Thứ năm, 31/7/2014, 09h07

“Vua” trị nọc độc

Với những bài thuốc, phương pháp trị nọc độc có được nhờ cơ duyên, hơn 40 năm qua ông đã chữa trị cho hàng trăm trường hợp bị rắn độc, chó - mèo dại cắn, ong đốt … thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Có trường hợp bệnh viện “chê”, nhưng với kinh nghiệm và tài trị nọc độc của ông, bệnh nhân đã được cứu sống.

“Vua” trị nọc độc Mai Láo

“Qua mặt” cả bác sĩ!

Tên đầy đủ của ông là Mai Láo (SN 1930, trú thôn 2, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), nhưng mọi người quen miệng gọi ông là Ba Láo. Tìm đến nhà ông trong những ngày mùa hè nóng bức và phải chạy xe máy gần trăm kilômét, nhưng khi vừa đến đầu ngõ, biết chắc ông có nhà thì mọi mệt nhọc trong chúng tôi đều tan biến. Bởi với cái “nghiệp” đang theo đuổi buộc ông luôn nay đây, mai đó, nên hiếm khi ông có nhà.

Bỏ dở công việc chăm sóc vườn cây thuốc nam bên hàng rào trước ngõ, ông mời chúng tôi vào nhà uống nước và chậm rãi kể về việc chữa nọc độc cứu người. “Mới đó mà ngót nghét 40 năm tui đến với cái nghiệp này rồi. Lúc đầu, cũng chỉ có những người trong huyện bị rắn hay chó dại cắn, ong đốt.... tìm đến. Nhưng về sau, có nhiều người ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thậm chí tận Huế vào nhờ tui cứu chữa. Hỏi ra thì họ nói là nghe tin đồn rồi tự tìm đến”, ông Láo cho biết. Và đến nay, ông không nhớ chính xác đã cứu chữa được bao nhiêu trường hợp.

Thế nhưng, với Ba Láo, trường hợp mà ông nhớ nhất và cũng khiến cho cái biệt danh “vua trị nọc độc” của ông lan truyền xa hơn là vụ một ngư dân ở Sơn Trà (Đà Nẵng) bị rắn biển cắn hồi năm 2001. Người này kịp thời đi cấp cứu, nhưng trước độc tính quá mạnh của loài rắn biển, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, rồi Bệnh viện Quân y Đà Nẵng cũng đành bó tay sau 7 ngày điều trị. Lúc đó, chẳng biết cố tình hay hữu ý, các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y đã “mách nước” với người nhà bệnh nhân, nên tìm đến ông Ba Láo để xin được giúp đỡ. Dù tuyệt vọng, nhưng còn nước còn tát, người nhà bệnh nhân thuê ô tô lên tận nhà mời ông Láo rồi đưa thẳng đến bệnh viện. Vừa đến nơi, không nói không rằng, “vua trị nọc độc” Ba Láo vội lôi bộ đồ nghề và thao tác theo kiểu của mình trước những ánh nhìn đầy nghi hoặc của các y bác sĩ. Thời gian trôi qua căng như dây đàn, 30 phút sau, mạch đập của bệnh nhân trở nên ổn định, tỉnh táo dần. Tiếp tục ở lại theo dõi, đến ngày thứ 2, Bệnh viện Quân y kiểm tra tổng quát với kết quả bất ngờ: bệnh nhân đã hồi phục nên cho xuất viện. Bây giờ ngồi nhớ lại, ông cho biết, nếu lần đó chỉ cần đến chậm khoảng vài giờ, tính mạng của bệnh nhân chắc không còn. Mấy ngày túc trực tại bệnh viện, khi ra về ông lấy đúng 75.000 đồng. “Tui chỉ lấy tiền thuốc đã mua trước đó thôi. Chứ vì đồng tiền, đòi hỏi người nhà bệnh nhân thì tui đã không đến với cái nghiệp này rồi”, Ba Láo bộc bạch.

Theo bác sĩ Nguyễn Tương, từng công tác tại Khoa nọc độc, Bệnh viện Quân y Đà Nẵng, việc “vua trị nọc độc” Ba Láo từng đến bệnh viện cứu người theo yêu cầu của gia đình nạn nhân là có thật và được bệnh viện ghi nhận.

Từ lần “qua mặt” các bác sĩ Bệnh viện Quân y Đà Nẵng, danh tiếng, ông Ba Láo càng vang xa hơn. Chỉ thời gian ngắn sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cũng lại đích thân ngỏ lời, nhờ sự giúp đỡ của ông trước hai ca bệnh bị khỉ cắn. Ông đón nhận các bệnh nhân đến nhà trong tình trạng nửa người bị thâm tím. Thế nhưng, lần này ông gặp ngay trở ngại là chưa từng chữa trị những ca bệnh do khỉ cắn. Song, quyết không để “thần chết” thắng mình, ông Láo căng mình nhớ lại những bí quyết, bài thuốc mà ông đã được học. Ông nắm chân người bệnh, từ từ đo được nọc độc của loài khỉ và tiến hành điều chế bài thuốc riêng dành cho ca nhiễm độc này. Sau lần ấy, ông đã không phụ lại sự tin tưởng gửi gắm của Bệnh viện Từ Dũ, của người nhà bệnh nhân mà bản thân ông cũng có cơ hội hoàn thiện được các bài thuốc của mình.

Cơ duyên

Theo Ba Láo, ông đến với cái nghiệp này hoàn toàn tình cờ, có thể được coi như có duyên số. Ông sinh ra trong một gia đình cách mạng, 17 tuổi tham gia kháng chiến. Năm 1956, ông sang Lào theo sự điều động của Quân khu V, để đào tạo, phát triển lực lượng đặc công cho nước bạn Lào. Trong khi đưa quân đi làm nhiệm vụ, ông nhiều lần chứng kiến đồng đội bị chặt đứt chân vì bị các loại rắn độc cắn khi hành quân chiến đấu trong rừng. Sự hy sinh không vì bom đạn mà chỉ do tự nhiên, khiến ông trăn trở và quyết phải tìm cho bằng được phương thuốc đặc trị nọc độc, có thể lận theo bên mình mỗi khi hành quân.

Thế rồi cơ duyên cũng đã đến với ông vào năm 1961. Trong chuyến hành quân ở một vùng núi thuộc Lào, được nghỉ, ông Láo lang thang tản bộ. Mới rảo một vòng, tình cờ ông bắt gặp đằng xa có 1 người phụ nữ mang bầu, sau một hồi nhìn xung quanh, chị này cúi hái một vài lá cây rừng rồi đi thẳng về phía bụi rậm. Tò mò, ông Láo kiên nhẫn chờ coi điều gì rồi bất ngờ nghe tiếng trẻ con khóc, lúc sau cô gái ẵm con đi ra, miệng vẫn nhai nắm lá cây. Kinh ngạc không biết người phụ nữ này có vị thuốc gì mà sinh nở không cần ai đỡ. Ông liền đi theo, rồi phát hiện nơi đây có một tộc của người Lào đang sinh sống. Lúc đó, người làng cũng nhanh chóng nhận thấy sự có mặt của người lạ, nhưng ngược với điều ông tiên liệu về khả năng sẽ bị xa lánh thì ông lại được tiếp đón nhiệt tình. Vị già làng còn cho rằng ông Láo có duyên mới đến được đây, nên sẵn lòng giúp đỡ. Khi bày tỏ điều ấp ủ lâu nay về một bài thuốc trị độc rắn, Ba Láo được già làng dạy cho cách trị tất cả các loại độc từ một vài thủ thuật, cây cỏ đơn giản.

Về phương thuốc bí truyền, ban đầu Ba Láo không muốn tiết lộ, chỉ nói chung chung dùng cả thuốc bắc, kết hợp thuốc nam để đắp vào vết thương, rồi cắt thêm mấy thang thuốc giải độc cho bệnh nhân uống. Tuy nhiên, sau một hồi chuyện trò, ông Láo cũng bật mí đôi chút. Vừa lôi ra một vật tròn, nhỏ nhắn màu đen lánh, ông vừa nói: “Tất cả là ở đây”. Ông cho biết, đây chính là “bảo bối” được bộ tộc người Lào năm xưa tặng cho. Vật có tên gọi hột Mã Lai. Dùng vật này lăn trên vết thương nó có thể báo tình trạng nọc độc đang di chuyển trong cơ thể đến đâu. Sau đó, tiếp tục dùng viên Mã Lai này cố định nọc độc lại, không cho chúng tiếp tục di chuyển, rồi cũng chính nhờ vật này ông hút chất độc ra. Qua công đoạn này chỉ cần cho bệnh nhân uống kết hợp các loại thảo dược từ một số loại cây để giải độc. Tuy nhiên, theo ông Láo, một vài loại thảo dược chỉ mọc trên đất Lào nên ông phải lặn lội sang Lào cả tháng trời để tìm hái rất vất vả.

Theo bác sĩ Nguyễn Tương, vật màu đen mà ông Láo dùng (có người cho rằng là ngọc rắn), có thể là trái đậu Lào (còn gọi trái quà quạ). Trong y học, trái đậu Lào chứa một số hoạt chất có thể giải được nọc độc của rắn, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Sau đó, bằng kinh nghiệm dân gian truyền lại, tùy mức độ nhiễm nặng nhẹ, ông cho kết hợp thêm uống thuốc để thải độc và ổn định sức khỏe. “Việc điều trị này buộc người chữa phải có rất nhiều kinh nghiệm, khả năng ước lượng thuốc nam cho bệnh nhân uống cũng cực kỳ tinh thông. Nếu làm được như vậy, khả năng cứu sống bệnh nhân có thể lên đến 95%, cả những trường hợp Tây y không thể cứu và trả về”, bác sĩ Tương nhận định.

NGUYỄN HÙNG

(SGGP)