Thứ ba, 2/9/2014, 20h09

Họ đã làm chuyện “bao đồng”

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông Phạm Văn Tân vẫn ngày ngày nhặt rác quanh khu vực kênh Cầu Mé, P.3, Q.11
Dù nghèo, rất nghèo nhưng nhiều năm nay họ vẫn làm những công việc mà nhiều người cho là chuyện “bao đồng” như nhặt rác để bảo vệ môi trường, thu lượm ve chai giúp học sinh nghèo vượt khó…
36 năm “tuyên chiến” với rác
Hơn 36 năm nay, ông Phạm Văn Tân (75 tuổi, cư ngụ trong một con hẻm nhỏ, P.3, Q.11, TP.HCM) vẫn chuyên đi vớt rác ở kênh Cầu Mé. Người ngang qua không hiểu cho ông là dở hơi, làm ba cái chuyện bao đồng… nhưng người hiểu chuyện lại mua cho ông chai nước, gói xôi, ổ bánh mì để ông ăn sáng, có thêm sức khỏe mà nhặt rác bảo vệ môi trường.
Ông Tân bắt đầu công việc này từ sau năm 1975, khi đó ông đi làm công quả mỗi ngày được khoảng 3kg gạo nhưng vẫn tranh thủ vớt rác trôi trên kênh để rác không ứ đọng lại gây tắc dòng chảy. Ông nói: “Trước giải phóng, kênh này nước trong xanh và sạch lắm. Khi kinh tế bắt đầu phát triển, dân tứ xứ tập trung đông hơn, chất thải sinh hoạt đổ ra nhiều hơn thì kênh bắt đầu đối mặt với ô nhiễm. Đến giờ thì nước kênh đen kịt, không chỉ có mùa mưa mà ngay cả lúc trời nắng người dân quanh đây vẫn phải gánh chịu mùi hôi thối bốc lên”.
Hễ mưa đến, căn nhà nhỏ vỏn vẹn 20m2 của ông cùng nhiều hộ gia đình khác lại ngập nước, nhà nào chưa kịp lấy gạch che chắn thì rác lại theo dòng nước ùa vào nhà. Cả xóm như một cánh đồng trũng ngập giữa vựa rác thải. Bởi vậy, có tuần từ sáng sớm đến quá trưa, cái bụng đói meo ông vẫn đi dọc bờ kênh để vớt rác. “Tôi làm việc này không có mong muốn gì hơn là bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, gia đình, làng xóm láng giềng. Rác không vớt lên, lăng quăng, muỗi lại đổ về nhiều hơn gây ra nhiều dịch bệnh cho trẻ, đặc biệt là bệnh sốt rét…”, ông lý giải cho công việc của mình.
Dụng cụ vớt rác của ông chỉ là cây sào với cái móc nhỏ, vậy mà 36 năm nay, bất kể nắng mưa ông vẫn cặm cụi và miệt mài vớt từng cái bịch nilon trôi lềnh bềnh trên nước. Vớt xong, thay vì phải đốt liền thì ông phơi khô, đợi đến 3, 4 giờ sáng - khi người dân đang chìm say trong giấc ngủ, ông mới lò mò dậy đốt. “Đốt rác phải đốt ban đêm chứ đốt ban ngày tôi sợ khói và mùi hôi thối bốc lên làm phiền mọi người lắm”, ông thổ lộ. 

Nguyễn Huỳnh Ngọc Thiện phân loại ve chai chuẩn bị đem bán để góp quỹ học bổng cho học sinh nghèo
Không chỉ vớt rác quanh khu vực kênh Cầu Mé, ông còn thường xuyên tự nguyện tổng vệ sinh đường phố, quét dọc quanh khu đường Hòa Bình. Nhiều người ngang qua hỏi ông già rồi sao không nghỉ ngơi mà phải khổ sở làm như vậy, ông cười hiền bảo: Tôi làm quen rồi, nhìn thấy đường phố đầy rác thải lại không chịu được…
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn lao động vất vả để kiếm ăn từng ngày vì con cái dù đã có gia đình riêng nhưng đều là lao động phổ thông, lại đang ở nhà mướn nên nghèo lắm, chẳng thể giúp bố mẹ được nhiều. Vợ chồng ông nhận gia công lắp ráp càng thắng xe đạp cho một người quen, mỗi ngày được khoảng 50 ngàn đồng. Số tiền này dành chi cho tiền ăn, rồi điện, nước… đôi khi không đủ nhưng chưa bao giờ ông nghĩ từ bỏ công việc nhặt rác quanh dòng kênh này. Ông cười móm mém nói: “Tôi sẽ nhặt rác, nhặt đến khi nào không còn sức nữa mới thôi chứ bây giờ bắt tôi bỏ công việc này, tôi không thể chịu đựng được. Tạo môi trường sạch đẹp, giúp cho người cũng chính là giúp cho mình”.
Chàng trai trẻ nặng lòng với xóm nghèo
Đến ấp 2, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM hỏi nhà Nguyễn Huỳnh Ngọc Thiện là không ai lại không biết đến anh Bí thư Đoàn của ấp rất năng nổ và nặng tình với xóm nghèo. Trước đây, Thiện và mẹ sống trong căn nhà nát, mưa xuống nước dột tứ bề, tối đến thì ngồi trong nhà ngắm được ngàn sao lấp lánh nhưng vừa qua được xã ủng hộ nên mẹ con Thiện cũng có căn nhà xây kiên cố để trú nắng trú mưa.
Bố mất sớm, mẹ bị bệnh ung thư phải trải qua nhiều lần xạ trị, nhà lại nuôi thêm ông ngoại ở sát cạnh nên đang học năm thứ 2 Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (khoảng tháng 8-2012), Thiện buộc phải nghỉ học để đi làm. Thiện làm đủ mọi nghề, ai kêu gì làm nấy. Sáng trực sân banh, chiều chở hàng, tối lại làm bảo vệ cho một công ty ở gần nhà… mỗi tháng kiếm được khoảng 5 triệu đồng để chi trả phí chữa bệnh cho mẹ và sinh hoạt gia đình.
Bận rộn là vậy nhưng tuần nào Thiện cũng dành ra một ngày để cùng 8 bạn đoàn viên trong ấp đi nhặt ve chai kiếm tiền phụ giúp những học sinh nghèo vượt khó. Phong trào này được Đoàn xã vận động từ năm 2011 nhưng sau đó thấy bà con ủng hộ nhiều nên Thiện đã về ấp lập kế hoạch thực hiện công việc này thường xuyên hơn. Thiện nói: “Mình từng vui mừng, cảm động khi nhận học bổng từ các anh chị đoàn viên trong ấp, trong xã nên mình thấy được giá trị của những phần quà này. Vì vậy, ngay khi trưởng thành, dù không có tiền nhưng mình muốn đóng góp chút ít công sức để xây dựng nguồn quỹ học bổng cho các em. Hơn nữa đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa giúp thôn xóm bảo vệ môi trường sạch đẹp”.
Với công việc thu lượm ve chai sau 3 năm thực hiện, nhóm của Thiện đã thu được hơn 10 triệu đồng để phát học bổng (mỗi suất 500 ngàn đồng) và nhiều quà tặng cho trẻ nghèo. “Đầu năm học mới này, nhóm Thiện dự kiến sẽ trao 4 suất học bổng cho trẻ trong ấp”, Thiện bật mí.

Nguyễn Huỳnh Ngọc Thiện cùng sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh đổ đất làm sân chơi cho trẻ ở Nhà Văn hóa ấp 2, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè

Không chỉ nhặt ve chai làm việc thiện, Thiện còn phát động nhiều hoạt động khác để giúp đỡ người nghèo trong xóm. Sống ở xóm nghèo, thường xuyên chứng kiến cảnh nhà này tất tả chạy sang nhà kia mượn vài lon gạo về nấu cơm trưa nên Thiện đã phát động cùng 8 đoàn viên trong nhóm góp 20kg gạo/ tháng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Thiện còn hăng hái phát động các đoàn viên trong nhóm tổ chức góp sức cùng xã xây nhà tình thương, sửa điện, sửa nhà cho những người già neo đơn… Nói về những hoạt động thiết thực của Thiện, chị Nguyễn Thị Bích Em, Bí thư Đoàn xã Phước Kiển cho hay: “Mặc dù gia cảnh của Thiện hết sức khó khăn nhưng em là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, đặc biệt là trong các hoạt động thiện nguyện nên được mọi người quý mến”.
Giữa tháng 9 tới đây, chàng trai trẻ 22 tuổi này sẽ lên đường nhập ngũ. Bạn bè, cô bác láng giềng khuyên Thiện nên ở nhà thêm một thời gian để phụng dưỡng mẹ già. Vậy nhưng, Thiện chia sẻ: “Sau một thời gian điều trị, mẹ đã khỏe bệnh và hiện ở nhà chăm sóc con nhỏ cho gia đình một chị họ nên em yên tâm phần nào để lên đường làm nghĩa vụ. Em nghĩ, là một thanh niên, phải có tinh thần, trách nhiệm với đất nước nên cần phải thực hiện nghĩa vụ này. Em sẽ mang hết sức trẻ của mình để phục vụ quân đội và sau này muốn trở thành một công nhân chuyên nghiệp như giấc mơ của em đã từng gãy đổ”.
Dương Bình