Thứ tư, 17/8/2011, 13h08

Nhân mùa Vu lan 2011: Những “người mẹ” trên sân khấu kịch

Cảnh trong vở Mẹ và người tình

Đã có rất nhiều vở kịch khắc họa hình tượng người mẹ “lấy” biết bao nước mắt của khán giả. Mỗi người mẹ có mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung ở họ chính là lòng thương con bao la, sâu rộng như biển Thái Bình…

1. “Chữ Hiếu mà từ thuở sinh ra ta đã thuộc nằm lòng, đã biết nắn nót viết bằng chữ in hoa. Nhưng đã có lúc ta vô tình bỏ quên khi sai quấy một điều gì đó trong suy nghĩ, ta hồ đồ trong mỗi hành vi, dẫn đến những hậu quả khiến cha mẹ phiền não, lo lắng. Cũng có lúc ta đấu tranh giữa sự lựa chọn tốt - xấu, được - mất mà ranh giới quá mong manh, nhỏ bé. Trở lực nào đã cản ngăn ta không rơi qua mặt trái đó nếu không vì lòng hiếu để canh cánh trong lòng, e sợ điều gì làm tổn hại đến tâm trí của bậc song thân…”. Đó chính là thông điệp của vở kịch Mẹ và người tình (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Minh Nhí) trên Sân khấu kịch Phú Nhuận. Vở kết thúc bằng hình ảnh người mẹ đổ gục xuống trước sự thật quá phũ phàng về những “đứa con hoàn hảo” của mình. Bất kỳ ai mới nhìn vào gia đình của bà Xuân cũng đều có cảm nhận rằng đó là một đại gia đình hạnh phúc, lý tưởng. Chồng mất sớm, một tay bà Xuân đã nuôi dạy năm người con khôn lớn, thành đạt. Những người con cũng yêu thương bà Xuân hết mực, luôn răm rắp làm theo mệnh lệnh cũng như mọi sự sắp đặt của bà. Thế nhưng, tất cả các trật tự ấy đã bắt đầu đảo lộn khi trong buổi tiệc mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình, bà Xuân đưa ông Sơn (một giáo viên dạy văn đã về hưu, cũng góa vợ) về giới thiệu với các con đồng thời tuyên bố sẽ “bước thêm bước nữa” cùng với người này. Thật ra, thời còn trẻ, bà và ông Sơn yêu nhau chân thành. Nhưng vì hoàn cảnh “môn đăng hộ đối” đã chia cắt tình cảm của họ. Bây giờ khi tuổi đã về chiều, hoàn thành trọng trách của mình, họ thấy cần phải có nhau để an ủi quãng đời còn lại. Trước quyết định của mẹ, các người con vốn quen khuất phục bề ngoài không dám phản kháng nhưng bên trong lại âm thầm bày ra nhiều trò “ném đá giấu tay” để gây chia rẽ mẹ mình và người tình vì lòng ích kỷ. Họ không chỉ sợ mẹ bị ông Sơn “dụ dỗ” để chiếm đoạt tài sản mà còn sợ bị “hoen ố” uy tín của chính bản thân mình. Với vai bà Xuân, NSƯT Hồng Vân đã khiến người xem “nổi gai ốc” với từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói. Vai diễn đã giúp Hồng Vân đoạt huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009.
2. NSƯT Kim Cương chia sẻ: “Tôi luôn tâm nguyện những lời dạy của Đại đức Thích Lãng Thành ở chùa Vĩnh Nghiêm rằng: Chữ Hiếu giống như kim chỉ nam cho lương tâm và bổn phận của mỗi người con khi có mặt trên đời. Chữ Hiếu cũng được nhìn nhận là thước đo đạo đức, phẩm hạnh của một con người, là chuẩn mực của một thứ tình cảm mang tính cội rễ. Ngay cả người sinh ra ta, nuôi dưỡng ta mà còn không biết yêu thương, kính trọng, nâng niu, thì nói gì đến các cung bậc tình cảm cũng như những mối quan hệ gia đình, xã hội khác”. Khi đạo diễn vở Con gái chị Hằng của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, NSƯT Kim Cương đã trung thành với tâm niệm ấy. Vở chứa đựng nhiều nước mắt đau khổ. Chia tay với chồng sớm, bà mẹ phải chịu đựng bao khó khăn, khổ cực. Lâm vào đường cùng, bà cam chịu làm vợ bé để có tiền nuôi con ăn học. Khi con gái khôn lớn biết mẹ mình làm vợ bé cho người giàu có thì đâm ra oán hận, tủi nhục. Cô bỏ về nhà cha ruột của mình khiến người mẹ vô cùng đau khổ. Nghe tin con bị tai nạn, người mẹ lên cơn đau tim và qua đời. Khi con gái hối hận thì mọi sự đã muộn màng… Khán giả nghẹn ngào khi nghe người mẹ (NSƯT Kim Cương thủ diễn) thốt lên lời nói trước lúc đi xa: “Hồi nhỏ mình cho cục kẹo con cũng thích, đi đâu cũng đòi theo. Còn bây giờ mình sắp đi một chuyến không về mà con không đòi theo…”. Khi diễn vai chị Hằng, NSƯT Kim Cương không khóc nhiều với nhân vật của mình mà chị đã biết nén nỗi đau lại trong lòng. Đến khi “không chịu nổi” thì nỗi đau tự bật ra, lúc ấy khán giả bị cuốn theo những dòng cảm xúc đó… Trong đầu của NSƯT Kim Cương bao giờ cũng hiện lên hình ảnh của người mẹ cao cả bao dung này, diễn đến hàng trăm suất nhưng chị đều có một cảm xúc như nhau. Chị bảo rằng trên cuộc đời này, người mẹ nào cũng hết lòng yêu thương con. Không chỉ trong Con gái chị Hằng mà cả trong Bông hồng cài áo, Tình mẫu tử, Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ... Con cái dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể bất hiếu với cha mẹ. Con cái có thể bỏ cha mẹ nhưng cha mẹ lúc nào cũng hướng về con cái...
Bài, ảnh: HIỆP THANH

“Tôi từng rất hạnh phúc khi vào vai người mẹ có những đứa con hiếu hạnh. Kịch nói cũng chính là cuộc đời, người xem sẽ học hỏi hoặc loại bỏ các điều không hay để sống tốt đẹp hơn” - NSƯT Kim Cương bộc bạch.