Thứ năm, 24/4/2014, 09h04

Viettel tổ chức lễ hội Âm vang đại ngàn

Một lễ hội lớn, tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của xứ sở cồng chiêng và sử thi sẽ được Viettel tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để chào đón đón khách hàng thứ 2 triệu của Bộ tính năng “Tomato Buôn làng”.


Chương trình giao lưu nghệ thuật mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên sẽ là điểm nhấn đặc biệt của Lễ hội "Âm vang đại ngàn" 
Tiếp nối thành công rực rỡ của Lễ hội “Sắc Xuân Tây Bắc” tại Sapa (Lào Cai), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Lễ hội “Âm vang đại ngàn” như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa dành tặng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Đây cũng là sự kiện chào đón khách hàng thứ 2 triệu và kỷ niệm 1 năm đưa vào hoạt động của Bộ tính năng “Tomato Buôn làng” - sản phẩm được Viettel phát triển dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Lễ hội sẽ diễn ra từ 26 - 27.4.2014 tại Quảng trường 10.3, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Được chuẩn bị chu đáo và với sự tham gia đông đủ của các nghệ nhân, nghệ sĩ và các đoàn nghệ thuật 5 tỉnh Tây Nguyên, Lễ hội “Âm vang đại ngàn” sẽ thực là một sự kiện văn hóa dân gian đặc sắc, mang đậm dấu ấn đặc trưng đời sống của người dân địa phương.
Đến với lễ hội này, người dân và du khách sẽ được đắm mình trong không gian huyền thoại của xứ sở đại ngàn với cồng chiêng và sử thi. Bên cạnh đó, các màn trình diễn trang phục dân tộc; triển lãm ảnh, vật phẩm văn hóa, công cụ lao động; hội chợ ẩm thực… cũng là những hoạt động vô cùng hấp dẫn không thể bỏ qua.
Dịp này, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham dự chương trình sẽ được trải nghiệm miễn phí các sản phẩm, dịch vụ của Viettel, trong đó có Bộ tính năng “Tomato Buôn làng”; được hướng dẫn sử dụng các dịch vụ viễn thông vào mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình và tham gia vào nhiều trò chơi đố vui với những phần thưởng có giá trị cao. Trong sự kiện này, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa TP.Buôn Ma Thuột sẽ khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các già làng, trưởng buôn và đồng bào các dân tộc.
Điểm nhấn đặc biệt của lễ hội là chương trình giao lưu nghệ thuật mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên, với sự tham gia biểu diễn của 5 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.
Theo bà Phạm Thị Thanh Vân, Phó TGĐ Tổng công ty Viễn thông Viettel, cùng với Tây Bắc, Tây Nguyên là một trong hai vùng đất còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa và tập trung nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số nhất của nước ta. Chính vì vậy, Tây Nguyên được chọn là điểm đến tiếp theo của chuỗi sự kiện Lễ hội bản làng. “Cũng như giá trị lõi mà Viettel luôn phát huy trong mỗi sản phẩm dịch vụ đó là tính sáng tạo và sự sát thực với nhu cầu cuộc sống. Trong chương trình Lễ hội này, chúng tôi đã tạo ra một sân chơi để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và du khách được thỏa sức vui chơi, trải nghiệm và sáng tạo trên những chất liệu tự nhiên của cuộc sống trong đó có sản phẩm, dịch vụ của Viettel đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống bà con”, bà Vân chia sẻ.
Chính thức ra mắt vào 1.2013, Bộ tính năng “Tomato Buôn làng” là sản phẩm dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay từ khi ra đời bộ tính năng đã được sự đón nhận của đông đảo bà con và đạt con số 1,86 triệu thuê bao chỉ sau một năm cung cấp. Bộ tính năng này là sản phẩm viễn thông đầu tiên ở Việt Nam hỗ trợ 10 ngôn ngữ của đồng bào dân tộc (Khơ me, Gia rai, Tày Nùng, Mông, Dao, Thái, Mường, Ba Na, Ê đê, Hrê).
Theo Viettel, tính năng gọi lên tổng đài 3334 (hướng dẫn nông nghiệp, tin tức tổng hợp hàng tuần, kể chuyện, nghe nhạc bằng tiếng dân tộc phát 24/24 giờ) được bà con sử dụng nhiều nhất với gần 300 nghìn cuộc gọi chỉ trong tháng 1.2014.
Theo TNO