Thứ ba, 26/8/2014, 23h08

Nỗi đau của nhà văn Búp sen xanh

Nhà văn Sơn Tùng trong sự chăm sóc của người vợ
Một căn phòng nhỏ chật hẹp chưa đến 16m2 nằm trong con ngõ nhỏ của ngõ Văn Chương, Hà Nội, không ai nghĩ đó lại là nơi an cư của một nhà văn nổi tiếng. Tới thăm nhà văn Sơn Tùng khi cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của ông vừa bị phát hiện in lậu tới lần thứ ba, với số lượng mỗi lần 1.000 cuốn. Những vết thương do chiến tranh để lại, cùng với tuổi già đã khiến nhà văn Sơn Tùng phải dựa vào sự chăm sóc của người vợ.
Viết trong cơn đau
Nhà văn Sơn Tùng vốn được biết tới như một huyền thoại sống về nghị lực và ý chí phi thường. Ông từng là người lính, phóng viên chiến trường. Trở về đời thường, nhà văn Sơn Tùng bị thương mất 81% sức khỏe, 3 mảnh đạn còn trong đầu, khắp người có 14 vết thương. Tay và chân đều trúng mảnh đạn, ông không đi lại được, tay phải co quắp, tay trái đạn cắt mất chỉ còn 2 ngón (ngón cái và ngón trỏ), thị lực còn 1/10, tai bị rách phải vá lại. 3 mảnh đạn còn ghim trong đầu thường dội lên những cơn đau kinh hoàng.
Khi bị thương ở chiến trường trở về Hà Nội, nhà cũ đã trả cho Nhà nước trước khi đi B, không nhận lại được. Dù là người có cống hiến, có tiêu chuẩn được cấp nhà nhưng ông lại phải ở trong một căn phòng nhỏ dựa vào tiêu chuẩn của vợ. Thậm chí, có những lúc không có nhà ở, vợ chồng ông đã từng phải ở trong những chiếc lều tạm bằng giấy dầu, có khi làm tạm một chiếc gác xép bên trên chiếc chuồng lợn của một người quen biết… rồi cuối cùng mới có được một chỗ ở 8m2, sau gom góp dần, đổi thành 16m2.
Thời kỳ đầu, ông phải cột bút vào giữa hai ngón tay còn lành lặn mà viết. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại sưng tấy, chảy máu, những cơn động kinh co giật khiến ông đau đớn vật vã. Nhưng khi cơn đau qua đi, ông lại ngồi vào bàn viết. Văn của ông giản dị, mạch lạc mà hàm súc, đa nghĩa, giàu tính nhân văn và triết luận, trong sáng và sang trọng.
Búp sen xanh  và hành trình 30 năm
Con trai nhà văn Sơn Tùng, ông Bùi Sơn Định chia sẻ: “Cuốn tiểu thuyết này ra đời năm 1982 và được bạn đọc đón nhận khi nhà văn Sơn Tùng đã viết về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tất cả những gì xúc động, chân thực, gần gũi nhất. Khát vọng tìm hiểu và viết về Bác Hồ đã được Sơn Tùng ôm ấp từ thuở thanh niên. Sơn Tùng vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi khoa bảng, thân thiết với gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc (bà nội nhà văn Sơn Tùng là cháu họ bà nội Bác Hồ. Em trai ông nội nhà văn đỗ tú tài cùng khoa với em trai cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Bác), nên ngay từ tuổi thanh niên, sau Cách mạng tháng Tám, khi còn công tác tại Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh, nhà văn Sơn Tùng đã thường xuyên đến xin cụ Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm, chị gái và anh trai ruột của Bác Hồ tư liệu về gia thế Bác Hồ và về tuổi thơ của Người. Từ khi còn rất trẻ ông đã gặp anh trai và chị gái Bác Hồ, đã tìm được nhiều tư liệu quý nhưng không có điều kiện để viết. Cuộc sống trong chiến tranh khốc liệt, ngặt nghèo, bao nhiêu dự định đành lùi lại. Từ khi bị thương ở chiến trường về ông mới thực sự có thời gian dành cho việc viết văn. Và hầu như toàn bộ sự nghiệp văn chương khá đồ sộ của ông đều được viết trong gần 40 năm qua, trong điều kiện khó khăn, thương tật giày vò. Ông Sơn Định cho biết, sau 30 năm, cuốn sách đã được kí bản quyền 10 năm một lần với nhà NXB Kim Đồng lại bị vi phạm. Ông Định cho hay, NXB Thời Đại (địa chỉ in lậu trên cuốn sách tái bản tới lần thứ ba từ cuối năm 2013) lại khẳng định không hề biết chuyện này, cuốn sách trên thị trường là do nhà in đã mạo danh NXB Thời Đại(?!).
Ông Định chia sẻ: “Đây chính là sự ăn cắp trắng trợn lao động nghệ thuật của cha tôi, hiện ông đang lâm trọng bệnh, phải nằm liệt giường. Bởi, với 3 lần in lậu đều do NXB Thời Đại thực hiện, đã khiến cho số lượng sách của NXB Kim Đồng bị giảm xuống ít nhất 3.000 cuốn, đồng nghĩa với việc 3 lần nhà văn Sơn Tùng đã không được nhận nhuận bút - nguồn thu nhập chính mà nhà văn trông chờ trong lúc tuổi già, bệnh nặng, với tổng số tiền khoảng 20 triệu đồng. Vả lại, với 2 lần in lậu liên tiếp trong một thời gian rất ngắn, khiến chúng tôi vô cùng bức xúc”. Đến nay, các đơn vị chức năng đã vào cuộc và đã có các văn bản xử lý liên quan đến vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, theo ông Định, các cơ quan chức năng cần làm tới cùng tệ nạn in lậu, vi phạm bản quyền của các NXB, nhà in, bởi đây không chỉ chuyện bản quyền bị xâm hại, bạn đọc bị lừa dối khi cầm trên tay một bản in chất lượng kém, cẩu thả mà ngay các nhà văn khi đứng trước tệ nạn này cũng nản lòng và thui chột khả năng sáng tạo.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Cuốn sách để đời
Có thể nói, Búp sen xanh là cuốn sách để đời của nhà văn Sơn Tùng, trong số trên 30 đầu sách của ông. Đây là cuốn sách ông được hưởng thành quả mỗi năm với khoảng 30 triệu đồng tiền bản quyền, dù không nhiều nhưng nó mang nhiều ý nghĩa về tinh thần cũng như góp một chút đỡ đần tuổi già bệnh tật của nhà văn.