Thứ bảy, 24/1/2015, 10h01

Quản lý hoạt động karaoke, vũ trường: Kiến nghị chỉ cấp phép 2 năm một lần

Ngày 23-1 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã chủ trì hội nghị đánh giá việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về hoạt động karaoke, vũ trường (giai đoạn 2010 - 2014) tại các tỉnh thành khu vực Nam bộ. Nhiều ý kiến xác đáng đã được nêu ra nhằm nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động karaoke, vũ trường.

Nhiều hình thức biến tướng, lách luật

Hoạt động karaoke, vũ trường là hoạt động văn hóa quần chúng có tính chất giải trí, được nhiều người ưa thích và hoạt động này đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đời sống người dân từng bước cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Từ thực tế này, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng có bước phát triển mới, trong đó hoạt động karaoke, vũ trường phát triển rất mạnh mẽ. Hoạt động giải trí này góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tuy nhiên phía sau nó cũng tiềm ẩn những mặt trái, tệ nạn xã hội dễ xâm nhập, gây mất ổn định an ninh trật tự xã hội, để lại những hệ lụy đáng tiếc… mà lâu nay báo chí đã phản ánh không ít.

Phố karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Sở VH-TT TPHCM cho biết, từ năm 2006 đến nay không triển khai cấp mới các giấy phép karaoke, vũ trường trên địa bàn TP do chưa có quy hoạch.

Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: “Do nhu cầu thực tế về giải trí, trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện một số hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường trá hình dưới nhiều hình thức. Đó là hoạt động thu âm trên nền nhạc karaoke. Đây thực chất là các cơ sở kinh doanh karaoke trá hình, lợi dụng việc nhà nước quy định hoạt động thu âm không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng có quy chế hoạt động thu âm nên hầu hết các cơ sở kinh doanh ngành nghề thu âm hiện nay chủ yếu là kinh doanh không phép”.

Ngoài ra, một hình thức lách luật đáng lưu ý khác đó là hoạt động karaoke, vũ trường trong cơ sở lưu trú được xếp hạng sao và hoạt động vũ trường biến tướng từ các nhà hàng bar. Lợi dụng quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP), quy định cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi kinh doanh karaoke thì không phải xin giấy phép kinh doanh.

Nhiều cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng khách sạn đạt chuẩn hạng sao, sau đó đưa vào hoạt động kinh doanh phòng karaoke còn nhiều hơn số phòng lưu trú của khách. Thực chất những nơi này chỉ kinh doanh dịch vụ karaoke là chính, trong khi không đảm bảo các điều kiện kinh doanh karaoke, cũng không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Cũng trên địa bàn TPHCM, đang xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh dạng quán bar, núp dưới danh nghĩa quán cà phê giải khát hoặc nhà hàng, có hoặc không có đăng ký tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Các nơi này chỉ đăng ký kinh doanh nhà hàng ăn uống, hoàn toàn không được phép kinh doanh vũ trường nhưng trên thực tế đây là những sàn nhảy trá hình, chỉ bán rượu bia và tổ chức cho nữ nhân viên phục vụ ăn mặc hở hang, có những động tác nhảy múa đầy khêu gợi như múa cột, lôi kéo sự tham gia của khách hàng trên nền nhạc âm lượng lớn, đầy kích động.

Không chỉ có TPHCM, tại Đà Nẵng và Bình Thuận, các ngành chức năng thời gian qua cũng đau đầu với tình trạng này: không phải vũ trường nhưng quán phục vụ ca nhạc, mở nhạc không khác gì vũ trường.

Không chỉ có lách luật, hoạt động karaoke nhiều nơi đang biến tướng trở thành tệ nạn xã hội như hoạt động mại dâm, là nơi sử dụng và mua bán ma túy.

Ông Phạm Tấn Lộc, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT-DL Bình Dương, cho biết tình trạng đang xuất hiện trên địa bàn: “Khách đến hát karaoke có nhu cầu gọi nhân viên nữ từ nơi khác tới. Họ không phải là nhân viên, không có hợp đồng, cũng không ăn lương của chủ cơ sở mà chỉ hát giúp vui và nhận tiền boa của khách. Đây thực chất là hoạt động mại dâm núp bóng nhưng chủ cơ sở không vi phạm. Công an cho là có vi phạm, nhưng Sở VH-TT-DL vẫn phải cấp phép vì không đủ căn cứ họ có vi phạm”.

Tăng mức chế tài vi phạm

Một trong những ý kiến được đông đảo các tỉnh, thành đồng tình là kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cũng như tăng mức chế tài để đủ sức răn đe các vi phạm trong hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường. Căn cứ Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, các hành vi vi phạm như trên không có hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường (trước đây, Nghị định 75/2010/NĐ-CP có quy định các vi phạm nêu trên sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường).

Mặt khác, với hành vi “Kinh doanh hoạt động karaoke, vũ trường không có giấy phép”, Nghị định 158 của Chính phủ đã bỏ hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Chính những điều này đã làm giảm sức răn đe đối với các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, làm hạn chế công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng kiến nghị các quy định về điều kiện ghi âm, thu âm trên nền nhạc cần được bổ sung vào quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch văn hóa công cộng.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ VH-TT-DL sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 103 và Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch văn hóa công cộng để phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Để thuận tiện cho công tác quản lý của các địa phương, Bộ VH-TT-DL sẽ kiến nghị quy định cụ thể để cấp đổi, gia hạn, về việc cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường 2 năm một lần, không nên cấp vĩnh viễn như hiện nay.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định sẽ tăng cường nhân lực và tập huấn kiến thức cho lực lượng chuyên môn trong lĩnh vực này cho các tỉnh thành.

MINH AN
(SGGP)