Thứ sáu, 19/12/2014, 12h12

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam: Bài 1: Đời binh nghiệp của vị tướng già

Trung tướng Lê Nam Phong trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân
Cuộc chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức về ngày tháng lửa đạn vẫn còn đó trong Trung tướng Lê Nam Phong, một vị tướng can trường với nhiều biệt danh gắn liền từng chiến trận.
Căn nhà của Trung tướng Lê Nam Phong (nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, nay là ĐH Nguyễn Huệ) nằm ở ngoại ô TP.HCM những ngày này rất đông khách. Từ phóng viên báo, đài trong và ngoài nước; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tới thăm hỏi, chúc mừng. Hớp ngụm trà, ông cười khà, bảo: “Sắp qua tuổi 90 rồi nhưng càng làm việc thấy càng khỏe ra”.
Vị tướng nhiều biệt danh
Tên khai sinh của Trung tướng Lê Nam Phong là Lê Hoàng Thống (sinh 1927 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An). Tuổi niên thiếu, chứng kiến hình ảnh đánh đập, bắt bớ, cảnh áp bức, tra tấn người dân nghèo, trong ông đã âm ỉ lòng căm thù bọn thực dân. Khi kháng chiến nổ ra, Phong tình nguyện tham gia lực lượng Vệ quốc đoàn và gia nhập Đại đoàn quân tiên phong sau đó. Cái tên Lê Nam Phong với chức vụ Đại đội trưởng ở tuổi 27 cùng đồng đội kề vai sát cánh, sớm ghi được nhiều chiến công từ các chiến dịch lớn, nhỏ trong 9 năm kháng chiến (1945-1954).
Những ngày gặp lại đồng đội cũ, họ đâu gọi anh Phong, anh Thống mà chỉ gọi những cái tên thân mật, là biệt danh của ông như Nam “Bình toong”, (trước khi vào trận là mở bình toong, uống hớp rượu); Nam “lửa” (vì nóng tính)... Những biệt danh ấy lột tả được cái tính cách, một chiến sĩ cách mạng máu lửa, tràn đầy sức trẻ nhiệt huyết. Đồng đội cùng đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử ở chiến trường Điện Biên Phủ còn nhớ đến ông, một “Đại đội trưởng đầu trọc”. Ngày họp mặt, giao lưu chiến sĩ Điện Biên tại TP.HCM, người đồng đội đến từ Thanh Hóa vỗ vai ông, nói vang thay lời chào: “Đại đội trưởng đầu trọc”. Trung tướng Lê Nam Phong quay người, trong vài giây đã kịp nhận ra người đồng chí sau 60 năm xa cách. Tôi thắc mắc về biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc”, tướng Phong nhớ lại: “Sau trận chiếm đồi Độc Lập, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ đánh tan các cứ điểm quanh Sân bay Mường Thanh nhằm cắt đường tiếp tế lương thực của Pháp. Để chắc thắng, đại đội khoét núi, đào hào ẩn nấp nhưng vì mưa nhiều, đầu tóc lúc nào cũng bám đầy bùn đất nên ai nấy đều bị nấm đầu. Không thể lùi bước, tôi xung phong cạo đầu, anh em làm theo và “Đại đội đầu trọc” được anh em gọi vui, riết rồi quen…”.
Từ Điện Biên Phủ đến giải phóng Sài Gòn
Trung tướng Lê Nam Phong kể: “Đến ngày đánh tan cứ điểm đồi Độc Lập, bắt sống tướng De Castries, cố Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chúc mừng cả đại đội. Bắt tay tôi, Tổng tư lệnh nói: “Được đấy, “Đại đội trưởng đầu trọc””.
Nhắc đến tướng Phong, đồng đội nhớ ngay đến một Đại đội trưởng tài trí, mưu lược và quyết đoán, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, chấn động địa cầu. Ở chiến trường miền Nam, với tinh thần chiến đấu quả cảm, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 - Sư 9 Lê Nam Phong lại khiến Mỹ phải khiếp sợ.
Dày dạn kinh nghiệm trận mạc, cộng với tài thao lược, Lê Nam Phong trở thành Tư lệnh Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), chỉ huy đánh chiếm Xuân Lộc (Đồng Nai) mở đường cho các cánh quân tiến thẳng đánh chiếm Sài Gòn. Đơn vị của ông vinh dự cắm cờ chiến thắng trên Dinh Độc Lập. “Từng trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn từ Tây Bắc đến chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng trong đời tôi, cảm xúc nhất vẫn là trận thắng lịch sử Điện Biên Phủ và chiến thắng 30-4-1975. Khi Sư đoàn 7 của tôi đánh chiếm thị xã Xuân Lộc (nay là thị xã Long Khánh), chúng tôi tiến thẳng giải phóng Biên Hòa rồi về Sài Gòn với khí thế rạo rực cắm cờ Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất - PV). Nhìn dòng người đổ ra đường hân hoan vui mừng chiến thắng, tôi rơi nước mắt. Lúc này tôi mới nghĩ đến gia đình, đồng đội...”.
Cả cuộc đời gắn cùng binh nghiệp với nhiều trận đánh mang lại chiến thắng vang dội nhưng ít ai biết vị tướng kiệt xuất ấy từng có quãng tuổi thơ cơ cực, không cơm ăn, áo mặc, không được đến trường. Tướng Phong chia sẻ: “Năm 7 tuổi tôi phải đi ở mướn, chăn trâu cho người ta để kiếm cơm ăn. Thấy đám bạn đi học, tôi muốn lắm nhưng chỉ dám lấp ló ngoài cửa nhìn bảng, nghe và đọc theo, vậy mà cũng đọc thông viết thạo chẳng thua kém ai. Không ít lần vì quá ham học chữ mà để mất trâu, bị chủ đánh đến suýt chết”.
Bài, ảnh: Trần Anh
LTS: Những người chiến sĩ quả cảm xông pha từ chiến trường này đến chiến trường khác ác liệt và cam go nay còn sống rất ít. Họ là chứng nhân làm nên đại thắng vinh quang, là tượng đài sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
 
Kỷ niệm cùng đồng đội
18 năm sống ở quê nhà, 9 năm ở Tây Bắc, 5 năm đi học ở nước ngoài, 7 năm ở Hà Nội và 38 năm ở Sài Gòn và miền Đông Nam bộ nhưng khi hỏi về kỷ niệm đất và người, Trung tướng Lê Nam Phong lại nhắc về Lộc Ninh (Bình Phước) và người đồng đội của ông, trợ lý tác chiến, Tiểu đoàn trưởng Vũ Bầu (quê Nam Định). Ông quý Bầu như anh em. Nhiều lần thua trận, ông nói với Bầu: “Anh mà đánh thắng trận này, nếu anh hy sinh, tôi moi anh lên gắn huy chương. Còn nếu thua, tôi cũng moi anh lên nhưng để kỷ luật”. Trận này Bầu thắng, không hy sinh nhưng lại đi lạc trong rừng Lộc Ninh do yếu về chiếu phương vị và địa bàn. Hay tin, thay vì cho người dẫn Bầu về thì ông lại nói: “Để cọp dẫn về” ý là để nhắc nhở bạn cần phải trau dồi thêm kỹ năng.