành dội nước cho mẹ gội đầu; cảnh Vân quỳ xuống bên Tất Thành trên bãi tử thi của dân biểu tình bị đàn áp; những cảnh tiếp xúc giữa Tất Thành với thầy giáo Rêmi ở Trường Quốc học Huế; Tất Thành với các học trò của mình ở Trường Dục Thanh; đoạn ông Tư Đờn ngỏ lời tác thành cho Tất Thành với con gái yêu quý của ông; cảnh quyến luyến tình bạn, vương vấn tình yêu, thiết tha và chân thành, trong sáng và cao cả giữa đôi nam nữ Thành - Vân dưới rặng dừa ven sông trước giờ từ biệt…
Những gì đã xảy ra trong lịch sử, trong xã hội, trong đoạn đời tuổi trẻ Hồ Chí Minh mà phim truyện nghệ thuật Hẹn gặp lại Sài Gòn mô tả hầu như người thời nay không còn ai được tận mắt chứng kiến. Điều quan trọng nhất đối với công chúng điện ảnh hiện tại lúc xem phim này không chỉ là vấn đề những sự kiện của lịch sử, của xã hội, những suy tư, hành động, những tính cách, số phận, vận mệnh của Nguyễn Tất Thành và của từng nhân vật trong đó có thực hay không, mà cái chủ yếu là có hợp lôgích hay không, có chấp nhận được hay không. Với tất cả những sự thận trọng cần phải có trước một tác phẩm nghệ thuật về một nhân vật lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi yên tâm về điều đó. Tôi nghĩ rằng những gì thuộc phạm vi hư cấu, suy luận trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, về cơ bản là hợp lôgích, là có thể chấp nhận được.
Hẹn gặp lại Sài Gòn là tác phẩm nghệ thuật có sức hấp dẫn. Sức hấp dẫn ở đây là sức hấp dẫn của một nội dung lớn, của một cốt truyện hay, của ý nghĩa chủ đề sâu, của một đề tài rộng, của tầm tư tưởng cao bằng ngôn ngữ điện ảnh, với sự quy tụ một dàn diễn viên đông đảo: Tiến Hợi trong vai Tất Thành, Thu Hà trong vai Vân, Bá Lộc trong vai Sinh Sắc, Lan Hương trong vai Hoàng Thị Loan, Alain Dussarps trong vai Rêmi, Lâm Tới trong vai Tư Đờn, Thế Anh trong vai Trần Quang Nghiêm… Sự xuất hiện của họ trên màn ảnh, bên cạnh nghệ thuật diễn xuất, còn chứng tỏ một trình độ hiểu biết sâu về các vai diễn của toàn thể bộ phim, chứng tỏ một ý thức rất đúng đắn về trách nhiệm của mình trước một bộ phim lớn về một nhân vật lịch sử lớn như là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mong sao những cố gắng và những thành tựu của những người làm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn sẽ đến tận từng người Việt Nam, tận từng người yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các nước - đến với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật hay, một tác phẩm làm đầy đủ các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp và ký hiệu; đến với tư cách là một sản phẩm văn hóa không thể thiếu đối với mọi người trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TRẦN TRỌNG ĐĂNG ĐÀN

(SGGP)