Thứ năm, 27/11/2014, 23h11

Có một ngôi trường đặc biệt

Lễ khánh thành bia lưu niệm Trường Nguyễn Văn Trỗi 
Tại căn cứ Lò Gò, Tây Ninh có một ngôi trường đặc biệt mang tên một người cũng rất đặc biệt. Đó là Trường Nguyễn Văn Trỗi của Trung ương Cục Miền Nam được thành lập vào năm 1964.
Trong kháng chiến, ngôi trường này mọc giữa rừng sâu ngay trong tầm đại bác của giặc. Không chỉ dạy và học, thầy trò còn tham gia sản xuất để cải thiện đời sống và nếu cần cũng trực tiếp chiến đấu như một người chiến sĩ. Ngày 23-11 mới đây, trường đã kỷ niệm 50 năm thành lập.
Mặc dù bận bao nhiêu việc nhưng nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình) vẫn rất vui vì ngày hội ngộ của thầy và trò Trường Nguyễn Văn Trỗi. Đó cũng là tâm trạng bùi ngùi của bà Phan Thu Nguyệt và Lâm Nguyệt Thu - cựu học sinh của trường. Thầy giáo Nguyễn Quốc Dũng nhớ lại ngày đầu tiên mình lên đây dạy học: “Đang hoạt động ở Bời Lời, tôi được tổ chức phân công lên Lò Gò mở lớp dạy học. Tôi là một trong 4 giáo viên đầu tiên về đây mở lớp. Ngôi trường ban đầu chỉ là một hội trường lớn được tiếp thu từ sau Đại hội Chiến sĩ thi đua miền Nam năm 1964”. Cũng theo lời kể của thầy Dũng, đây là ngôi trường đặc biệt vì HS đủ các lứa tuổi đa số là con em của những cán bộ đang hoạt động ở chiến khu hay trong nội thành: “Có em chỉ mới 7, 8 tuổi đến đây còn nhớ cha nhớ mẹ nhưng các em đều giỏi trong mọi công việc. Ban đầu chỉ có chương trình cấp 1, sau đó mới có thêm vài lớp cấp 2 và cấp 3”.
Trường vừa thành lập nhưng chưa kịp có “giấy khai sinh” để đặt tên. Đúng vào thời điểm đó sự kiện Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh với  khí tiết lẫm liệt đã gây tiếng vang lớn khắp thế giới. Cô Ngọc Hà và một số giáo viên khác đề nghị ngôi trường được mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và được cấp trên chấp thuận. Nhưng cũng bắt đầu từ đó Trường Nguyễn Văn Trỗi trở thành chấm đen trên bản đồ đánh phá của quân thù. Chúng không ngờ rằng, trong rừng núi âm u vẫn có một ngôi trường cách mạng ra đời. Với sự đùm bọc của nhân dân, sự chở che của bộ đội hàng ngày tiếng bom rít vẫn không át được tiếng giảng bài dưới hầm sâu. Lớp học nào bị giặc đốt cháy thì vài hôm sau thầy trò lại vào rừng chặt lá trung quân lợp lại. Gò đất, trảng rừng nơi nào cũng có thể biến thành bục giảng.
Giây phút chị Phan Thị Quyên gửi tặng nhà trường bức tượng màu trắng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đặt ngay giữa khu lưu niệm là một hình ảnh đẹp đầy ý nghĩa. Ông Nguyễn Trọng Xuất nhớ mãi ngày bí mật vào trường thăm hai đứa con trai: “Trước khi hai con tôi là Cầu Tiến và Thành Nhân được tổ chức cho ra Bắc học tập năm 1971, tôi là người may mắn duy nhất được vào thăm trường. Vợ tôi cũng không lên thăm được vì đang bị tù ở khám Thủ Đức. Thấy con cái mình được thầy cô chăm sóc chu đáo và dạy dỗ ân cần nên tôi rất an tâm. 4 năm sau, mãi đến năm 1975 cha con tôi mới có dịp đoàn tụ. Lúc bấy giờ hai cháu đã trưởng thành và trở về Nam công tác”. Cũng như các phụ huynh khác, ông Xuất thật sự biết ơn cách mạng vì đã mở ra một ngôi trường đặc biệt mang tên một con người đặc biệt để gieo mầm những hạt giống đỏ cho tương lai.
Bài, ảnh: Quang Phan
Tuy chỉ dạy ở đây 1 năm nhưng thầy Dũng vẫn nhớ cuộc sống thiếu thốn nhưng đầy tình người ở một ngôi trường nằm tận trong rừng sâu sát với biên giới Campuchia. Những lúc đi rừng khát nước hay đói bụng thầy trò lại rủ nhau đi hái trái gùi, cóc rừng… lót dạ cho đỡ khát.