Thứ ba, 15/4/2014, 22h04

Về cố đô mùa hội Festival

Du khách tìm lại kí ức qua phiên chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn
Đêm 12-4, Festival Huế 2014 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động chính của Lễ hội Festival Huế 2014, các hoạt động Chợ quê ngày hội - Cầu ngói Thanh Toàn; Phong Hải biển nhớ, Hương xưa làng cổ, Đêm hoàng cung… đã tái hiện khung cảnh sống thanh bình xa xưa lẫn cuộc sống tráng lệ chốn hoàng cung...
Từ làng cổ Phước Tích đến cầu ngói Thanh Toàn
Nép mình bên dòng Ô Lâu êm đềm, những ngày này người dân làng cổ Phước Tích đâu đâu cũng hân hoan quảng bá hình ảnh làng quê mình với bạn bè năm châu. Lễ hội Hương xưa làng cổ được chọn làm điểm nhấn của Festival 2014 với phần lễ cầu quốc thái, dân an, cầu mùa màng bội thu, trời yên, biển lặn trang trọng và phần hội rộn ràng bởi những trò chơi dân gian mang đậm văn hóa truyền thống. Du khách đến với Phước Tích được tham quan cảnh quan làng cổ trên bộ, trên sông; nhà rường cổ; nghề truyền thống và trưng bày các sản phẩm thủ công: Nghề gốm, điêu khắc mỹ nghệ; nước mắm Phong Hải, rượu Phong Chương, tương măng Phong Mỹ, đệm bàng Phong Bình, mây tre đan... Ông Lê Trọng Phú, một người dân Phước Tích đang sống trong ngôi nhà rường cổ gần 300 năm, cho biết: “Cuộc sống hiện đại, nhiều nơi xây biệt thự, nhà cao tầng nhưng người dân Phước Tích vẫn giản dị sống trong những ngôi nhà rường cổ. Đó là di sản tự hào của cha ông để lại. Bởi vậy, dù nằm trong quy hoạch bảo tồn di sản quốc gia nhưng mỗi khi nhà xuống cấp, dù đời sống kinh tế khó khăn người dân vẫn tự tay bỏ tiền ra tu sửa”.
Hiện Phước Tích còn khoảng 30 ngôi nhà cổ, được xây dựng từ những năm 1850-1870, được gìn giữ khá nguyên vẹn.
5 giờ sáng, từ mọi nẻo đường quê, người dân, du khách đã bắt đầu đổ về phiên chợ quê để tham gia ngày hội. Chợ quê được tái hiện một cách sinh động không khí phiên chợ xưa với các hoạt cảnh mua, bán, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm…
Cầu Ngói Thanh Toàn được xây dựng vào năm 1776, do bà Trần Thị Đạo, là vợ của một vị quan cao cấp dưới triều Lê Hiển Tông đã cúng tiền cho làng xây dựng, để dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước. Trên những chiếc thuyền nan hay đôi quang gánh trĩu nặng của các bà, các mẹ là những sản vật mang dấu ấn riêng của miền quê Hương Thủy như: Gạo Thủy Dương; nếp Thủy Tân, Thủy Phù, Thủy Vân; bột lọc Thủy Dương; rượu làng Chuồn; bánh tráng Thủy Lương; đậu xanh, đậu phụng, bắp Dương Hòa… Bà Nguyễn Thị Hoa (78 tuổi) - một người dân Thanh Thủy phấn khởi nói: “Cây cầu này thuở xưa gắn bó với người làng từ thời thơ ấu cho đến ngày tóc ngả sang màu bạc. Người dân Thanh Thủy có đi đâu thật xa cũng không quên được những buổi sớm mai ngồi trên quang gánh của mẹ đi chợ Cầu Ngói Thanh Toàn. Bởi thế, dù nay sức yếu tôi vẫn chuẩn bị mớ rau từ cả mấy ngày trước để được ra dự phiên chợ với bà con. Không cần lời lãi, miễn đến được phiên chợ, chung vui cùng bà con, kể cho du khách nghe về sự tích hội chợ quê mình là đã thấy tự hào lắm”.
Còn ông Lê Văn Chung - Phó chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy - Trưởng ban chỉ đạo lễ hội nói: “Hội chợ là một nét văn hóa truyền thống thuần quê của người dân Việt cần được giữ gìn và phát triển, nhất là trong thời kì hội nhập”.
Lộng lẫy đêm phương Đông
Đêm 13-4, tại sân điện Thái Hòa (Đại nội Huế), trong không gian chốn hoàng cung lộng lẫy, tráng lệ và cổ kính, hàng trăm du khách đã có những cung bậc cảm xúc khó quên khi chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống và hiện đại của 11 quốc gia châu Á. Đêm phương Đông bắt đầu với tà áo dài Việt Nam. Với thiết kế áo dài hai thân, sắc màu dịu dàng truyền thống, thướt tha. Hình ảnh áo dài Việt Nam một lần nữa làm cho người Việt tự hào về lịch sử của đất nước mình. Đêm hội trang phục được các diễn viên của 11 quốc gia châu Á, 100 người mẫu trong nước biểu diễn. Người xem càng lúc càng bị cuốn hút bởi sự huyền bí trên những tà áo dài chứa đựng triết lý sâu xa của cuộc sống, mang đậm dấu ấn tâm linh của mỗi dân tộc. Đêm phương Đông thực sự trở thành một thông điệp chứng minh về sự phong phú và đa dạng của bản sắc châu Á…
Kéo dài suốt 9 ngày (từ 12 đến 21-4), Festival Huế 2014 vẫn đang tiếp tục diễn ra với các hoạt động quy mô rộng rãi từ miền ngược đến miền xuôi, từ rừng về biển.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết: “Festival Huế năm nay, không gian biểu diễn nghệ thuật cộng đồng được mở rộng, trải khắp các huyện, thị xã, vùng sâu vùng xa. Các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước như Sri Lanka, Trung Quốc, Indonesia, Nga, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore… đến biểu diễn phục vụ người dân”.