Thứ sáu, 29/8/2014, 16h08

Ở nơi nghĩa tử là tình người

Một góc trong nhà tang lễ của anh Kiệt
Sài Gòn phồn hoa và rộng lớn lắm! Thế nên, nếu vô tình sẽ chẳng thể nào nhìn thấy tấm bảng “Mai táng miễn phí” nhỏ bé, nằm lẩn khuất ven con đường Phạm Văn Đồng rộng thênh thang và thẳng tắp, chỉ vừa mới thông xe hơn 1 năm nay.
1. Cu Đĩ bước vào nhà tang lễ, liếc quanh một vòng rồi nhắc mấy đứa nhỏ sắp xếp lại đồ đạc cho gọn gàng. Gọi là nhà cho… oai, chứ kỳ thực cả gian phòng rộng chưa đầy 20m2, chỉ có độc một bàn thờ nhỏ thờ tượng Phật Quan Âm, nơi góc phòng có thêm chiếc bàn dùng để di ảnh, hương hoa cho người đã khuất. Ấy thế mà căn nhà tang lễ bé xíu nằm trong xóm Sở Thùng, P.13 Q.Bình Thạnh, TP.HCM ấy không tháng nào lại không có người ghé thăm. Nhà tang lễ mới có hơn một năm nay, nhưng dân trong xóm Sở Thùng dường như đã quá quen với mùi khói nhang, với tiếng khóc tỉ tê và cảnh đứng ngồi lố nhố trên vạt đất nhỏ nhà Cu Đĩ. Trẻ con xóm này, trước khi biết bập bẹ tiếng gọi mẹ, cha cũng đã chẳng còn tò mò mỗi khi được người lớn bế ngang qua lối này. Có ngày, người ta không khỏi ái ngại khi nhìn 3 chiếc quan tài nằm sát nhau, kẻ ra người vào phúng điếu chật cứng cả khoảnh sân nhỏ trước nhà. Ngày khác, người ta lại không khỏi bùi ngùi khi đám này dời đi chưa kịp trống chỗ thì đã có người vội vã đưa ngay một chiếc quan tài tới. Và, cũng bởi quá quen với cảnh này, nên những người lao động nghèo chẳng còn khó chịu với sự chết chóc gần như kề cận xung quanh họ. Rồi chẳng ai bảo ai, người ta cùng bớt chút thời gian, tiền bạc đến thắp nén nhang, coi như lời an ủi cuối cùng cho người xấu số. Ở đời, chết là hết, thế nên dân xóm này cũng chẳng mấy quan tâm về quá khứ, hành vi lúc sinh thời của những người được mai táng. Chỉ biết rằng, những xác chết được đưa về đây nếu không thuộc thành phần “tứ cố vô thân” thì cũng thuộc dạng nghèo xơ xác, gia đình không thể lo nổi một cái đám ma cho đàng hoàng. Người không chết vì già, vì bệnh hiểm nghèo thì cũng chết vì mấy căn bệnh xã hội, bị người thân kỳ thị, bỏ rơi mà chết. Thôi thì đủ mọi đối tượng, thành phần. Thi thoảng, dân trong xóm lại thấy có người bệnh nằm còng queo, héo hắt trên chiếc ghế bố trong căn nhà tang lễ, được dăm ba hôm rồi cũng ngậm cười xa rời nhân thế. Mới đây chưa lâu, người ta chở đến một người đàn bà chưa đầy 40 tuổi, không con, không cháu, vốn chỉ bán vé số đắp đổi qua ngày. Đang khỏe mạnh, bà ta trúng gió, lăn đùng ra ốm rồi chẳng mấy chốc mà lìa đời. Chủ nhà vội cho người cáng đến đây rồi đánh tiếng nhờ Cu Đĩ lo liệu. Chẳng kèn trống, cũng chẳng xướng ca, đám ma cứ lặng lẽ diễn ra như gương mặt bình lặng, vô hồn của người đàn bà nằm trong chiếc quách. Thôi thì sống đời tốt xấu ra sao cũng mặc, lúc chết cũng phải có chỗ để nằm, có người khâm liệm, khói nhang để người chết không phải tủi hổ nơi chín suối, âu cũng là nghĩa cử và đạo lý ở đời.

2. Nhà tang lễ vốn nằm trên phần đất của Cu Đĩ, cũng là “đại bản doanh” để anh tạm trú mỗi ngày. Gọi Cu Đĩ bởi người ta đã quen với cách gọi thế, chứ kỳ thực tên anh là Nguyễn Hoàng Kiệt, năm nay cũng đã ngót nghét 52 tuổi đời. Dân xóm Sở Thùng này nể lắm, vì anh chẳng sợ thứ gì. Anh từng “bảo kê” cho xóm, dằn mặt mấy tên nghiện ngập hút chích suốt ngày chỉ chực chôm chỉa đồ đạc của những người lao động nghèo. Ngay đến cái cái sự quẩn quanh bên người chết, rồi lấy đất của mình để xây nhà tang lễ, đưa người chết ở tận đâu về liệm ngay chỗ ở của mình cũng đủ thấy sự ngang tàng, ngược đời của anh Kiệt.
Nói về cái chuyện lo hậu sự cho người chết ở xóm này thì kể ra cũng dài dòng lắm, phải bắt đầu từ những năm 2000 kia. Hồi đó, anh Kiệt mới đi cải tạo về, buồn đời dọn ra ở riêng, tự chọn cho mình một cõi để chẳng phải phiền ai. Sở Thùng hồi ấy vẫn chỉ là những đám ruộng hoang xen lẫn lau sậy sình lầy, được bao vây bởi bãi rác ngổn ngang, chất đầy như núi. Tự đắp đất, đóng nền, rồi anh cũng dựng cho mình được căn chòi nhỏ, gọi là có chỗ để chui ra chui vào mỗi khi sớm tối. Ở một mình cũng chán, anh Kiệt kéo thêm mấy người nhặt rác, dựng nên một cái xóm nhỏ nằm lọt thỏm quanh những đống rác khổng lồ. Mà thói đời, hễ là bãi rác thì cứ thứ gì ô uế, dơ bẩn người ta đều tống ra ngoài này, kể cả xác người chết. Dân xóm rác chẳng lạ gì cái cảnh cứ sáng mở mắt lại thấy một xác chết nằm phơi thây bên vệ cỏ, hay lẫn đâu đó trong đám rác với đủ thứ mùi đời. Xác chết ấy, hoặc là mấy tay nghiện ngập chích hút quá liều, hoặc là mấy người lang thang cơ nhỡ, nhưng phần nhiều là những người lao động nghèo các tỉnh đổ về, lang bạt, mưu sinh bằng đủ thứ nghề để tồn tại giữa đất Sài thành. Sống kham khổ đã đành, lúc chết đi còn bị chủ nhà khiêng xác bỏ ngoài bãi rác vì sợ xui xẻo. Có bà lúc chết còn để lại hai đứa con nheo nhóc, gào khóc quanh cái xác của mẹ, ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa. Anh Kiệt suy tính mãi, rồi đánh tiếng với ông chủ cơ sở mai táng Tân An Phú nhờ giúp giùm mấy đám, chi phí mỗi bên chịu một nửa. Được cái, ông chủ này cũng là người chuyên đi lo chuyện thiên hạ, từng làm ma chay từ thiện cho mấy đám ma ở xóm lao động nghèo. Việc lo lễ tang miễn phí cũng bắt đầu từ đó. Cứ hễ có đám tang, người ta lại thấy khoảnh đất trống trước nhà anh Kiệt được căng lên một tấm bạt lớn, sắp thêm mấy bộ bàn ghế để anh em bên cơ sở mai táng, người thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Dù là miễn phí, nhưng thủ tục hầu như chẳng thiếu khoản nào, nghĩa là cũng mời thầy về tụng kinh, xem giờ cho người đã chết, cũng khăn hòm, rượu trà, đồ cúng đầy đủ. Chỉ khác điều là thời gian thăm viếng ngắn hơn, có khi chỉ quàn mấy tiếng rồi lại đưa đi bởi người chết có họ hàng thân thích đâu mà đợi chờ. Với những trường hợp ấy, đội mai táng sẽ đưa xác tới nhà thiêu, chờ thiêu xong mang cốt về và gửi tại ngôi chùa Giác Quang cũng nằm gần đó. Ngày rằm, lễ tết, anh em lại cắt cử nhau vào chùa khói nhang, phúng điếu. Riêng với mấy đứa trẻ mồ côi, đứa bé thì anh Kiệt gửi vào trung tâm nuôi dưỡng, đứa lớn thì lo cho chúng công ăn việc làm. Dạo đó, anh Kiệt còn nuôi gà, bán cho mấy tay thích chơi đá gà nên tiền bạc cũng rủng rỉnh lắm. Đều đặn mỗi tháng, anh lại gửi tiền cho những nơi đã nhận nuôi trẻ mồ côi có người thân được mai táng từ xóm rác ấy để hỗ trợ thêm. Bởi vậy, khi lần đầu tiên có mấy đứa trong đám trẻ ấy gọi là ba, anh Kiệt đã không cầm được nước mắt.
3. Thấm thoắt mà đã hơn 10 năm. Địa chỉ mai táng miễn phí đã không còn phải căng bạt mỗi khi lo ma chay cho người chết. Anh Kiệt đã dành dụm tiền, xây nên một căn nhà nhỏ, vừa là để mai táng, vừa là nơi cho mấy đứa trẻ cơ nhỡ có chốn ra vào. Căn nhà mai táng ấy, anh Kiệt bảo, anh tặng luôn cho cơ sở mai táng Tân An Phú để họ nhận thêm những trường hợp khác đưa về đây mai táng. Dân xóm rác không những không sợ, mà còn phụ giúp mỗi người một tay, lo cơm nước cho những gia đình nghèo có người cần mai táng. Riêng anh Kiệt, anh đã chuyển qua nuôi heo rừng, rủ thêm mấy anh em hồi còn cải tạo về cùng sinh sống, phục thiện. Số heo rừng nuôi được, có khi anh chẳng buồn bán, để dành mỗi khi có đám ma thì đưa cho người nghèo, gọi là góp thêm chút tiền cùng gia đình lo cái nghĩa tử cuối đời cho người nằm xuống.
Ngọc Anh