Thứ tư, 15/6/2011, 16h06

Văn hóa Việt trên tem: Bài 2: Kiệt tác cồng chiêng Tây Nguyên

Trước đây, tem Việt Nam thỉnh thoảng cũng có một số bộ liên quan đến loại hình văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhưng phải đến ngày 22-11-2007, bộ tem đặc biệt về văn hóa di sản phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng” mới được Bộ Bưu chính Việt Nam chính thức phát hành. Tiếng chiêng ngân nga trên đồng cỏ, theo gió vào đại ngàn, len lỏi con suối, tràn ra con sông, kể về cuộc sống phóng khoáng, hào hùng của các dân tộc anh em trên dãy đất Trường Sơn hùng vĩ là chủ đề chính của bộ tem này.
Và thật vinh dự, tại Paris, UNESCO cũng đã công nhận: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Thế là cồng chiêng Tây Nguyên bước đầu đã vượt biên giới quốc gia, người dân Việt Nam thêm tự hào về nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc của mình.
Tính cộng đồng cao
Việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể này làm chúng ta nhận thức tốt hơn về giá trị di sản của văn hóa dân tộc, từ đó cần tiếp tục đẩy mạnh việc phục hồi, bảo tồn và phát huy các loại hình văn nghệ độc đáo. Thiết nghĩ, trong quá trình đó, những cánh tem thư sẽ góp phần tích cực bảo lưu các giá trị truyền thống của dân tộc.
Ai đã từng đến Tây Nguyên vào những ngày lễ hội sẽ được đắm mình trong âm vang sống động của tiếng cồng, tiếng chiêng và được thưởng thức nhiều tiếng nhạc lòng khác nhau của các nghệ sĩ. Chiêng Banar trầm hùng như làn gió ầm ào thổi qua rừng già. Chiêng Xê Đăng hừng hực như bước chân dũng sĩ cao nguyên. Chiêng Mạ, Mường như gợi lời thương, lời nhớ. Chiêng Ê Đê dồn dập, mạnh mẽ như mưa đá, như thác reo. Chiêng Jrai náo nức mời gọi con gái, con trai, tay trong tay bước vào điệu múa Xoang, bên những chén rượu óng ánh,… tất cả tạo nên một sắc thái độc đáo của vùng nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên.
Theo các nhà nghiên cứu, cồng chiêng có một lịch sử lâu đời trên đất nước Việt Nam. Hằng số thẩm âm độc đáo của cồng chiêng được bắt nguồn từ nhạc đá ngàn năm của người Tây Nguyên - tức là có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ những đàn đá nghìn năm ấy đến các dàn nhạc cồng chiêng Tây Nguyên đang làm say đắm chúng ta ngày hôm nay. Dàn nhạc cồng chiêng đã tạo ra một thang âm rất đặc biệt. Thông thường dàn nhạc được hiểu là sự kết hợp các nhạc cụ với nhau theo những quy luật nhất định, mỗi nhạc cụ đảm nhiệm diễn tấu của một đường tuyến. Thứ âm đó được gọi là hòa tấu. Thế nhưng, ở nghệ thuật cồng chiêng, sự kết hợp của nhiều nhạc cụ về căn bản lại để hợp thành giai điệu. Nói nôm na “mỗi nhạc công ở đây chỉ là một nốt nhạc”. Theo đó, nhiều nhạc cụ ứng với những cao độ khác nhau kết hợp so le theo chiều ngang sẽ cấu thành giai điệu. Trong nghệ thuật âm nhạc thì đây là một dạng kỹ thuật thật độc đáo và rất khó thể hiện. Sự kết hợp các nhạc cụ kiểu “cồng chiêng” đòi hỏi mỗi nhạc công một bản lĩnh tiết tấu thật vững vàng. Có thể gọi đó là tính diễn tấu tập thể của nghệ thuật cồng chiêng. Đây chính là giá trị quý báu của nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng. Theo giáo sư Tô Ngọc Thanh - Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Hiện nay trên thế giới, chỉ có duy nhất ở vùng Tây Nguyên Việt Nam có lối chơi cồng chiêng mang tính dân chủ cộng đồng rất cao. Ở các nước Đông Nam Á cồng chiêng đều kết thành đàn, trở thành một loại nhạc cụ trong dàn nhạc nhẹ và do một nghệ sĩ diễn tấu. Riêng ở Tây Nguyên cách diễn tấu cồng chiêng vẫn giữ được nét riêng biệt, tạo nên hàng loạt âm thanh độc đáo. Mỗi người chỉ đánh một cái chiêng, nhiều người mới tạo thành bản nhạc với tất cả các tiết tấu, hòa âm phong phú”. Vì thế, tính cộng đồng ở các dàn cồng chiêng Tây Nguyên rất cao.
Giá trị tâm linh sâu sắc

Cồng chiêng Tây Nguyên trên tem. Ảnh: N.H.T

Cồng chiêng Tây Nguyên lên tem bởi nó không chỉ là một nhạc cụ độc đáo, mà còn mang giá trị tâm linh sâu sắc. Tiếng chiêng đã gắn bó chặt chẽ và là phương tiện quan trọng nhất trong các nghi lễ. Nó có trong phong tục vòng đời của người Tây Nguyên, bắt đầu từ sự ra đời, đến khi được làm thành viên chính thức, có trách nhiệm, có nghĩa vụ với cộng đồng, rồi bắt chồng, cưới vợ, mừng sức khỏe cho người già, đón bạn bè gần xa, cho đến các nghi lễ cầu mưa, dọn rẫy, đón lúa, mừng năm mới,… đều không thể nào vắng bóng tiếng chiêng. Họ quan niệm, mỗi chiếc chiêng là nơi trú ngụ một vị thần, chiêng càng lâu năm thì vị thần trú ngụ trong đó càng nhiều tuổi và nhiều quyền lực, chiếc chiêng càng quý giá. Và chiêng ngân lên là lời thần linh đang mách bảo, là cuộc “đối thoại” giữa tổ tiên và thần linh. Âm thiêng của cồng chiêng luôn hòa chung nhịp đập của đời sống.
Ngoài giá trị tâm linh, chiêng còn góp phần tạo nên nét đặc trưng của từng tộc người. Các bộ chiêng của từng tộc người thì hoàn toàn khác nhau từ cấu tạo của dàn nhạc đến âm điệu, cách biến tấu. Có bộ chiêng chỉ là 2, 3 chiếc, nhưng cũng có những bộ đến 16, 17 chiếc. Tộc người càng đông thì dàn cồng chiêng càng lớn và ngược lại. Ví dụ cả tộc người Brâu chỉ có 253 người nên dàn cồng chiêng chỉ có 2 chiếc. Trong khi dàn cồng chiêng của các tộc người đông hơn như Ê Đê hay Gia Rai thì có 12-13 chiếc trở lên. Âm sắc cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào đặc điểm ngôn ngữ và lịch sử của mỗi tộc người. Hay dân tộc Ê Đê là một dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ đa âm, có một lịch sử đấu tranh dài lâu nên âm nhạc của họ có tiết tấu nhanh, mạnh và nhiều âm sắc cao. Trong khi đó, dân tộc M’nông, một dân tộc ít biết đến những xung đột gay gắt, thì âm điệu êm đềm hơn…Và do đó, cồng chiêng Tây Nguyên hết sức phong phú về số lượng bài hát và không gian thể hiện. Có thể nói cồng chiêng Tây Nguyên là sự thống nhất của những dị biệt. Mỗi bài cồng chiêng là hơi thở của hoang dại, phóng khoáng của đại ngàn, là lòng sùng kính trời đất và niềm yêu thương hồn nhiên của người cao nguyên. UNESCO đã thừa nhận giá trị nghệ thuật, lịch sử và nhân loại học của loại hình này, vinh dự ấy trước hết thuộc về các dân tộc thiểu số Tây Nguyên - chủ thể của sáng tạo và lưu truyền di sản.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bài 3: Độc đáo thương hiệu ẩm thực phở
Không phải ngẫu nhiên mà phở (cùng với nem rán) là một trong những món ăn đầu tiên được các họa sĩ thiết kế trân trọng đưa hình ảnh lên tem Bưu chính Việt Nam (phát hành ngày 1-2-2008) trong đề tài các món ăn Việt Nam. Bởi lẽ, nó là món ăn quan trọng đối với người Hà Nội nói riêng và với người Việt Nam nói chung, đồng thời ghi đậm những nét văn hóa ẩm thực Việt Nam.