Thứ hai, 22/8/2011, 14h08

Tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm lớp

GVCN cần tổ chức cho HS hoạt động ngoại khóa để các em có kiến thức thực tế, bổ ích.
Ảnh: Tường Vy

Hiệu trưởng là “con chim đầu đàn” của tập thể giáo viên nhà trường. Còn giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là “linh hồn” của lớp học.

Có thể nói GVCN là người quyết định mọi sự phát triển và tiến bộ của lớp, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất về mọi hoạt động của học sinh (HS). Không những thế, đội ngũ GVCN còn là một lực lượng hỗ trợ đắc lực cho hiệu trưởng, sẽ “nối thêm đầu, gắn thêm mắt, nối dài tay và mở rộng vòng tay” bao quát mọi hoạt động của nhà trường.
1. Vai trò của GVCN đặc biệt quan trọng là vậy, cho nên để làm tròn trách nhiệm và vai trò của mình, GVCN phải đảm nhiệm một khối lượng lớn công việc. Trước hết, GVCN phải nắm bắt về mọi mặt của HS lớp mình phụ trách như về học lực, năng khiếu; đặc biệt là hạnh kiểm đạo đức, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và về tâm sinh lý cá biệt. Tư chất hoàn cảnh và cá tính chi phối rất mạnh việc học tập của HS. GVCN có nắm chắc các mặt của đối tượng mình phụ trách mới đủ điều kiện tiến hành giáo dục, tránh được sự ngộ nhận, sai lầm, khiên cưỡng trong quá trình giáo dục. Đây là những hiểu biết bước đầu, rất cơ bản để lập kế hoạch công tác chủ nhiệm cả năm.
GVCN phải tổ chức các buổi sinh hoạt nội khóa để bồi dưỡng, phát huy năng khiếu, xây dựng tinh thần tập thể và ý thức cộng đồng trách nhiệm cho các em HS như: làm “báo tường” nhân các ngày lễ Quốc khánh 2-9, Ngày thành lập Đoàn 26-3…; làm các bài “tiểu luận” về các thể thơ đã học như lục bát, Đường luật, văn chứng minh, bình luận về đề tài “Tuổi trẻ”; “Học tập thế nào cho có hiệu quả”… Một hình thức sinh hoạt khác là tổ chức lao động xây dựng trường học, lao động công ích. Hoạt động này rất đa dạng, phong phú song phải tùy điều kiện, thời gian của từng lớp mà tiến hành cho sát hợp. Mặt khác, GVCN cần phải tổ chức cho HS đi tham quan, thâm nhập thực tế. Đó là hình thức sinh hoạt có tác dụng giáo dục tư tưởng sâu sắc với ý nghĩa “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”. Đồng thời GVCN phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng giáo dục khác: thông qua với giáo viên bộ môn, GVCN có thể tìm hiểu tình hình học tập bộ môn của lớp mình, về những em học giỏi, học yếu bộ môn; với Đoàn - Đội: GVCN xin ý kiến nhận xét về đoàn - đội viên của lớp, về triển vọng của một số em để kịp thời giúp đỡ, động viên; với gia đình: trong điều kiện không cho phép, GVCN chỉ có thể liên hệ chặt chẽ với một vài phụ huynh có con em cần quan tâm kịp thời như quậy phá, học yếu, nghỉ học thường xuyên…
2. Để thực hiện tốt tất cả công việc trên, GVCN phải lập kế hoạch công tác chủ nhiệm năm. Có thể bao gồm các nội dung sau: Mục tiêu phấn đấu về các mặt, tư tưởng đạo đức, học tập, hoạt động nội, ngoại khóa, thăm gia đình các HS; xây dựng mối quan hệ mật thiết với các lực lượng giáo dục khác (nội dung này cần ghi cụ thể chi tiết và cách tiến hành). “Nội dung 1, biện pháp 10”, đó là cách nói “đề cao đặt nặng” biện pháp cần có. Biện pháp có cụ thể mới thực hiện được dễ dàng và đạt kết quả cao. Vì vậy, biện pháp thứ nhất là phải nắm chắc đối tượng quản lý, GVCN phải tìm hiểu qua học bạ HS ở các năm học trước, ít nhất là một năm vừa qua; phải thông qua giáo viên bộ môn để hiểu biết thêm về tinh thần, thái độ học tập, học lực của các em lớp mình phụ trách; thông qua bạn bè của các em (một vài cá biệt cần quan tâm, nắm bắt); và hơn hết GVCN trực tiếp quan sát, theo dõi và trò chuyện với các em. Một biện pháp nữa là giáo viên tổ chức sinh hoạt tập thể để giáo dục ý thức cộng đồng trách nhiệm gắn kết với nhau hơn. Sinh hoạt lớp hàng tuần đều đặn có nội dung, được chuẩn bị chu đáo cũng là một biện pháp tích cực. Lao động xây dựng trường lớp, đi tham quan, thâm nhập thực tế cũng là một biện pháp...
Để có tư liệu, có sự kiện đầy đủ làm cơ sở nhận xét đánh giá cuối năm, giáo viên phải làm sổ chủ nhiệm. Trước hết phải xác định, làm sổ chủ nhiệm là cho chính bản thân GVCN chứ không phải làm để trình với hiệu trưởng. Sổ chủ nhiệm có thể có các mục sau: Danh sách HS với sơ yếu lý lịch (HS, cha mẹ, nghề nghiệp, địa chỉ và điện thoại…); đặc điểm từng em HS về: học lực, hạnh kiểm, sức khỏe, năng khiếu; mỗi em dành một trang để ghi chép, theo dõi, nhận xét làm cơ sở đánh giá học kỳ, cuối năm; phần tổng kết: kết quả học kỳ 1, học kỳ 2 và kết quả cả năm.
Có thể nói, giáo viên đi dạy mà không làm công tác chủ nhiệm lớp là một sự thiệt thòi.
Tôn Tuyết Dung

Hiệu trưởng giỏi phải là người biết quan tâm xây dựng đội ngũ GVCN thật hùng hậu về số và chất lượng, phải chăm lo bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chủ nhiệm và phải thường xuyên biểu dương những việc làm, tình cảm tốt đẹp của GVCN trước Hội đồng giáo viên. Sau một học kỳ, một năm học cần đúc kết kinh nghiệm chủ nhiệm lớp để năm học sau làm tốt hơn.