Thứ ba, 2/9/2014, 20h09

Mang “hòa bình” về cho góc phố

Trẻ con thích thú chơi với chim bồ câu
Nghe tiếng leng keng phát ra từ một ống nhôm, đàn chim bồ câu (hình ảnh tượng trưng cho hòa bình - PV) sà xuống trước nhà thờ Đức Bà để ăn thóc. Khoảnh khắc bình yên ấy đã trở thành một nét đẹp rất riêng của TP.HCM. Bao năm qua, có những con người vẫn lặng lẽ chăm sóc đàn bồ câu mỗi ngày để giữ hồn một góc phố cho mảnh đất này…
Hơn 6 giờ sáng một ngày tháng 8, khuôn viên trước nhà thờ Đức Bà đầy nắng. Anh Nguyễn Phi Cường (SN 1970, ngụ Bình Thạnh) đã có mặt từ rất sớm. Anh nhẹ nhàng cầm ống nhôm lắc đều tay, lập tức một đàn bồ câu sà xuống ngay bên cạnh anh. “Tôi bắt đầu chăm sóc đàn bồ câu từ năm 2000. Hồi đó, một ông cụ làm thợ chụp ảnh dạo trước nhà thờ Đức Bà đã có công gầy dựng nên đàn bồ câu. Khi ông mất, tôi đã hứa với lòng mình sẽ chăm sóc đàn bồ câu để nơi đây là mảnh đất lành cho chúng bay về”, anh Cường thổ lộ. Từ đó, hình ảnh người đàn ông có gương mặt rám nắng đã trở nên quen thuộc với những ai thường đặt chân đến khu vực trước nhà thờ Đức Bà. Đến nay, đàn bồ câu có khoảng hơn 300 con. Mỗi ngày, chúng ăn khoảng 5kg thóc và đậu xanh. Thu nhập từ nghề bán tem thư, bưu thiếp của anh Cường nhiều khi cũng bấp bênh nhưng anh rất tâm huyết với công việc lặng lẽ này. Bỏ công sức, bỏ tiền túi ra để chăm sóc đàn bồ câu như anh thì không hẳn ai cũng làm được.
Năm 2005, dịch cúm H5N1 đã làm số lượng đàn bồ câu giảm đi đáng kể nhưng với những cố gắng của anh Cường, đàn bồ câu đã dần được gầy dựng lại. Tuy nhiên, ít ai biết đằng sau câu chuyện ấy đôi khi còn là máu, nước mắt của những ngày anh phải chống chọi lại với những kẻ săn bắt bồ câu. Có lần, một nhóm công nhân đã bắt hơn 100 con bồ câu làm mồi nhậu. Uất ức, nóng giận, anh tìm mọi cách để ngăn chặn hành động của nhóm công nhân. Đến nay, tình trạng đó đã chấm dứt nhưng mỗi ngày đi qua, anh Cường vẫn đau đáu, tìm cách bảo vệ cho những cánh chim trời. “Làm mấy công việc này thì không cần phải nhớ và kể ra làm gì. Với tôi, mỗi ngày ra đây được nhìn thấy đàn bồ câu bay lượn, thấy các em nhỏ thân thiện với chúng, cho chúng ăn là tôi vui lắm rồi. Có những điều hạnh phúc chỉ đơn giản vậy thôi”, anh Cường chia sẻ.

Anh Nguyễn Phi Cường đang lắc lon nhôm, ra tín hiệu gọi đàn bồ câu về
Nhiều du khách đến đây chụp hình, quay phim với đàn bồ câu, họ ngỏ ý muốn gửi anh ít tiền anh đều từ chối. Anh Trần Thanh Hòa - nhân viên của một cửa hàng chụp ảnh cưới trên đường Phạm Văn Hai - cho biết: “Cửa hàng chúng tôi thường dẫn khách hàng ra đây chụp ảnh cưới với đàn bồ câu. Biết anh Cường phải bỏ tiền túi ra mua thóc, đậu xanh cho bồ câu ăn, chúng tôi nể phục lắm. Nhờ có những con người như anh mà thành phố mới có khung cảnh bình yên như thế. Gửi tiền anh không nhận nên chúng tôi mua thóc, đậu xanh để anh cho đàn bồ câu ăn”.
Cùng với anh Cường chăm sóc đàn đàn bồ câu còn có hai người nữa. Họ đều là những người buôn bán dạo gần khu vực nhà thờ Đức Bà. Mỗi ngày đi qua, họ vẫn nhẫn nại chăm sóc, gầy dựng đàn bồ câu  bằng tất cả tấm lòng của mình. Anh Cường chỉ tay về phía một em nhỏ đang cho chim bồ câu ăn rồi nói: “Nhiều em nhỏ được ba mẹ chở ra đây chơi với chim bồ câu, có em thích thú không chịu về nhà. Thấy thương lắm vì ở thành phố ồn ào, náo nhiệt này, trẻ hiếm khi có điều kiện được gần gũi với thiên nhiên như thế”. Hôm nào đi làm sớm, chị Hoàng Oanh (ngụ Q.3, TP.HCM) cũng chở con mình đến đây để hai mẹ con cùng cho chim bồ câu ăn. Chị Oanh tâm sự: “Giữa khu trung tâm TP mà có được một khung cảnh bình yên như thế này thật đáng quý. Con gái tôi thích đến đây lắm. Tôi đi làm cả ngày, tối mịt mới về nên sáng nào cũng tranh thủ đưa con đi học sớm để ghé qua đây. Hai mẹ con vừa có khoảng thời gian cho chim bồ câu ăn, vừa chia sẻ, trò chuyện với nhau”.
Yên Hà
Hình ảnh đàn chim bồ câu bay lượn hiền hòa trước khu vực nhà thờ Đức Bà đã để lại trong lòng du khách trong và ngoài nước những ấn tượng khó quên. Đàn chim bồ câu ấy đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của kiến trúc nhà thờ Đức Bà giữa phố phường nhộn nhịp. Những con người lặng lẽ như anh Cường đã góp phần làm nên vẻ đẹp ấy…