Thứ năm, 30/10/2014, 20h10

Gần 2 triệu người chờ nước sạch

Nước sạch về, người dân ấp 1, xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh) sẽ không phải dùng nguồn nước ô nhiễm như trước đây
Tính tới thời điểm này, dân số TP.HCM đạt khoảng 8 triệu người. Trong đó, có gần 2 triệu người trên địa bàn TP chưa có nước sạch dùng trong sinh hoạt. Vòng luẩn quẩn “khát” nước sạch đang được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ trong năm nay.
Vòng luẩn quẩn thiếu nước
So với những lời than phiền của người dân ở Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè từ bao lâu nay phải dùng nước giếng khoan nhiễm phèn, nhiễm vi sinh trong sinh hoạt, phải mua nước đóng chai dùng trong ăn uống, thì một số người dân ở Bình Chánh, đặc biệt ở quận 9 còn khốn khổ hơn vì có những hộ không thể dùng nước giếng khoan do độ phèn quá nặng. Chẳng hạn như 13 phường trên địa bàn quận 9, thì chỉ có hai phường là Phước Long và Phước Long B đã có nước sạch, 11 phường còn lại với hơn 6.000 hộ dân buộc phải mua nước sạch của những hộ đã có đồng hồ nước với giá 70.000-80.000 đồng/m3. Tuy nhiên, số hộ dân mua nước với giá cao ngất không nhiều, mà đa phần do điều kiện kinh tế không cho phép, họ đã phải mua nước bình hoặc bơm nước sông để dùng trong sinh hoạt lẫn ăn uống. 
Ông Phạm Văn Chí, 80 tuổi, là một trong số hơn 6.000 hộ dân ngụ phường Long Phước, quận 9 kể rằng gia đình ông sống ở đây đã ba đời cũng chỉ dùng chủ yếu là nước sông rạch. “Gia đình tôi không phải không biết lo cho sức khỏe. Thì cũng khoan giếng hai lần nhưng nước phèn quá không xài được. Đành phải bơm nước sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai lóng phèn xài đỡ”.
Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật và Quản lý môi trường lưu ý, việc xử lý nước bằng biện pháp lóng phèn hoặc bằng các chế phẩm xử lý nước chỉ có thể làm giảm độ đục của nước, trong khi các chất độc tố hoặc những chất ô nhiễm kim loại nặng vẫn còn tồn tại.
Ông Lê Đức Năm - Phó chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam cho biết, chất lượng nước sông Đồng Nai đã được cảnh báo là đang xấu dần đi, có những đoạn đang “chết lâm sàng” vì ô nhiễm quá mức. Cụ thể, nước sông Sài Gòn từ khu vực sông Thị Tính bắt đầu ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và tăng dần về phía hạ lưu. Khu vực TP.HCM có hàm lượng BOD5, COD, vi sinh... đều không đạt quy chuẩn chất lượng cấp nước cho mục đích sinh hoạt.
“Vòng kim cô” đang được tháo
Bao nhiêu mong chờ nguồn nước sạch, kể cả những ưu tư “không biết chờ nước sạch đến bao giờ” của những hộ dân khát nước bao lâu nay như đang nhẹ nhàng hơn từ tín hiệu vui của nghị quyết 38. Nghị quyết số 38/2013/NQ-HĐND, về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2014 khẳng định trong tổng số 12 chỉ tiêu môi trường trong năm nay của TP, trong đó có hai mục tiêu lớn là phấn đấu đạt tỷ lệ hộ dân đô thị và nông thôn được cấp nước sạch đến mức tuyệt đối 100%.
Theo kế hoạch, đến năm 2015, TP.HCM đầu tư khoảng 12.200 tỷ đồng để phát triển thêm nguồn nước và hệ thống truyền dẫn bổ sung. Nguồn nước sạch sẽ có thêm 940.000m³/ngày từ các nhà máy nước: Kênh Đông; Thủ Đức giai đoạn 3, 4; Tân Hiệp 2, đưa tổng công suất phát nước lên 2.721.000m³/ngày, đáp ứng hơn 92% nhu cầu sử dụng nước của người dân TP.
Ông Lê Hữu Quang - Trưởng phòng Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng SAWACO khẳng định  SAWACO đã rất nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới cấp nước nhưng cũng còn hạn chế do vốn đầu tư quá lớn. Hơn nữa đây là lĩnh vực khả năng sinh lợi thấp kéo theo việc khó hấp dẫn nhà đầu tư về vốn. Tuy nhiên, trước mắt đối với những vùng ngoại thành, giải pháp cung cấp nước tạm thời như dùng xe tải chở bồn nước cung cấp cho dân mà SAWACO đã thực hiện không thể “phủ sóng” rộng khắp do một số nơi giao thông không thuận tiện. Do đó, công ty đang đề nghị điều chỉnh tăng giá nước và vay thêm 1.520 tỷ đồng để thực hiện các Dự án cấp nước trên địa bàn TP, góp phần đem nguồn nước sạch phục vụ người dân được rộng khắp.
Niềm vui có nước sạch đầu tiên phải kể đến là địa bàn ấp 1, xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh. Nơi đây vừa được cấp nước sạch theo chương trình nước sạch nông thôn vào tháng 8 vừa qua. Đây là bước ngoặt lớn giúp đẩy lùi nạn tiêu chảy cấp từng hoành hành gây tử vong cho trẻ em. Nguồn nước nơi đây vốn ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều hộ dân làm chuồng chăn nuôi heo, gà, bồ câu, làm nhà vệ sinh xả phân xuống ao hoặc dùng nội tạng động vật về làm thức ăn cho cá. Vậy mà nguồn nước này người dân lại dùng để tắm giặt, rửa thức ăn… Nay, nguồn nước sạch về với giá 8.000 đồng/m3, người dân ai nấy phấn khởi trong lòng và tin rằng cuộc sống của họ kể từ nay sẽ sáng sủa hơn, vấn đề sức khỏe của người dân sẽ được bảo đảm hơn.
Ngoài Bình Chánh, tính đến thời điểm này, một số quận ven, huyện ngoại thành cũng đang dần tiến đến việc triển khai phương án có nước sạch một cách cụ thể. Trên địa bàn huyện Hóc Môn, 6 xã thuộc diện nông thôn mới là Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Sơn, Đông Thạnh, Tân Hiệp trong năm nay cũng sẽ được Công ty Cấp nước Trung An đầu tư 8 dự án lắp đặt 34.376m đường ống cấp nước sạch phục vụ 3.214 hộ dân với tổng mức đầu tư hơn 74,1 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Bích Vân
Quận 9: Nhanh chóng đem nguồn nước sạch đến với người dân
Ông Phạm Văn Đông - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP cho rằng, việc để người dân ở quận 9 phải sử dụng giá nước quá cao 70.000-80.000 đồng/m3 một phần thuộc về trách nhiệm của cơ quan cấp nước và chính quyền địa phương. Do đó, cơ quan này đã yêu cầu UBND quận 9 gấp rút phối hợp với đơn vị cấp nước lắp đặt thêm nhiều bồn nước công cộng và vận chuyển nước sạch bằng xe bồn để đem nguồn nước sạch đến với người dân một cách nhanh chóng.