Thứ sáu, 23/1/2015, 16h01

Sách “ô nhiễm”: Vì đâu nên nỗi?

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Chưa khi nào vấn đề “ô nhiễm” của sách lại được dư luận quan tâm nhiều như thời gian qua. Cuộc tọa đàm “Những cuốn sách làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục thanh thiếu niên - Thực trạng và giải pháp” do Hội Xuất bản Việt Nam (Văn phòng đại diện phía Nam) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức vào sáng 21-1 đã tiếp tục làm “nóng” vấn đề này.
Thật giả lẫn lộn
Trong năm 2014, đã có 399 xuất bản phẩm vi phạm bị phát hiện và xử lý, trong đó: Cục Xuất bản, In và Phát hành xử lý 1 xuất bản phẩm do Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép và 398 xuất bản phẩm của 43 nhà xuất bản (NXB). Đó là những con số được ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nêu ra tại tọa đàm. “Giám đốc, Tổng Biên tập NXB chưa làm tròn trách nhiệm, buông lỏng quy trình biên tập, quy trình liên kết xuất bản”, ông Chu Văn Hòa lý giải một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sách “rác” xuất hiện trên thị trường.
Hiện nay, trên cả nước có 63 NXB với số lượng sách tung ra thị trường năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Năm 2014, ngành xuất bản đã tăng thêm 50 triệu bản sách, nâng số bản sách lên gần 300 triệu bản. Đây là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, lượng sách “rác”, sách kém chất lượng vẫn đang làm vẩn đục môi trường xuất bản. Rất dễ tìm thấy những “hạt sạn” trong các tác phẩm dành cho đối tượng thanh thiếu niên. Hỏi đáp nhanh trí, Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh hay Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh... là những ấn phẩm sách gây ồn ào trong dư luận thời gian qua. Bà Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Nhà quản lý có thực sự quan tâm đến người đọc trẻ/học sinh, sinh viên hay không, khi mà những cuốn sách nhảm được phát hiện đều có đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên”.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi trên thực tế có bao nhiêu NXB thật sự đủ điều kiện để thực hiện đầy đủ và đúng quy trình xuất bản một cuốn sách. PGS.TS Huỳnh Như Phương, giảng viên Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM thẳng thắn nhận định: “Mô hình xuất bản hiện nay không tối ưu bởi tồn tại nhiều mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa số lượng NXB tăng theo cấp số cộng với số lượng tư nhân tham gia làm sách tăng theo cấp số nhân. Đó là mâu thuẫn giữa năng lực chuyên môn nhất định của từng NXB với việc biên tập và quản lý danh mục sách liên kết ngày càng nhiều. Đó là mâu thuẫn giữa khả năng tài chính có hạn của từng NXB với nhiệm vụ đào tạo và tái đào tạo đội ngũ làm xuất bản chuyên nghiệp và việc trả lương cho đội ngũ đó”.
Bên cạnh đó, có khá nhiều ý kiến cho rằng chính cách giật tít mang tính “câu khách” của truyền thông đã đẩy vấn đề càng được nhân lên rộng hơn. Không thể phủ nhận được sự nỗ lực của nhiều đơn vị xuất bản, công ty sách tư nhân để phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn, sáng tạo hơn. Đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, Công ty cổ phần Fahasa, Công ty Firstnews Trí Việt… đã bày tỏ sự “chạnh lòng” khi mọi phê phán đều nhằm đến những người làm sách tư nhân mà ngoài chuyện lợi nhuận, họ còn lý tưởng nghề nghiệp của người làm sách, mang đến những giá trị tri thức cho cộng đồng.
Cần có sự phối hợp đồng bộ
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định: “Liên kết xuất bản sách là một chủ trương đúng đắn vì nó góp phần nâng cao chất lượng đầu tư cho ngành. Nếu các NXB chỉ chờ vốn rót từ trên xuống thì một năm cao lắm cũng chỉ có thể làm được từ 3 đến 5 đầu sách. Vấn đề đặt ra là phải tạo được sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan trong việc siết chặt chất lượng sách”.
Hướng tới một thị trường xuất bản lành mạnh là mong muốn của những ai quan tâm đến ngành xuất bản và sự nghiệp giáo dục. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để khắc phục những vấn nạn trong ngành xuất bản vừa qua. Đa phần những vụ việc sai phạm tập trung ở dạng liên kết sách giữa đơn vị tư nhân với NXB nên vấn đề này đã được nhiều đại biểu mổ xẻ toàn diện, đa chiều và thẳng thắn.
Chiếm gần 80% số lượng sách đưa ra thị trường hiện nay, sách liên kết thật sự làm ngành xuất bản trở nên sôi động, phong phú. Tuy nhiên, hiện nay, sách liên kết đã và đang bộc lộ quá nhiều bất cập mang tính khách quan mà tự thân NXB không giải quyết được như: Không được cấp vốn, thuế đất và tiền thuê nhà quá cao đối với loại hình kinh doanh có điều kiện như xuất bản, nạn in lậu tràn lan...
Thiết nghĩ, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tự thân mỗi NXB phải có những quy chế hoạt động chặt chẽ. Bên cạnh đó, để tránh trường hợp phải thu hồi sách hoặc dùng các hình thức xử phạt sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận, các cấp quản lý cần theo dõi kết quả hoạt động của các NXB thường xuyên, đánh giá năng lực của đội ngũ biên tập qua chất lượng và số lượng sách đã xuất bản, để có tỷ lệ phân bố kế hoạch đề tài hợp tình hợp lý.
Bài, ảnh: Yên Hà
“Để hạn chế tình trạng sách kém chất lượng, trước tiên phải quy hoạch, sàng lọc lại hệ thống NXB trên cả nước. Nên để những NXB hoạt động mạnh, có những quy chế chặt chẽ được tồn tại, đưa ra những sản phẩm tốt cho xã hội”, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhấn mạnh.