Thứ sáu, 12/10/2012, 15h10

Bài dự thi “Câu chuyện giáo dục” lần 2: Chiếc áo bị vấy mực

Hôm rồi, tôi nghe cô giáo chủ nhiệm lớp 3/1 của trường tâm sự: Trong giờ học đạo đức, cô phát hiện em Oanh không chịu chú ý nghe bài giảng như mọi lần mà em ngồi úp mặt xuống bàn khóc thút thít. Cô hỏi mãi thì em vừa khóc vừa nói: “Bạn Hoàng Anh ngồi phía sau không biết có ghét gì em không mà vung cây bút làm mực văng ra dính vào chiếc áo thể dục mới mua, chiếc áo bị dơ thế này về nhà thế nào em cũng bị mẹ la”. Cô giáo ân cần đến xem chiếc áo và hỏi em Hoàng Anh sao gây ra cớ sự như vậy? Em phải xin lỗi bạn, chứ để bạn giận khóc đó. Hoàng Anh nói: “Thưa cô, em không cố ý làm vấy mực lên chiếc áo mới của bạn Oanh, chỉ vì ngòi cây bút bị nghẹt mực nên em vung mạnh, không may mực văng làm dính vào áo của bạn, em đã xin lỗi mà bạn ấy không chịu”. Nghe vậy, cô giáo nói với Oanh: “Bạn Hoàng Anh đã biết sai, xin lỗi rồi em phải đồng ý và vui lòng bỏ qua chuyện, còn chiếc áo thể dục hôm nay bị mực vấy bẩn em về nhà thưa và nói thật với mẹ, mẹ sẽ không rầy la em đâu. Mẹ chỉ việc ngâm áo vào thuốc tẩy rồi giặt, áo sẽ sạch như chiếc áo mới”. Sau đó, cô nói với cả lớp: “Chúng ta mới học bài đạo đức: Biết cám ơn khi ai giúp đỡ mình và biết xin lỗi khi mình làm điều gì phiền đến người khác. Vả lại mình là học sinh phải biết thực hiện đúng 5 điều Bác Hồ dạy, trong đó có tính thật thà, em Oanh về cứ thưa với mẹ: “Bạn con vô tình làm vấy mực và xin lỗi con rồi” và cô sẽ điện thoại cho mẹ em nói thêm sự việc để mẹ hiểu, cô đảm bảo mẹ em không rầy, trái lại còn khen em ngoan nữa”.
Qua sự việc này tôi thấy cô giáo xử lý tình huống rất có tình có lý, hai em Oanh và Hoàng Anh không còn giận hờn nhau do nghi kỵ vì ghét nhau mà cố tình tạo ra chuyện chiếc áo bị vấy mực, trái lại hai em càng hiểu nhau hơn. Cô giáo đã biết vận dụng liên hệ thực tế, giáo dục tư tưởng một cách linh hoạt tình huống xảy ra ngay tại lớp mình chủ nhiệm.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)