Thứ hai, 12/11/2012, 17h11

Những chuyện chưa biết về cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: Kỳ cuối: Đời nghèo mà vui

Ca sĩ Diệu Lý  năm 1989 (ảnh nhân vật cung cấp)
Thời gian nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bệnh nặng nằm một chỗ, vợ ông phải làm một việc mà từ ngày đầu gặp nhau cả hai đều không thích, đó là vợ ôm đàn hát cho chồng nghe.
Khi còn khỏe, sau mỗi lần kết thúc bài hát, ông vỗ tay tán thưởng vợ như thể ông là một khán thính giả. Sức khỏe yếu đi chút nữa, đầu ông chỉ gật thay cho những cái vỗ tay chậm rãi. Và lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như sợi chỉ mành treo chuông thì ông chỉ có thể chớp chớp mắt.
Cả đời thanh bạch
Sau một thời gian dạy học, Nhà nước cấp cho bà một căn nhà ở Tân Thuận (ca sĩ, cô giáo Diệu Lý dạy Trường Tiểu học Tân Thuận, huyện Nhà Bè, sau này thuộc Q.7 - TP.HCM) nhưng chỉ ở đó một thời gian vì không tiện trong việc đi lại ca hát, làm việc cho cả hai. Vì thế, lãnh đạo Nhà Văn hóa Q.4 tạo điều kiện cho vợ chồng ông về ở trong một căn phòng tạm của Nhà Văn hóa. Trong khi bao người mong được có chỗ an cư thì ngược lại nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bàn với vợ trả căn nhà ấy. Bà Diệu Lý nhớ lại: “Thời gian đó đồng lương nghề giáo không đủ sống, tối đi ca hát nhưng bữa ăn chỉ có cơm với tương, chao và rau. Anh Mỹ bảo mình cũng chưa đến nỗi thiếu chỗ ở, thôi thì trả lại để Nhà nước cấp cho người khác khó khăn hơn mình”.
Sau này, nhiều nhà sản xuất băng đĩa ở nước ngoài tìm đến xin ý kiến để thực hiện một số chương trình, đêm nhạc mang tên ông, ông đều không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Lần có một nhà kinh doanh băng đĩa về nước tìm đến thấy gia đình nhỏ của ông nằm trong xóm lao động nghèo liền buột miệng: “Tôi không nghĩ một nhạc sĩ nổi tiếng như ông mà lại sống ở khu thế này?”. Nghe vậy, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vặn lại: “Khu thế này là khu thế nào? Với tôi, ở đây là tốt lắm rồi. Tôi không mong gì thêm nữa”. Người kia cảm thấy mình bị hớ, càng nể phục người nhạc sĩ tài năng sống một đời thanh bạch.
Với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, làm nghệ thuật chân chính trước hết trong đầu không bao giờ có hai chữ danh và lợi. Nói về sự thanh bạch của ông không thể không nhắc tới một mẩu chuyện nhỏ mà đến nay, vợ và hai con của ông luôn lấy đó làm điểm tựa. Chuyện của nhiều năm trước, một họa sĩ nữ đã đi khắp năm châu để xin dấu bàn tay của những người nổi tiếng thuộc các lĩnh vực in trên đất sét để trưng bày trong không gian mỹ thuật thuộc dự án lớn mang tầm quốc tế. Trong số những người nổi tiếng được chọn lọc, riêng châu Á có nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Sau nhiều ngày lân la, dò hỏi, nữ họa sĩ đã tìm gặp ông tại nhà riêng. Lúc bấy giờ sức khỏe của ông đã yếu sau nhiều lần tai biến, nằm một chỗ. Thế nhưng, việc thuyết phục nhạc sĩ cho xin dấu bàn tay còn khó hơn cả việc tìm nhà của ông. Có hai tiêu chí để người họa sĩ này chọn xin dấu tay, thứ nhất là nổi tiếng và tiêu chí thứ hai là sống thanh bạch, có tâm với nghề. Ông bảo: “Tôi không xứng đáng với những gì cô đang cần. Tôi chỉ là người góp phần làm cho cuộc sống này tươi đẹp hơn”. Bà Diệu Lý, vợ ông kể lại: “Thấy cô ta cứ ngồi đó hàng giờ với hy vọng mong manh ông gật đầu đồng ý mà mình sốt cả ruột. Cuối cùng, cô họa sĩ đành phải khệ nệ ôm cục đất sét ra về”.
Những ngày cuối đời
Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Q.4 là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc như thể “thèm thuồng” lắm. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được.
Về sau, gia đình chuyển về nơi ở mới, đó là căn nhà chung cư được Nhà nước cấp có diện tích khiêm tốn ở Q.4. Lúc bấy giờ cô giáo Diệu Lý chuyển công tác về Trường THCS Nguyễn Huệ, cùng quận. Bà Diệu Lý kể, thời gian bệnh tình của ông nghiêm trọng là lúc hai con vẫn còn đi học. Một mình bà vừa phải lên lớp, trưa tất tả về nhà lo cho ông bữa cơm. Nhiều lúc bà đuối sức nhưng vì những gì ông đã nói, bà không dám nghĩ đến chuyện nghỉ dạy. Một hôm, bà từ trường về nhà thấy cửa khóa bên trong, nhìn qua khe cửa thì phát hiện ông nằm bất động dưới sàn nhà. Không còn cách nào khác, bà sang nhà hàng xóm xin đi nhờ ra sau, cột áo dài lại rồi trèo tường để vào nhà đưa ông đi bác sĩ.
Trước khi ông mất, nằm trên giường bệnh ông cũng kịp hoàn chỉnh hai trường ca lớn là Con đường thế kỷ (đường Hồ Chí Minh) và Gió Củ Chi. Bà Diệu Lý nhớ lại: “Lúc đó sức khỏe của anh Mỹ yếu lắm. Anh viết được câu nào thì tôi hát lên để anh chỉnh sửa ngay. Còn con trai Phạm Bắc Đẩu thì chuyển lời lên máy tính. Mọi thứ trong căn nhà chật chội ấy đều phải xếp gọn vào một góc nhường chỗ cho “phòng thu dã chiến”. Sở dĩ ông viết nhạc nhanh là nhờ người bạn đời có trình độ cảm âm tốt. “Tôi rất hạnh phúc khi được đóng góp chút ít công sức vào những tác phẩm của anh Mỹ. Tính anh Mỹ rất cầu thị, không chỉ vợ mà ai đóng góp gì thấy đúng, hay là nghe theo, không bảo thủ, không chứng tỏ mình”.
Trần Trọng Tri
Hầu hết các tập nhạc của ông đã được xuất bản đều có chung tên người trình bày (kẽ nhạc) là Diệu Lý. Bạn bè của ông thường nói, có hai người phụ nữ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác của Phạm Thế Mỹ. Người thứ nhất là mẹ ông. Người thứ hai chính là vợ, ca sĩ - cô giáo Diệu Lý.
 
Đón đọc loạt bài: Nỗi niềm giám thị
Mặc dù không trực tiếp đảm nhận công tác giảng dạy nhưng lực lượng giám thị được xem là “công an viên” của trường học. Và cũng chính từ công việc này đã sản sinh ra những nỗi niềm…