Thứ ba, 2/9/2014, 20h09

Thổn thức hồn thơ qua những giọng ngâm

Ngâm thơ có minh họa trong Ngày thơ Việt Nam 2014. Tác giả tự biên tự diễn tại Câu lạc bộ Thơ ca Khánh Hội 

Với người Việt Nam, thơ ca muôn đời là người bạn tri kỷ tri âm. Không chỉ biết làm thơ, những nghệ sĩ của đời thường còn có thú bình thơ, nghe đọc và ngâm thơ. Những tiết mục ngâm thơ trong các câu lạc bộ, từng bài thơ được diễn ngâm trong chương trình Tiếng thơ luôn có sức quyến rũ kỳ lạ với những khán thính giả vốn từng gắn bó và chung thủy với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Cũng từ đây nghệ thuật ngâm thơ đã được thăng hoa và phô bày vẻ đẹp của cuộc sống...
Nhìn lại các loại hình giải trí trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay mới thấy rằng nghệ thuật ngâm thơ có vẻ như đang lui dần vào “hậu trường lịch sử”. Khán thính giả có nhu cầu thưởng thức thơ qua giọng ngâm cứ thưa thớt dần. Thế nhưng không chịu lùi bước trước những đòi hỏi nghiệt ngã của cuộc sống hiện đại, chương trình Tiếng thơ trên một số làn sóng điện của Trung ương và một vài địa phương vẫn chung thủy với loại hình nghệ thuật đặc biệt này.
“Đặc sản” của dân tộc Việt
 Đó cũng là sự gắn bó nặng tình của một số khán thính giả “còn sót lại của một thế hệ” đối với chương trình ngâm thơ trầm lắng vào giữa đêm khuya. Cũng giống như Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM nhiều năm nay thường xuyên ra mắt đều đặn với thính giả vào các tối thứ hai, tư, sáu và chủ nhật hàng tuần. Ở đó người yêu thơ không chỉ có cơ hội trở về với những ký ức xa xưa qua những thi phẩm đặc sắc mà còn được gặp lại những giọng ngâm thơ nổi tiếng một thời. Những bài thơ thật sự lay động con tim bởi giọng ngâm ngọt ngào lại một lần nữa làm thổn thức mọi tâm hồn.
Có thể nói ngâm thơ là “đặc sản” rất riêng của Việt Nam vì đối với các quốc gia khác cách thể hiện duy nhất vẫn là đọc thơ. Vì thế ngâm thơ đã thành “món ăn tinh thần ngon miệng nhất” của mọi người khi có nhu cầu thưởng ngoạn thi phú. Theo GS. Trần Văn Khê, khi mỗi câu mỗi chữ trong bài thơ được ngân nga, giọng lên cao xuống thấp trầm bổng và không có tiết tấu thì mới gọi là ngâm thơ. Rõ ràng ngâm thơ khác hẳn với đọc hay bình thơ. Bắt đầu từ đó vẻ đẹp của nghệ thuật ngâm thơ đã được người nghệ sĩ trau chuốt đến mức độ hoàn chỉnh nhất. Hơn ai hết họ đã đem đến cho bài thơ một đời sống khác. Nếu đời sống thứ nhất được sinh ra từ tâm hồn thi sĩ thì giọng ngâm của nghệ sĩ đã đem lại đời sống thứ hai cho bài thơ. Và chính từ đời sống “có hơi thở” này mà tác phẩm thơ có thêm cơ hội lan tỏa. Nếu ca sĩ hát tân nhạc luôn phải gò theo các khuôn âm nốt nhạc mà người nhạc sĩ đã quy định sẵn thì trong nghệ thuật ngâm thơ lại không phải đi theo một kỹ thuật xướng âm khuôn phép nào. Đây là nét đặc trưng nhất của nghệ thuật ngâm thơ và cũng chính từ nét riêng này mà người nghệ sĩ có thêm cơ hội tự do sáng tạo trong một không gian nghệ thuật rộng lớn hơn. Điểm chung giữa ca sĩ hát tân nhạc và nghệ sĩ ngâm thơ là trước hết phải có một chất giọng tốt nếu không nói là thiên bẩm. Tuy nhiên theo NSƯT Trần Thị Tuyết, có một chất giọng trời phú cũng chưa đủ mà người nghệ sĩ phải biết luyện thanh luyện giọng: “Ngâm thơ phải biết kỹ thuật lấy hơi và giữ hơi, có như vậy khi ngâm mới tròn vành rõ chữ”.  Để trở thành giọng ngâm thơ nổi tiếng trên làn sóng điện, bà đã phải học từ giọng hát ca trù của mẹ, hát ả đào từ nghệ sĩ Phó Kim Đức. Theo bà có như vậy mới khắc phục được nhược điểm của bản thân và học tập được cách buông hơi nhả chữ của người đi trước.
Miệt mài trên con đường sáng tạo
Đó cũng là phương pháp tự học của NSƯT Linh Nhâm nổi tiếng một thời. Thừa hưởng một chất giọng truyền cảm nhưng bà đã không ngừng luyện giọng. Dù đã là người nổi tiếng nhưng các nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm, Châu Loan, Kim Cúc, Hồng Vân và sau này là Văn Chương, Vũ Ban, Vân Khanh… trước khi vào phòng thu đều phải đọc kỹ tác phẩm, nắm rõ thể loại thơ để tìm cách ngâm phù hợp. Nếu có điều gì chưa rõ họ có thể bàn bạc với biên tập viên chương trình, trao đổi với tác giả và đánh dấu những ký hiệu cần thiết lên văn bản để thể hiện có hiệu quả cao nhất. Các nghệ sĩ đều khẳng định, ngâm thơ phải có giọng tự nhiên, không được khoe giọng và quan trọng hơn là tạo được cảm hứng thật sự khi ngâm. Nhờ vậy mà các bài thơ Lá thư Bến Tre, Ta đi tới, Trường ca theo chân Bác (Tố Hữu)… đã gắn với tên tuổi của NSƯT Linh Nhâm - một giọng ngâm đi cùng năm tháng thời chống Mỹ. NSƯT Trần Thị Tuyết được coi là giọng ngâm hay nhất Việt Nam, được thính giả biết nhiều qua cách ngâm có một không hai bài Người con gái Việt Nam (Tố Hữu), Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên), Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)… Không ai có thể vượt qua được giọng ngâm của NSND Châu Loan - tiếng thơ nối đôi bờ giới tuyến - khi thể hiện bài thơ Mẹ Suốt, Bài ca xuân 61 (Tố Hữu), Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh), Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ)… Đây thật sự là kết quả mỹ mãn của năng lực sáng tạo không ngừng mà đội ngũ nghệ sĩ ngâm thơ biết phát huy đúng “mạch” sở trường đặc biệt vốn có của bản thân. Cách làm mới của người nghệ sĩ được in dấu rõ trong cách ngâm khác nhau. Theo nghệ nhân Hồng Oanh, các thể thơ truyền thống như tứ tuyệt, thất ngôn, ngũ ngôn được thể hiện qua giọng ngâm rất hiệu quả nhưng vẫn không tạo được âm giai lắng đọng và ngọt ngào bằng ngâm lục bát - một thể thơ truyền thống của dân tộc. Giọng ngâm nổi tiếng xứ Nghệ cũng khẳng định ngay thể thơ lục bát cũng có nhiều cách ngâm chứ không thể duy nhất. Nhạc điệu và tiết tấu trong mỗi cách sáng tạo của người nghệ sĩ đã chắp cánh cho từng bài thơ có cơ hội bay cao và bay xa đến tận cùng sự rung cảm hòa điệu trong ngàn vạn trái tim thưởng thức.
Phan Ngọc Quang