Thứ hai, 28/7/2014, 23h07

Lênh đênh theo con nước lớn - ròng

Bà Tư chuẩn bị trái cây cho bạn hàng
Cuộc mưu sinh lênh đênh sông nước với người trẻ đã khó, người già càng khó hơn nhưng những người tôi đã gặp và trò chuyện lại là phụ nữ đã sang cái tuổi xưa nay hiếm.
Bến đò Long Kiển (Q.7, TP.HCM) là chốn neo ghe mỗi chuyến của bà Nguyễn Thị Tư, 82 tuổi tạm kết thúc hành trình Bến Tre - TP.HCM. Ghe đã neo từ đêm trước. Con nước xuống và gió làm đuôi ghe dạt xa khỏi bờ, bà Tư nắm chiếc dây thừng đã buộc vào ụ kéo ghe áp sát bờ.
Nữ thương hồ U90
Lối kể chuyện của bà Tư dí dỏm nên những uẩn khúc, đau thương của cuộc đời cũng vì thế mà nghe nhẹ nhàng, êm ả. Thuở 18 đẹp nhất đời người, bà đem lòng yêu một chàng trai trong làng. Chàng cũng yêu bà hết mực, vậy mà… Bà đẹp người đẹp nết song cái nghèo khó của gia đình bà bị cho là không môn đăng hộ đối, khiến mối tình đẹp sớm ly tan. Bà sinh đau buồn, như người quẫn trí. Người chị gái thương em, nghĩ cảnh mỗi chiều bà ra ngồi ở con kinh đầu làng mà sợ nên quyết định đưa em từ Trà Vinh về Bến Tre sinh sống, dù chiến tranh loạn lạc, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Đêm nọ, trong một trận càn, người chị mất đi để lại hai đứa con nhỏ. “Tui thay chị nuôi cháu. Sau này người ta đồn tui lấy Tây, rồi những lời gièm pha “gái không chồng mà có con”. Tui bỏ ngoài tai mọi chuyện…”, bà nhớ lại. Chiếc ghe nhỏ vừa là nhà, vừa là phương tiện mưu sinh của bà kể từ ngày hai người cháu lập gia đình, năm ấy bà 40 tuổi. Bà nói: “Tụi nó đã tệ, gặp con dâu còn tệ hơn. Nghĩ mình đã làm tròn bổn phận của một người dì, người mẹ nuôi nên quyết định không ở chung nữa”. “Bà làm gì để nuôi sống mình?” - tôi động lòng. Bà đáp: “Thời điểm ấy tui lên Sài Gòn sống bằng gánh chè”. Một cú sốc nữa đến với bà khi bà nên duyên với một người đàn ông góa vợ, thời gian lặng lẽ trôi nhưng chưa thể bù đắp quãng đời cơ cực thì người đàn ông ấy đã rời xa cuộc đời bà với bao vốn liếng tích cóp. “Đó, đó cũng là lúc tôi sống đời ghe chợ”, bà kể.
Về chợ Bình Khánh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM hỏi bà Thép thì tiểu thương ở đây hầu như ai cũng biết. Người quen gọi là bà Thép già, cũng không ít người gọi là bà Thép cô đơn. Nhớ lúc hỏi bà Thép qua chị bán trái cây ở mặt tiền chợ, người này hỏi lại: “Có phải bà Thép cô đơn?”. Tôi ú ớ, nói chỉ biết bà sống bằng nghề đi ghe bỏ mối trái cây cho các chợ ven sông rạch ở Cần Giờ. Chị ta khẳng định: “Đúng rồi, đó là bà Thép cô đơn”. Để gặp bà, tôi phải đợi chợ vãn người, lúc ấy bà cũng có chút thời gian rảnh. Không tiếp chuyện chúng tôi trên ghe bởi theo bà: “Ở trên bờ cho nó tử tế, dưới ghe bề bộn lắm”.
“Sao người ta gọi bà là bà Thép cô đơn?”. Bà cười sảng khoái, nhe hàm răng chẳng trật tự cho lắm: “Tui thích ca bài Đời tôi cô đơn. Biết nhiều bài nhưng chỉ thuộc có bài này, đi đâu, buồn vui gì tui cũng ca nên mọi người gọi bà Thép cô đơn”.
Tay lái cự phách
“Những chuyến về miền Tây lấy hàng, ai lái ghe?”, Tôi thắc mắc. “Tui chứ ai nữa”, giọng bà Tư chắc nịch. Ông Nguyễn Văn Trị, chủ chiếc ghe cùng chung bến đậu với bà lắc đầu, tỏ ý thán phục: “Tui biết chị Tư từ năm 97-98 gì đó, cũng từ cái nghề mua bán trái cây này. Những hôm đài báo thời tiết xấu, trên đường đi, tụi tui tìm nơi tránh trú nhưng bà vẫn cứ đi, khiếp thật”.
Bạn ghe, bạn hàng trái cây ở bến đò Long Kiển ai mà không biết bà Tư. Có người thân quá, gọi đùa bà là: “Ông Tư”, ý nói bà mạnh mẽ, bản lĩnh và tháo vát như đàn ông. Bà kể tiếp, ở Sài Gòn này, nơi nào có luồng ghe vào được là bà đã từng đến, ít nhất một lần. Nhưng ở đó, theo bà là những bến đỗ không bình yên. Bà trải lòng: “Người tứ xứ đổ về tranh giành nơi mua bán, xem nhau như kẻ thù, không hợp với tui. Ở bến đò Long Kiển này, người ta dễ thương lắm, về quê lấy hàng chỉ vài ngày mà nhớ đến nao lòng”.
Bà Thép cho biết, năm nay đã 67 tuổi, đến với nghề bán buôn lênh đênh thế này vì một lý do hết sức đơn giản khiến tôi chưng hửng: “Vì từ nhỏ đến giờ không biết đi xe đạp, xe máy gì ráo trọi”. Không mua bán lớn, trái cây không lấy tại vườn mà chỉ sang lại của các ghe lớn rồi bỏ mối lại cho tiểu thương kiếm mỗi thứ một ít. Hỏi chuyện thu nhập, bà Thép thật thà: “Cũng đủ ăn ngày ba bữa, có dư là nhờ mấy ngày lễ tết, rằm hay đầu tháng”.
Bài, ảnh:  Trần Tuy An
Không chỉ là nghề mà còn là nghiệp
Lênh đênh theo con nước lớn ròng, bà Thép nói: Đó không chỉ là nghề mà còn là nghiệp, bởi bao lần lên bờ rồi nhưng lại không tồn tại lâu, vì không hợp. Có lần, bà Thép điều khiển ghe đi qua luồng sông Soài Rạp, từ xa, các thủy thủ trên tàu hàng nước ngoài phất tay chào. Họ còn ra dấu bằng cách đưa ngón tay cái lên, ý nói tôi là số một. Vài năm nữa, khi thằng út ra trường, làm thầy giáo, bà Thép sẽ dừng bước thương hồ. Riêng bà Tư thì cái kết của cuộc đời được bà tính khá đơn giản, nghe buồn não ruột: “Sinh tử là lẽ thường nhưng giá như biết trước được cái chết, mình sẽ neo ghe gần một ngôi chùa nào đó”.