Chủ nhật, 30/1/2011, 16h01

Vùng đất hai lần anh hùng

Làng quê Thái Mỹ đang thay da đổi thịt từng ngày
Sau một năm triển khai thực hiện chương trình Nông thôn mới, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM trở thành một điểm sáng trong xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội... Tại đây, nhiều mô hình, sáng kiến của người dân đã giúp cho họ thoát nghèo và vươn lên làm giàu…
Những nông dân điển hình
“Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo của ấp. Chuyển đổi đủ nghề, từ trồng bông sang nuôi nhím thịt vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Khi chương trình Nông thôn mới được triển khai tại xã, tôi đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng thông qua chương trình 105, vừa nuôi nhím kết hợp với nuôi cá kiểng đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình” - anh Bùi Minh Tiến, ấp Mỹ Khánh A hồ hởi khoe. Dẫn tôi ra thăm trang trại nuôi cá kiểng của mình, anh Tiến cho biết: “Để có được diện tích nuôi cá kiểng gần 2.000m2 với 50.000 con như hiện nay, tôi đã mất rất nhiều thời gian “tầm sư học đạo”. Nuôi được loài cá này lớn nhanh và khỏe mạnh, tôi áp dụng phương pháp nuôi tự nhiên. Mỗi lứa xuất bán trên dưới 2.000 con cho các thương lái trên TP và ngoài Bắc, trừ chi phí đi cũng còn được 10 triệu đồng. Sang ấp Bình Hạ Đông, chúng tôi gặp ông Võ Văn Tiền một trong những nông dân làm kinh tế giỏi của xã Thái Mỹ về trồng hoa lan. Trước đây, ông Tiền trồng hoa lan chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên cây hoa phát triển không đều, thu nhập bấp bênh. Sau khi được Hội Nông dân xã cử đi học lớp kỹ thuật trồng hoa lan về ông đã chăm sóc vườn lan và thu được kết quả tốt. Hiện nay, vườn lan nhà ông có hơn 2.000 gốc (loại lan Monkara), mỗi đợt cắt bán cũng cho ông thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng. “Tôi phải lao đao, vất vưởng với nhiều nghề để mưu sinh nhưng không nghề nào tồn tại được lâu. Chỉ có nghề trồng lan tôi cảm thấy như mình được “đền đáp”” ông Tiền vui vẻ nói với chúng tôi như thế. Ông khẳng định: “Trồng lan không khó, chỉ cần chịu khó chăm sóc, mỗi sáng phải rửa hoa để làm sạch sương mù sẽ hạn chế được sâu bệnh, cây lớn nhanh đến không ngờ và cho chất lượng hoa tốt, bán được giá cao”.Cũng trên địa bàn ấp Bình Hạ Đông chúng tôi còn được nghe kể về cách làm giàu của anh nông dân Nguyễn Chí Tâm. Từ trong gian khó anh đã biết vươn lên và làm giàu ngay trên chính mảnh ruộng, vườn rau của mình. Hôm chúng tôi về thăm nhà anh, một vườn rau xanh mướt rộng trên 3.000m2 được anh trồng với đủ loại rau, củ, quả (khổ qua, dưa leo, mướp trái, bí đao…) đang cho thu hoạch. Gương mặt phấn khởi và nụ cười rạng rỡ trên môi, anh Tâm hồ hởi: “Mỗi đợt thu hoạch các loại rau, củ, quả cũng được gần 1 tấn, hái bỏ lên bờ thương lái đã mua hết, thu nhập cho gia đình được trên dưới 30 triệu đồng (cả vốn và lãi)”.
Xã có nhiều người đi lao động nước ngoài

Anh Tiến với trang trại nuôi cá kiểng    
Tiêu biểu cho lớp người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài trong xã có gia đình chú Ba, anh Hải (ấp Bình Thượng 1). Bằng sự chịu thương, chịu khó họ đã góp phần giúp gia đình thoát nghèo và có cuộc sống no đủ. Điều đặc biệt, ấp Bình Thượng 1 là ấp có số người đang lao động tại nước ngoài đông nhất xã Thái Mỹ với trên 1.000 lao động. Chú Ba cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện chính sách, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi xã thông báo có chương trình xuất khẩu đi lao động nước ngoài, sau nhiều đêm trằn trọc, suy tính cùng vợ con tôi đã quyết định bán từng tạ thóc, con heo gom góp tiền cho con đi lao động tại Nhật. Đứa chị đi trước, con em tiếp bước theo sau. Sau bảy năm, tiền các cháu gửi về một phần trang trải cuộc sống, trả nợ ngân hàng, còn lại gia đình mua 3 lô đất cất được nhà cửa khang trang và mở được tiệm tạp hóa. Hai cháu (Thảo và Huệ) khi về nước tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và bây giờ đều làm y tá tại Bệnh viện Củ Chi”. Trên đường đến nhà anh Hải, hai bên đường là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi còn thơm mùi vôi vữa xen lẫn trong màu xanh của cây trái, những căn nhà được xây lên bằng chính mồ hôi của những người lao động xa xứ. Anh Hải tâm sự: “Hết thời gian lao động tại Hàn Quốc, vợ chồng tôi về lại quê hương mua đất cất nhà và tính chuyện tương lai. Mua máy photocopy để vợ làm thêm còn tôi “bắt tay” vào đầu tư chuồng trại, nuôi bò sữa và trồng hoa lan. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi và những người đi trước luôn động viên, khuyến khích cũng như hướng dẫn và truyền đạt lại kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ đi sau. Chính vì thế, anh em, con cháu… trong gia đình năm nào cũng có người đi lao động ở nước ngoài. Đây có thể coi là thế mạnh của ấp Bình Thượng 1 chúng tôi”.
Tính hiệu quả của chương trình
Bà Dương Thị Thu, Phó chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho biết: “Trên cơ sở quán triệt chủ trương của chương trình, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã triển khai thực hiện và đã có những kết quả đáng trân trọng. Từ nguồn vốn của chương trình, xã đã xây dựng được nhiều công trình trường học đạt chuẩn như: Trường Tiểu học Thái Mỹ; THCS Nguyễn Văn Xơ… Bên cạnh đó, các công trình văn hóa - xã hội như xóa nhà tạm, nhà dột nát đã hoàn thành đúng yêu cầu đặt ra. Việc các hộ sản xuất trong xã “bắt tay” với các doanh nghiệp trong việc phối hợp và hỗ trợ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho xã nông thôn mới đã tạo được sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Điển hình như tổ chức lớp dạy nghề sơ cấp thú y, điện - điện tử thu hút gần 100 người đăng ký theo học. Song song đó là việc mạnh dạn chuyển đổi 300 ha/353,2 ha trồng lúa sang trồng cây lâu năm, cây ngắn ngày và cây ăn trái, giúp các hộ nông dân có thu nhập ổn định. Đến cuối tháng 11 năm 2010, xã đã đạt 13/19 tiêu chí của xã nông thôn mới, đây là kết quả của sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng bộ và nhân dân Thái Mỹ...”.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn chúng tôi đi tham quan các ấp trong xã đã hồ hởi khoe: “Những con đường trong ấp đều trải nhựa và khang trang, đây cũng là niềm hạnh phúc của nhân dân trong xã đấy các anh ạ”. Trong nắng chiều của những ngày đầu xuân, chúng tôi đã không khỏi bồi hồi xúc động khi đi giữa những con đường làng thoáng đẹp. Được hít thở bầu không khí trong lành với đời sống ấm “tình làng nghĩa xóm” của bà con nơi mảnh đất đã vinh dự hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng này.
Lê Quang huy