Thứ sáu, 29/3/2013, 14h03

Giải pháp đổi mới công tác quản lý giáo dục

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục cần đổi mới công tác kiểm tra đánh giá. Ảnh: Anh Khôi

Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào 4 yếu tố, đó là: Đội ngũ, cơ sở vật chất, đầu vào và công tác quản lý; trong đó công tác quản lý giữ vai trò quan trọng vì trong điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, đầu vào như nhau, nơi đâu quản lý tốt thì nơi đó có chất lượng tốt hơn. Vì vậy, đổi mới quản lý giáo dục phải bắt đầu từ các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, đổi mới như thế nào để có hiệu quả? Như chúng ta đã biết, quản lý nhà trường là quản lý theo mục tiêu chất lượng, tức là phải làm cho chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục phù hợp với các đối tượng học sinh (HS) cụ thể, các điều kiện học tập cụ thể. Điều này, một mặt đòi hỏi hiệu trưởng (HT) phải có kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình, mặt khác chỉ đạo tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động giáo dục trong nhà trường, điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT, công tác đào tạo, bồi dưỡng… tức là triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phép chỉ đề cập đến một vài lý thuyết cơ bản về giải pháp đổi mới quản lý nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Quản lý theo chuẩn
Chuẩn là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với cá nhân, đơn vị về một số nội dung nào đó nhằm đáp ứng hay thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Hiện nay trong nhà trường chúng ta quản lý theo các chuẩn: Trường đạt chuẩn quốc gia; chuẩn nghề nghiệp giáo viên (GV); chuẩn HT, chuẩn phó HT; chuẩn kiến thức kĩ năng cơ bản của chương trình; chuẩn đánh giá, xếp loại HS; tiêu chí đánh giá trường học thân thiện, HS tích cực... Các chuẩn hiện hành có tác dụng định hướng trong phấn đấu rèn luyện của bản thân HT và GV, trong công tác xây dựng đội ngũ, trong điều hành các hoạt động của nhà trường. Vì vậy trong công tác quản lý, dựa vào các yêu cầu của chuẩn và điều kiện thực tế của đơn vị, HT cần lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, xác định ta đang ở vị trí nào, xây dựng lộ trình thực hiện… thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hoạt động cao với thời gian tối thiểu...
Đổi mới phương pháp dạy học
Phương pháp dạy học bao gồm phương pháp giảng dạy (của GV) và phương pháp học tập (của HS) đều lấy HS làm trung tâm. Nhà trường cần có nhiều hình thức bồi dưỡng cho GV về đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua hội thảo chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn ở quận, ở cụm, ở trường… và đặc biệt là việc chuẩn bị lên lớp như soạn giáo án...
Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Coi trọng việc phân tích kết quả kiểm tra, qua đó giúp GV điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp HS biết tự đánh giá kết quả học tập để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong học tập; các cấp quản lý điều chỉnh, bổ sung công tác chỉ đạo dạy học, kiểm tra đánh giá một cách kịp thời. Bồi dưỡng GV về kĩ năng ra đề, soạn đáp án và chấm bài kiểm tra; kiểm tra bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình với 3 cấp độ: Biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo. Kiểm tra đánh giá không chỉ cho điểm mà phải có nhận xét, lời phê (liên quan đến kiến thức, đạo đức của HS)...
Chia sẻ quyền lực
Người HT phải có phẩm chất, năng lực; có phong cách lãnh đạo, quản lý phù hợp với thời đại và phải được sự tín nhiệm, phục tùng tự nguyện của cấp dưới.
HT không nên nắm mọi quyền hành trong tay mà cần chia sẻ quyền lực để viên chức trong nhà trường tham gia vào quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến nhà trường, tham gia điều hành các hoạt động trong nhà trường. Theo thời gian, HT sẽ giảm dần vai trò hướng dẫn và mang lại cơ hội cho các thành viên khác phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực của mình. Như vậy, đổi mới quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm của HT, phó HT mà còn đổi mới từ GV chủ nhiệm, GV bộ môn đến tổ trưởng chuyên môn. Sự phân cấp rất cần được thể hiện trong nhà trường, đặc biệt là nâng cao vai trò của tổ trưởng chuyên môn, làm sao cho tổ trưởng chuyên môn cũng thực hiện công tác quản lý tổ với đầy đủ các chức năng quản lý.
Trong quản lý giáo dục cần tránh đi sâu vào công tác hành chính, sự vụ, càng không nhằm quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch (trường, tổ). Chỉ có quản lý công việc thì người làm việc mới tự chủ, sáng tạo và mang lại hiệu quả thực sự, còn quản lý con người thì họ sẽ làm việc chỉ với mục đích đối phó.
Đổi mới công tác thi đua
Nhà trường cần đổi mới công tác thi đua, đảm bảo tính khoa học, công bằng, công khai từ khâu xây dựng các tiêu chí, triển khai thực hiện đến việc kiểm tra đánh giá. Kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Gắn liền việc khen và thưởng một cách hợp lý và xứng đáng, sao cho phong trào thi đua thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người đoàn kết, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cải tiến hội họp
Tránh hội họp nhiều, phải có kế hoạch cho các cuộc họp trong tháng. Các cuộc họp cần chuẩn bị trước các nội dung và gửi trước cho từng thành viên dự họp xem và chuẩn bị nội dung phát biểu trong cuộc họp nhằm giảm thời gian triển khai và tăng thời gian bàn bạc, thảo luận các giải pháp, biện pháp thực hiện, điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các cuộc họp. Tăng cường chỉ đạo bằng văn bản, thông tin, thông báo, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tạo cơ sở pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm đối với các thành viên trong hội đồng mà trước hết là các tổ trưởng.
Tóm lại: Các giải pháp nhằm thực hiện đổi mới công tác quản lý trong nhà trường đều có mối liên quan hữu cơ, luôn gắn kết và tác động thúc đẩy nhau để phát triển. Do vậy người HT cần phải triển khai thực hiện đồng bộ thì mới mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nhà trường. Đổi mới công tác quản lý là khâu đột phá quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Muốn thực hiện đổi mới quản lý thì người HT phải có tinh thần chủ động đổi mới, có quyết tâm cao, phải luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi; đặc biệt là phải tư duy để lựa chọn và thực hiện đồng bộ các giải pháp thật sự phù hợp với nhà trường mà mình quản lý, làm sao khơi dậy cho tất cả thành viên trong nhà trường sát cánh cùng với HT thực hiện việc đổi mới quản lý trong nhà trường. Mong mỏi lớn của GV đối với người HT là việc đổi mới quản lý phải làm cho thu nhập của họ tăng lên, giúp họ ổn định đời sống, giảm áp lực công việc và phát triển năng lực giảng dạy của họ, cho nên người HT phải biết tiết kiệm trong sử dụng nguồn thu, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, cần giảm bớt hội họp và các thủ tục rườm rà, cải tiến chế độ thông tin trong nhà trường để kịp thời nghe các ý kiến phản hồi của GV…
Nguyễn Chí Thảo
(Hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng, Q.7, TP.HCM)
Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, đã “vẽ” lên bức chân dung người HT trong thời kỳ mới: “HT cần được trang bị kỹ năng mềm để có đủ tự tin điều hành nhà trường như một doanh nghiệp nhưng không làm mất bản sắc nhà trường phổ thông. Người HT cần đẹp hơn, uy nghi hơn, hoạt bát hơn, lưu loát hơn, lạc quan hơn, tự chủ hơn, độc lập hơn… và đặc biệt phải giàu có hơn để có đủ tâm sức, tư duy hành động với ưu thế của một nhà quản trị hiện đại”.