Chủ nhật, 17/2/2013, 16h02

Người khai sinh phong trào nghìn việc tốt

Thầy Nguyễn Đức Thìn trên đường đến nơi làm việc

Hơn 70 tuổi đời, là Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, cuộc đời của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn gắn liền với nhiều biến cố của lịch sử. Đến giờ, ít ai còn biết, người giáo viên về hưu nhỏ nhắn, đôi tay bị tàn phá bởi bệnh phong đã từng là người khai sinh ra phong trào nghìn việc tốt trên quê hương Bắc Ninh. Cách đây tròn 50 năm, phong trào nghìn việc tốt đã ra đời để rồi nó cứ lan dài, lan xa, lan rộng ra mãi cho tới ngày nay.
Pho sử Đền Đô
Tôi về Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh một ngày giữa đông. Cái lạnh hanh hao của khí trời phương Bắc khiến cho đoạn đường từ Hà Nội về Bắc Ninh gần mà bỗng xa. Trong cái vẻ uy nghiêm và trầm mặc, Đền Đô  nằm lặng lẽ soi mình với bao chứng tích của lịch sử. Nghỉ nghề dạy học, thầy Thìn về làm tại ban di tích của Đền Đô. Với thầy Đền Đô như một phần máu thịt của mình.
Thầy còn nhớ như in ngày Pháp về làng, phá đền, chỉ còn giữ lại tấm bia đá để làm bia đỡ đạn. Cả ngôi đền thờ 8 vị vua Lý bỗng chỉ còn là bãi đất trống. Phải đến năm 1990, sau khi vượt bao khó khăn và thử thách, thầy đã cùng dân làng Đình Bảng đứng lên xây dựng lại ngôi đền thờ bát đế. Đền Đô ngày xưa không còn, chỉ còn lại duy nhất tấm bia đá lổ chổ đạn nhưng tất cả cái hồn của Đền vẫn được giữ lại. Bởi thầy chính là một chứng nhân lịch sử. Những tấm ảnh tư liệu quý giá về đền trước khi bị phá thầy vẫn còn giữ. Hơn nữa, thầy cũng từng có mặt trong Đội thiếu niên xung kích Đình Bảng, nên ngôi đền ấy đã gắn bó với thầy rất nhiều. Từng viên ngói, từng nét cong, từng con rồng chầu… tất cả là ký ức không thể xóa nhòa.
Ngày nay, khi đến Đền Đô, ít ai có thể ngờ đền mới được xây dựng lại trên nền đất cũ. Bởi vẫn nhà thủy đình lung linh, vẫn uy nghiêm chiếu rời đô của Lý Thái Tổ, vẫn đền thờ quan văn, đền thờ quan võ, vẫn chính điện uy nghi… Không chỉ có thế, đến Đền Đô, thầy giáo Thìn như một hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình và tâm huyết. Tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi từng viên gạch, từng sự kiện, thầy nhớ rất chi ly. Thầy còn là nhà sử học với cái tên Lý Hiếu Nghĩa, luôn lăn xả vào cuộc sống đi sâu tìm hiểu về vương triều Lý, sưu tầm các hiện vật, tư liệu phục vụ cho việc quản lý, bảo tồn di tích Đền Đô. Thầy viết hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo, chụp hàng nghìn bức ảnh... cho in để tuyên truyền. Cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô thầy viết trên 300 trang, nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc đã in 6 lần.
Người thầy của nghìn việc tốt

Công việc thường ngày của thầy Nguyễn Đức Thìn

Trong ký ức của đời mình, thầy kể rằng năm 11 tuổi thầy tham gia Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, bí mật cùng nhân dân hoạt động trong lòng địch để giải phóng quê hương. Hè năm 1958, học xong cấp II, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thìn về làng tham gia làm tổ trưởng giáo viên mẫu giáo vỡ lòng, tổ trưởng giáo viên bình dân học vụ, tổ trưởng thông tin văn hóa và phụ trách thiếu nhi ở xã. Ở cương vị nào, chàng thanh niên Thìn cũng gắng làm tốt và được kết nạp vào Đoàn, được Bộ Giáo dục tặng tấm Chân dung Bác Hồ ký tặng Chiến sĩ diệt dốt đúng dịp tròn 18 tuổi. Lúc này anh giáo làng càng ước mơ được trở thành giáo viên thực thụ, truyền bá kiến thức cho những bà con nông dân  yêu quí, nhất là cho đàn em thân yêu. Tháng 9-1959, thầy Nguyễn Đức Thìn là giáo viên dân lập, kiêm Bí thư Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội thiếu niên Trường cấp I Đình Bảng và cũng đã học xong chương trình bổ túc cấp III. Năm 1961 thầy Thìn được đề bạt đến công tác tại Trường cấp II Tam Sơn vừa có quyết định thành lập. Tam Sơn trong lịch sử khoa bảng là đất Tam khôi. Một làng từng có hai trạng nguyên là Nguyễn Quán Quang và Ngô Miễn Thiệu, có tới 19 vị tiến sĩ là những thám hoa, bảng nhãn. Đây còn là quê hương nhà cách mạng tiền bối, thầy giáo Ngô Gia Tự.
Năm năm sau ngày đứng trên bục giảng, xuân 1963, thầy Nguyễn Đức Thìn xây dựng thành công phép tính số học làm người: “Làm nghìn việc tốt, cùng trừ việc xấu, cộng nhân yêu thương, chia niềm thông cảm” để mỗi người thêm gắn bó và cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Đây cũng chính là nội dung chủ đạo của phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ” do thầy Thìn phát động ngày 24-3-1963. Trên quê hương Tam Sơn, Nghìn việc tốt nhanh chóng thành phong trào chung có sức lan toả, thu hút hàng triệu đội viên tham gia và trở thành hoạt động chung sôi nổi của thiếu nhi miền Bắc và rồi cả nước. Qua đó, thầy Thìn đã vinh dự đại diện cho tập thể giáo viên Trường Tam Sơn đến nhiều miền đất nước để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm hoạt động Đội cũng như cổ vũ thực hiện mục tiêu giáo dục ngay từ trường phổ thông. Đề tài này theo bước thầy Thìn đến với thiếu nhi Quốc tế ở  Berlin (Đức) năm 1971, Ulanbato (Mông Cổ) năm 1975, Viêng Chăn (Lào) năm 1988... Phong trào nghìn việc tốt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng. Đến nay, tại Tam Sơn, trong công viên Ngô Gia Tự có vườn hoa nghìn việc tốt.
Xây trường trong trại phong
Là người của công việc nên khi phát hiện bị bệnh phong, phải đi điều trị, ban đầu thầy cũng cảm thấy sốc. Được đưa đi điều trị ở khu điều trị Quỳnh Lập, Nghệ An, thầy không khỏi băn khoăn, đây là vùng biển chết hay vùng biển sống? Vào đây, thầy sẽ sống được bao nhiêu ngày nữa? Liệu thầy có còn được mơ ước và hành động, còn được sáng tạo, dám nghĩ, dám làm như những ngày qua?
Tuy đau đớn và buồn chán nhưng thầy không cho phép mình được gục ngã. Bằng cảm quan của một nhà giáo, thầy nhận thấy nơi này dường như đang bị tách biệt cộng đồng, nhất là chuyện học hành của 150 con em bệnh nhân. Một ý tưởng mới chợt đến, được sự ủng hộ của Giám đốc - bác sỹ Trần Hữu Ngoạn, thầy Thìn quyết tâm vận động mở trường bên bờ biển. Thầy sẵn sàng đi vận động các bạn đồng nghiệp đang điều trị trong bệnh viện đảm nhận công việc giảng dạy cho các em. Ngoài các nhà giáo, còn có cán bộ các ngành, bộ đội, nhạc sĩ, họa sĩ. Thầy đề nghị đặt tên trường là Lê Văn Tám.
Ngày 5-9-1979, cùng với học sinh cả nước, các em trong khu điều trị bệnh phong - da liễu Quỳnh Lập cũng nô nức khai giảng năm học mới. Điều thầy Thìn không ngờ đó là sự xuất hiện của ngôi trường đã đem niềm vui tới biết bao con người. Cũng từ đó, khu điều trị được biết đến không chỉ qua thành tích học tập của con em bệnh nhân, đó còn là sự dũng cảm chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, phá vỡ những mặc cảm, nghi ngại của nhiều bệnh nhân. Làm hiệu trưởng kiêm tổng phụ trách Đội trại phong trường Lê Văn Tám, thầy Thìn đã vừa điều trị bệnh vừa công tác tốt, làm bí thư chi bộ bệnh nhân, trưởng ban văn hóa “Làng Quỳnh yêu thương”.
Phương thức kỳ diệu nào cũng cần tới lòng lạc quan, vui sống, mặc dù di chứng bệnh tật đã khiến cho đôi bàn tay của thầy không còn lành lặn như xưa, nhưng bù lại, ý chí và nghị lực trong thầy như được nhân lên gấp bội. Thầy là Nhiệt Cảm Sinh đối nhân khác thời của Hàn Mặc Tử, làm thơ để nhân lên niềm tin yêu con người và cuộc sống. Hơn một nghìn ngày ở khu điều trị, cuộc sống những tưởng đã khép lại nhưng thật không ngờ, nó lại mở ra một chân trời mới cho thầy giáo Nguyễn Đức Thìn. Chia tay Quỳnh Lập trở về với mái trường Tam Sơn, cùng tập thể vui mở hội truyền thống Nghìn việc tốt lần thứ 20. Rồi từ năm 1983 thầy Thìn về với mái trường của quê nhà Đình Bảng, nơi thầy bắt đầu sự nghiệp trồng người.
Nghiêm Huê