Thứ ba, 13/5/2014, 09h05

Đề xuất chi trả lương hưu, tuổi nghỉ hưu mới

Chiều 12-5, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có cuộc họp thông tin về những lý do đề xuất kéo dài tuổi được nghỉ hưu và thay đổi lại cách tính mức hưởng lương hưu cho người lao động so với quy định hiện nay, cũng như các thông tin có liên quan đến việc “vỡ quỹ” BHXH.

Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu của BHXH Việt Nam, thực tế khái niệm “vỡ quỹ” là không chuẩn mà theo tính toán thì nếu cứ duy trì cách tính tuổi nghỉ hưu và mức đóng như hiện nay thì tới khoảng năm 2036 sẽ xảy ra mất cân bằng giữa mức hưởng và mức đóng BHXH của người lao động. Do đó, việc cân nhắc và đề xuất nhằm đảm bảo cân bằng quỹ để đảm bảo cân bằng về mức đóng và mức được hưởng cho người lao động khi đến tuổi hưu.

Để “lo xa” cho nguy cơ trên, BHXH Việt Nam cùng các cơ quan liên quan như Bộ LĐTB-XH, Bộ Y tế đã bàn bạc và đề xuất 8 nhóm giải pháp để ổn định quỹ. Trong đó, chú trọng mở rộng đối tượng tham gia BHXH và kéo dài thời gian đóng BHXH (thông qua kéo dài thời gian nghỉ hưu: 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi với nam).

Ông Trần Đình Liệu cho biết, hiện cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng thực tế chỉ có trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động và trong số này, chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Còn nếu tính theo số lượng người lao động, cả nước có 16 triệu lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, nhưng mới chỉ có 11 triệu người tham gia. Như vậy, còn trên 5 triệu người chưa tham gia, tương ứng số tiền bị “thất thu” BHXH và bảo hiểm y tế là 56.000 tỷ đồng/năm.

Cách tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng đang bộc lộ nhiều kẽ hở để doanh nghiệp “lách” và quỹ bị thất thu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký 2 hợp đồng với người lao động ở các mức khác nhau, sau đó chỉ dùng hợp đồng lương thấp để đăng ký với cơ quan BHXH. Nhiều doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng mức nhỉnh hơn mức lương cơ bản một chút, có nơi chỉ 1,9-2,7 triệu đồng trong khi thu nhập thực tế của lao động cao hơn nhiều (như khu vực FDI là 4-5 triệu đồng, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng 2,5-3 triệu đồng).

Theo tính toán, chỉ cần mức chênh khoảng 1 triệu đồng thì BHXH đã thất thu khoảng 24.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, mức đóng BHXH của khối hành chính sự nghiệp luôn cao, còn mức đóng của khối doanh nghiệp FDI, ngoài quốc doanh… lại thấp. Đồng thời, cách tính tiền lương hưu cho người lao động trong khu vực nhà nước như hiện nay là tính bình quân mức lương được hưởng trên một số năm cuối (là giai đoạn người lao động có mức lương cao nhất) – chưa bình đẳng với người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân. Và cách chi trả lương hưu như hiện tại là “đánh đồng” giữa mọi lao động, dẫn tới bất bình đẳng giữa người đóng nhiều và người đóng ít.

Ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh: Nếu cứ duy trì mức đóng và độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì không có nghĩa là tiền của Quỹ BHXH sẽ cạn kiệt hoặc mất đi mà chỉ làm giảm mức hưởng so với mức đóng của người lao động, đồng thời tạo sự không công bằng giữa các nhóm lao động khác nhau. Mục đích của việc thay đổi là hướng tới sự công bằng giữa lao động trong khối hành chính sự nghiệp và ngoài hành chính sự nghiệp, trong quốc doanh và ngoài quốc doanh…

Nói cách khác là không còn tình trạng “cào bằng” – san sẻ mức lương hưu giữa các nhóm lao động như hiện nay mà đóng bao nhiêu thì sẽ được hưởng bấy nhiêu.

Hầu như địa phương nào cũng xảy ra nợ BHXH. Tính đến hết tháng 3-2014, tổng nợ 3 loại bảo hiểm là trên 11.000 tỷ đồng và đến tháng 4-2014 đã tăng lên 12.500 tỷ đồng. Nợ BHXH thành nợ khó đòi, mặc dù đã đề nghị phạt hành chính khoảng 6.000 đơn vị nhưng mới có 900 đơn vị bị xử phạt. Trách nhiệm thanh tra các sai phạm của doanh nghiệp thuộc thanh tra Bộ LĐTB-XH, thanh tra Bộ Y tế, trong dự thảo Luật BHXH sắp trình Quốc hội, ông Trần Đình Liệu cho biết đã đề nghị bổ sung quy định “cơ quan BHXH có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm luật về đóng và hưởng BHXH”.

VĂN PHÚC (SGGP)