Thứ năm, 24/4/2014, 10h04

Phim "Sống cùng lịch sử": Trẻ trung, hiện đại

Ngày 23-4, Sống cùng lịch sử - bộ phim nhựa duy nhất được đặt hàng để chiếu trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trình chiếu ra mắt tại Hà Nội.
Trong 60 năm qua, đã có biết bao nhiêu phim nói về đề tài Điện Biên, nói về chiến thắng chấn động địa cầu này, song Sống cùng lịch sử đã đưa người xem tiếp cận với câu chuyện lịch sử ở một góc nhìn mới trẻ trung, hiện đại và đầy tính nhân văn.
Kịch bản phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ đi phượt qua những địa danh năm xưa của chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc bắt đầu đi, họ là những thanh niên đậm chất hiện đại. Nhưng cũng từ chính cuộc hành trình đó, Lâm, Tùng, Nga đã ngược dòng trời gian trở về với những trận chiến năm xưa của cha ông và rồi chính họ cũng tham gia vào những lát cắt ngang của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, điểm mới ở bộ phim là thủ pháp đồng hiện (những người ở hiện tại sống lại cùng thế hệ trước). Trong phim, các bạn trẻ ở thời hiện tại sống lại ký ức năm xưa, chứng kiến dân công thồ hàng bị máy bay ném bom, các chiến sĩ hò kéo pháo, chứng kiến những gương hy sinh của các anh hùng thế nào… Thủ pháp này khiến các bạn trẻ hiện tại không chỉ còn là người quan sát mà họ tự đặt mình vào vai trò những dân công, chiến sĩ, y tá… như đang tham gia trực tiếp vào cuộc chiến lịch sử 56 ngày đêm đào hầm, ăn cơm vắt…
Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử.
Quá khứ và hiện tại xen kẽ lẫn nhau. Những thanh niên đang sống giữa thủ đô, được trang bị đầy đủ iPad, iPhone... bỗng chốc đi vào trận đánh cách đây 60 năm. Với mỗi suy nghĩ của từng người về quá khứ, họ đã tham gia vào trận đánh theo kiểu của họ. Và đã có sự chuyển biến về cách nhìn nhận lịch sử của những người trẻ tuổi này, khi bắt đầu tham gia chiến dịch cho tới khi kết thúc thì họ đã trở thành những người khác. Dường như cuộc chiến trong mơ, sự tiếp xúc với những người lính, với dân công, sự gian khổ và chính cả nỗi đau về sự hy sinh, mất mát của chính đồng đội, những người đã anh dũng chiến đấu ở ngay bên họ đã làm thay đổi cách nhìn của mình về cuộc chiến. Mỗi khúc quanh, mỗi con đường làm cho họ nghiêm túc hơn, nhân ái hơn và có trách nhiệm hơn với công lao của thế hệ đi trước.
Vượt qua khuôn khổ cứng nhắc thường thấy của dòng phim tuyên truyền, Sống cùng lịch sử có thể được coi là một điểm cộng dành cho đạo diễn Thanh Vân. Như nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn chia sẻ, bộ phim đã giúp khán giả trẻ chạm vào lịch sử bằng chính câu chuyện của họ. Các nhà làm phim đã vượt qua hơn 10.000km đồi núi hiểm trở của vùng Tây Bắc, Điện Biên để chọn địa điểm, trường quay, nhưng con đường khó nhất là chạm vào tới cảm xúc của khán giả. Và Sống cùng lịch sử đã làm được điều này.
Với Sống cùng lịch sử, khán giả không chỉ đắm mình trong những cảnh khói lửa, cảnh làn tên mũi đạn… mà còn thực sự bị chinh phục bởi cách sử dụng vô cùng tinh tế các tiết tấu âm nhạc trong phim. Nếu việc đưa giai điệu tuyệt vời của nhạc phẩm LaVie en rose làm điểm nhấn đầy cảm xúc thì bộ phim cũng để lại một vài lấn cấn thường thấy của các nhà làm phim Việt. Có lẽ, bởi thời lượng phim thì có hạn mà cuộc chiến thì quá vĩ đại, vì thế các nhà làm phim dường như đã quá tham lam khi đưa vào đây nhiều hình tượng mà bỏ qua việc xây dựng tính cách nhân vật khiến đôi lúc người xem phim có cảm giác nghe kể chuyện nhiều hơn là cảm nhận.
Theo SGGP