Thứ tư, 26/11/2014, 12h11

Sức hút của dòng phim tâm lý - hình sự

Cảnh trong phim Khi người đàn ông trở lại
Tuy số lượng sản xuất hàng năm không nhiều, song phim tâm lý - hình sự đã có một vị trí nhất định trong dòng chảy chung của phim truyền hình Việt.
Luôn hấp dẫn khán giả
Cách đây khoảng 7 năm, phim truyền hình tâm lý - hình sự Việt còn khá xa lạ với khán giả bởi hầu hết các hãng phim đều tập trung khai thác thể loại tâm lý tình cảm tay ba, tay tư. Theo đạo diễn Xuân Cường thì: “Thời điểm đó, phim tâm lý - hình sự được cho là “xa xí phẩm” bởi nó vừa “khó nuốt” đối với các nhà làm phim Việt từ khâu kịch bản, kinh phí đến lực lượng chỉ đạo võ thuật. Khán giả ít chờ đợi xem thể loại phim này. Hoặc nếu có đi chăng nữa thì các pha võ thuật cũng bị khán giả chê một cách không thương tiếc, không chỉ ở diễn xuất mà còn ở kỹ xảo, góc quay… Có phim được đánh giá là khá về phần võ thuật thì lại bị “soi” nội dung lỏng lẻo và ngược lại. Nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí”.
Cũng chính vì yếu tố khách quan này mà các đạo diễn khá dè dặt khi nhận lời làm phim tâm lý - hình sự. Tuy nhiên, sau bộ phim tâm lý - hình sự Dollar trắng của đạo diễn Trần Cảnh Đôn chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Trần Tử Văn tạo nên hiện tượng thì dòng phim bắt đầu được các nhà sản xuất quan tâm nhiều hơn với hàng loạt bộ phim hành động ra đời được khán giả đón nhận như: Luật giang hồ, Hoa xương rồng, Đối diện tử thần, Đường về, Cảnh sát hình sự, Nhiệm vụ đặc biệt, Vật chứng mong manh... Nhưng về mặt nội dung, hầu hết các phim tâm lý - hình sự này đều có điểm chung là khai thác giới giang hồ cùng những cuộc thanh toán lẫn nhau nên tạo sự trùng lắp. Tiếp thu ý kiến của khán giả, thời gian qua các phim tâm lý - hình sự như: Nghiệt oan, Bí mật tam giác vàng, Sát thủ online, Con gái vị thẩm phán, Kẻ gây hấn, Những đứa con biệt động Sài Gòn 2, Vàng trắng, Khi người đàn ông trở lại… đã có sự cải tiến rõ rệt. Chủ đề của các bộ phim này khá đa dạng với nội dung nhiều kịch tính bất ngờ, vạch trần tội ác của bọn buôn bán ma túy, xã hội đen, tội phạm mạng. Tốc độ, tiết tấu của phim khá nhanh, không bị sa đà vào sự “câu giờ” khiến khán giả sốt ruột. Mỗi tập phim đều có xung đột, kết thúc ở cao trào, diễn viên hợp vai khiến khán giả luôn muốn đón xem các tập tiếp theo. Đạo diễn Nguyễn Dương rất thành công với bộ phim Bí mật tam giác vàng cho biết: “Yếu tố làm nên thành công cho bộ phim này chính là khâu võ thuật được đầu tư khá kỹ lưỡng. Hầu như tập nào cũng có đánh võ. Làm phim tâm lý - hình sự không chỉ khó khăn mà cực kỳ tốn kém. Nhiều cảnh hiện lên màn hình chỉ vỏn vẹn 1 phút mà chúng tôi tốn thời gian quay đến 10 tiếng. Nhưng khi được khán giả đón nhận, chúng tôi rất hạnh phúc và hồ hởi làm phim tiếp theo”.
Vẫn còn không ít khó khăn
Song song với các bộ phim tâm lý - hình sự chuẩn bị ra mắt khán giả thì nhiều dự án làm phim này cũng đang làm nức lòng người hâm mộ. So với thể loại phim khác thì dòng phim tâm lý - hình sự là thể loại khó, không phải đạo diễn nào cũng làm được. Nó đòi hỏi kinh nghiệm, bản lĩnh và tâm huyết rất nhiều. May mắn là ngoài một số đạo diễn đã thành công với thể loại này như Vũ Hồng Sơn, Trần Cảnh Đôn, Bùi Cường, Bùi Tuấn Dũng, Xuân Cường, Võ Ngọc, Nguyễn Dương… gần đây còn có sự vào cuộc của các đạo diễn Nhâm Minh Hiền, Hoàng Trung, Lý Khắc Linh, Phương Điền, Quốc Thịnh, Nguyễn Minh Quang… Điều này có được là nhờ sự mạnh dạn “chọn mặt gửi vàng” của các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn kịch bản thể loại này không nhiều do khó viết, đòi hỏi biên kịch phải có vốn sống, kinh nghiệm ở các mảng phóng sự điều tra. Vì thế, những bộ phim như Bí mật tam giác vàng, Những đứa con biệt động Sài Gòn 2, Cung đường trắng có kịch bản thu hút khán giả là nhờ sự tham gia của các biên kịch là nhà báo, công an có sự am hiểu sâu rộng các vấn đề xã hội cũng như đã từng thâm nhập thực tế.
Thêm một vấn đề nữa là việc chọn được diễn viên hợp vai, diễn xuất tốt, biết võ thuật cho dòng phim tâm lý - hình sự rất khó khăn. Cái khó của các diễn viên khi tham gia dạng phim này là không chỉ diễn xuất tâm lý tốt mà vào vai công an, luật sư, thẩm phán hay giang hồ phải thể hiện cho ra tác phong, nhân dạng của nhân vật thì không phải diễn viên nào cũng có thể đảm nhận được.
Bài, ảnh: Nguyễn Phúc
“Cùng với sự thăng hoa của phim tâm lý - hình sự, nghề chỉ đạo võ thuật cũng đang dần có một vị trí nhất định. Giới làm nghề đã quen thuộc với những cái tên Tuấn “nhào lộn”, Hải “Long An”, Quốc Thịnh, Dương Bảo Anh… trong vai trò đạo diễn võ thuật. Họ đóng một vai trò rất quan trọng với dòng phim này” - đạo diễn Trần Cảnh Đôn cho biết!