Thứ hai, 2/3/2015, 10h03

Khổ như đi xe đò sau Tết

Hành khách nằm, ngồi ở đường luồng xe khách giường nằm 78B 004.46
“Chuyến xe hãi hùng” là khẳng định của không ít người là nạn nhân trong hành trình trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết.
Những ngày cao điểm lao động các tỉnh miền Trung trở lại TP.HCM làm việc cũng là thời điểm các nhà xe mặc sức “thổi” giá và nhồi nhét khách. Theo ghi nhận của chúng tôi trên cung đường từ Nghệ An vào TP.HCM cho thấy hành khách phải bỏ ra số tiền quá cao so với giá vé niêm yết nhưng không phải ai cũng khỏe cái thân.
Mua vé giường nằm, ngồi đường luồng
Trả một khoản tiền cao ngất ngưởng nhưng chưa hẳn đã có được một chỗ ngồi, nằm đúng như cam kết. Theo thỏa thuận với nhà xe Hải Lài (khởi hành từ Xuân Lộc, Sông Cầu, Phú Yên đi TP.HCM), chị Nguyễn Thị Mai phải trả 1.800.000 đồng cho 3 vé xe. Theo đó, với số tiền này, chị Mai và người thân phải nằm ở đường luồng của xe mang biển kiểm soát 78B 004.46. Tuy nhiên, khi đã lên xe, nhà xe này tiếp tục đón khách dọc đường, khiến chỗ nằm thành chỗ ngồi chật hẹp không thể co duỗi chân. Chị Mai điện thoại phản ánh với nhà xe yêu cầu trả lại tiền để đi xe khác nhưng chủ nhà xe này không đồng ý và chỉ xoa dịu: “Tết nhứt mà, tụi em thông cảm giùm”. Chị Mai bức xúc: “Quãng đường 600km với thời gian từ 12-14 tiếng đồng hồ mà ngồi không chỗ cựa quậy thì làm sao chịu nổi. Trong khi đó, những nhà xe khác giường nằm giá chỉ từ 460.000 đồng - 540.000 đồng”. Quan sát của chúng tôi, chiếc xe nói trên khởi hành chưa qua khỏi địa phận TP.Tuy Hòa đã có trên 20 hành khách ngồi co chân, tựa lưng vào nhau ở giữa 2 đường luồng ngoài số giường nằm 2 tầng nhưng xe vẫn liên tục đón khách.
Anh Nguyễn Văn Nguyên đón xe khách Bắc - Nam từ TP.Vinh, Nghệ An đi TP.HCM với giá 1 triệu đồng với cam kết “có chỗ nằm” nhưng khi lên xe rồi lại bị vòi “trả thêm tiền mới có chỗ nằm”. Anh Nguyên nói: “Tài xế và lơ xe nói năng với lời lẽ rất côn đồ. Họ dọa sẽ đánh tôi nếu tôi cứ yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi. Khi tôi đề nghị trả tiền lại để xuống đón xe khác thì nhận được câu trả lời: “Tao sẵn sàng dừng cho mày xuống, còn tiền thì không trả lại””. Anh Nguyên cũng cho biết thêm, trên xe có rất nhiều nạn nhân như anh nhưng phần lớn đều là người lao động nghèo, nôn nóng trở lại TP.HCM cho kịp ngày làm đầu năm, hơn nữa không muốn nhận thêm phiền phức nên đành chấp nhận kiểu bắt chẹt, nhồi nhét của nhà xe.
Để phục vụ hành khách vào những ngày cao điểm trước cũng như sau Tết, nhiều nhà xe chạy các tuyến Bắc miền Trung - TP.HCM phải tăng cường thêm xe, thêm chuyến. Theo đó, nhà xe không đủ xe chuyên chở thì thuê, hợp đồng với xe ngoài. Hành khách gặp không ít phiền toái khi phải đi trên những chiếc xe mà nhà xe hợp đồng. Chị Vũ Thị Na (ngụ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) ngao ngán, nói: “Xe cũ kỹ, máy lạnh như máy nóng, ngồi chừng 100 cây số người đã ê ẩm, đó là chưa kể phải bỏ ra số tiền cao hơn tiền vé xe chất lượng cao của các thương hiệu nổi tiếng nhưng không được phục vụ nước suối, khăn lạnh”.
Những chuyến xe tử thần
Cũng với hình thức hợp đồng xe ngoài, nhiều hành khách phải nhiều phen hú vía khi vừa trở về trên chuyến xe tử thần. Anh Trần Văn Tư vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: Tại nhà xe, tài xế và lơ xe nhiệt tình, thân thiện lắm nhưng khởi hành chừng vài chục kilômét thì trở quạu, nói năng thô lỗ với khách. Xe chạy gần 200km, hành khách yêu cầu xe dừng để ăn uống, tiểu tiện nhưng tài xế không những không đáp ứng mà còn quát mắng. Ông Võ Văn Ngà, đại diện nhà xe Thanh Phương (Nha Trang - TP.HCM) thừa nhận: “Theo thỏa thuận thì xe hợp đồng đón và trả khách đúng nơi quy định, phục vụ khách tận tình chu đáo. Những chuyện đáng tiếc xảy ra trong cung cách phục vụ, thiếu khiếm nhã là chuyện nhà xe không mong muốn”.
Anh Sơn thở phào: “Từ trước đến nay, chưa bao giờ tôi phải trải qua thời gian 17 tiếng đồng hồ với hành trình chỉ khoảng 450km. Xe cũ quá, chạy như rùa bò, đã vậy chiếc xe này còn hỏngmáy 2 lần, 1 lần nổ lốp, một lần hỏng bóng đèn pha và 2 lần suýt gây tai nạn”.
Trở lại TP.HCM trên chuyến xe khách mà theo anh Nguyễn Hải Sơn, chuyên gia công nghệ thông tin đó là một chuyến xe tử thần. Nhà xe thông báo 8 giờ sáng xe sẽ đón tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa nhưng đợi đến 10 giờ nhà xe vẫn chưa tới mà không có lời xin lỗi hay thông báo gì. Sau gần 4 giờ vật vã ngoài nắng, anh và gần chục hành khách khác mới được lên xe.  “Chúng tôi không nghĩ chiếc xe dừng lại trước mặt là xe của nhà xe đón khách đi TP.HCM. Đó là một chiếc xe khách 45 chỗ xuống cấp chạy tuyến đường ngắn Tuy Hòa - Nha Trang mà chúng tôi từng biết. Khi hỏi lại nhà xe thì được cung cấp thông tin: “Xe chất lượng cao bị kẹt ở đầu TP.HCM, không ra kịp nên phải tăng cường xe khác”.
T.Anh - P.Hiếu - T.Hường
Tài xế ngủ gục ít nhất 3 lần/ hành trình 600km
Đó là lời thú thật của nhiều tài xế mà chúng tôi tiếp xúc. Tài xế N.H.H (chạy tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM) cho biết, từ ngày 20 tháng chạp đến nay, anh chỉ nghỉ được 2 ngày 30 và mùng 1 Tết, những ngày còn lại anh đều ôm vô lăng. “Ngủ được 5/24 giờ là quý lắm rồi. Cùng cầm tài với mình cũng mới ôm vô lăng đường dài chừng vài chuyến, lái 3-4 giờ/ ngày nên đâu dám giao xe”, tài xế H. thừa nhận.
Gần 20 năm cầm vô lăng, từ lái xe tải, xe container đường dài và chuyển sang lái xe khách, tài Trương Thanh Cường (chạy tuyến cố định Tuy Hòa - TP.HCM) cho hay, cho dù có ngủ đủ giấc, làm việc 8 tiếng/ ngày nhưng hầu hết tài xế thường ngủ vài lần/ ngày khi đang cầm lái. Cường nói: “Thường ngủ từ 5 giây đến 10 giây, những vụ tai nạn thương tâm xảy ra là do tài xế ngủ quá 10 giây, không xử lý kịp”.
Từ những ngày cao điểm trước Tết đến nay, tài xế làm việc hết công suất, không ít tài xế chỉ chợp mắt được 3-4 giờ/ ngày, còn thời gian nghỉ ngơi chính là thời gian dừng để đi vệ sinh, ăn uống. “Xe vừa ra hoặc vô đến nơi là đã quay đầu, nhà chỉ cách vài trăm mét nhưng không về được. Năm nào cũng vậy, từ khoảng 20 tháng chạp đến 20 Tết là ở trên xe suốt, chuyện nhà cửa, cúng kính đều một tay vợ lo”, anh Cường cho biết.
T.An