Thứ ba, 22/7/2014, 21h07

Sống trên miệng… hà bá

Một căn nhà bị sạt lở ở ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè
Trong số 59 vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch của TP.HCM thì huyện Nhà Bè đã có đến 24 điểm sạt lở ở cấp độ đặc biệt khiến người dân phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.
Những vụ sạt lở kinh hoàng
Chúng tôi trở lại ấp 3 xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè sau hai ngày tại đây đã xảy ra sạt lở đất khiến nhiều căn nhà lơ lửng bên miệng hà bá. Con đường đất tạm bợ từ đầu đường Đào Sư Tích dẫn vào xóm nhà, hai bên như chực đổ nhào xuống kênh mà người dân bảo rằng “vậy là kiên cố so với trước”. Dấu vết kinh hoàng vẫn còn đó, một căn nhà nghiêng hẳn ra, nền lún sâu trong nước, chỉ còn ló vài miếng gạch nền cũ kỹ. Gần đó, hai căn nhà cấp 4 cũng đã xiêu vẹo vì hà bá khoét sâu vào nền.
Tại ấp 3, xã Phước Lộc, tình trạng sạt lở đã đến mức báo động. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại nhà bà Trịnh Thị Lành. Đó là một căn nhà khá kiên cố nhưng hết 3/4 căn đã ngã ra sông, nền lún sâu, tường nứt. Bà Lành nói: “Hôm đó tưởng cả nhà chết hết rồi. Đang quây quần bên mâm cơm, bỗng nền nhà nghiêng từ từ, tô canh đổ hết ra mâm. Cả nhà tháo chạy ra ngoài, nhà nghiêng thêm chút nữa rồi trụ lại”. Chỉ tay về phía gốc bần phía sau, giọng chưa hết bàng hoàng: “Nhờ gốc bần đỡ tường nhà chứ không chìm ngủm trong nước rồi”.
Cuối tháng 6-2014, tại địa bàn xã Phước Kiển (hẻm 1419 đường Lê Văn Lương) cũng đã xảy ra sạt lở bờ sông Long Kiển khiến 7 hộ dân bị chia cắt trong đêm. Nguyên nhân vụ sạt lở được cơ quan chức năng xác định là do triều cường lên cao, kết hợp với dòng nước chảy xiết đã cuốn đi đất, đá gia cố đường đi. Mặc dù chính quyền xã đã khắc phục kịp thời, giúp người dân yên tâm sinh sống nhưng với lượng mưa lớn như những ngày qua, cộng với triều cường dâng, nguy cơ tái diễn sạt lở là điều không thể tránh khỏi.
Ở không yên, đi không được
Tại ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè liên tục nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa là xảy ra sạt lở. Nhiều năm nay, cơ quan chức năng huyện Nhà Bè đã triển khai xây kè, đắp bờ bao ngăn sạt lở nhưng thực tế còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao vẫn chưa được triển khai vì lý do khách quan. Theo người dân địa phương, thành phố đã có kế hoạch di dời, tái định cư cho người dân từ lâu nhưng giá đền bù vẫn chưa được duyệt nên người dân không có điều kiện để chuyển đi nơi khác. Ông Nguyễn Quốc Thăng, Trưởng ấp 1 nói: “Người dân lo lắng không biết khi nào mới được di dời tái định cư. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên phối hợp với người dân tiến hành gia cố bờ bao, đắp đường hạn chế sạt lở, tuy nhiên chỉ là tạm thời, năm nào cũng làm thì rất tốn kém”.
Sống bên miệng hà bá, đêm ngày nơm nớp lo sợ nhưng hầu hết các hộ dân đều bám trụ. “Sống từ nhỏ đến giờ ở đây, đất vườn rộng, nhà cách bờ sông hàng trăm mét nhưng lâu năm, đất lở, khoét sâu vào móng nhà. Biết đi đâu bây giờ, nhà đất có bán thì cũng chẳng ai dám mua”, bà Lành than thở. TP.HCM đang vào cao điểm mùa mưa, nỗi lo của người dân ngày càng tăng khi miệng hà bá đã tiến sâu vào trong, uy hiếp hàng chục căn nhà.
Theo Khu quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT TP.HCM), từ đầu năm 2011 đến nay, UBND TP.HCM đã giao sở làm chủ đầu tư nhiều dự án xây kè phòng chống sạt lở ở những điểm có nguy cơ cao. Theo khảo sát của cơ quan này, hiện thành phố có 59 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch tập trung ở các địa phương như huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức và Q.Bình Thạnh. Trong số 24/59 điểm sạt lở ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm thì huyện Nhà Bè đã có đến 12 vị trí. Ông Hồ Vũ Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Phước Kiển cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, địa phương thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời các điểm sạt lở và báo cáo để có biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Bài, ảnh: Trần Anh
“Cát tặc” làm hại dân
Mới đây, những hộ dân có đất ở phường Phước Long, Q.9 (nằm ven sông Đồng Nai) đã có đơn gửi cơ quan chức năng bởi hàng chục héc ta đất của họ đã bị nhấn chìm xuống sông Đồng Nai vì tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông này. Trước đó, người dân cũng đã gửi đơn phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng chưa có hướng giải quyết tích cực. Ông Nguyễn Văn Hòa, bỏ bạc tỷ để mua đất nhưng chỉ sau một đêm, hà bá đã nuốt trọn cả ngàn mét vuông, xót lắm. Ông Trần Thanh Vũ, chuyên viên Phòng TN-MT Q.9 thừa nhận, tình trạng khai thác cát trái phép lộng hành trên sông Đồng Nai là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở đất.