Thứ hai, 10/1/2011, 16h01

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Học cách quản lí của hai hiệu trưởng thế nào?

Hiệu trưởng có thể giỏi hơn nhân viên về quản lý nhưng trong công tác chuyên môn, hiệu trưởng chưa chắc dạy giỏi hơn giáo viên (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Anh

Đã có lần tôi đã thử làm như ông hiệu trưởng A, làm tất cả mọi việc: dù nhỏ, dù lớn, một số nhân viên đã nói tôi ôm đồm việc; còn một số nhân viên thì nói: khỏe thật, khỏi phải làm; một số khác lại muốn thể hiện mình nhưng không có điều kiện thể hiện. Nhưng hãy cẩn thận với câu nói vui: “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”.
1. Ông hiệu trưởng A giỏi nên người ta phong là ông hiệu trưởng toàn năng. Trong tình huống này, đúng ông là hiệu trưởng toàn năng. Cái tâm của ông là mong muốn xây dựng một ngôi trường tốt: học sinh có nề nếp, giáo viên có chuyên môn vững, giảng dạy có hiệu quả, phong trào của trường ngày càng đi lên, trường có thành tích… một cách nhanh chóng. Nhưng lại quên rằng, ông làm hết mọi việc thì kết quả cũng chỉ theo khuôn mẫu của ông, thiếu sự sáng tạo. Một cái đầu của ông không thể nào bằng nhiều cái đầu của nhiều người. Chưa kể là một hiệu trưởng phải có những công tác khác: họp hành, giao lưu… tức là phải rời khỏi nhà trường trong thời gian trên. Trong thời gian này ai tiếp tục làm hết công việc như ông đã làm để giữ cái nếp mà ông đã xây dựng. Rồi kết quả của một ngày không có ông không nói chắc ai cũng biết: mọi việc rối tung lên.
2. Ông hiệu trưởng B thì ngược lại. Vì sao ông ung dung ngồi trong phòng uống nước? Vì công việc chào cờ đầu tuần là công việc của tổng phụ trách, ông đã phân công và tin tưởng tuyệt đối vào nhân viên mình. Như tình huống đã nêu: Việc to, việc nhỏ ông đều quản lí theo kế hoạch và báo cáo. Vậy thì ông ra làm gì nữa: chờ nhân viên báo cáo. Nhưng ông quên đi một công tác không kém phần quan trọng trong quản lí là phải kiểm tra. Vì kiểm tra mới thấy được những ưu, khuyết điểm của nhân viên để nhận xét được sát hơn thay cho việc ngồi chờ báo cáo. Chưa kể trong báo cáo không thể nào thể hiện hết các tình huống xảy ra mà nhân viên đã giải quyết hoặc chưa giải quyết; hoặc báo cáo chỉ nêu lên những gì chung nhất (ví dụ: lớp ổn định nhanh là lớp 2/1; 5/1; 5/2…). Nếu được hiệu trưởng ngồi quan sát, nhân viên sẽ làm việc tốt hơn, tích cực hơn. Bản thân hiệu trưởng cũng được tiếng là quan tâm, sâu sát. Và càng thể hiện sự thân thiện hơn nếu hiệu trưởng chỉ dẫn khi nhân viên hay học sinh có tình huống cần giúp đỡ.
3. Trong công tác, không phải công việc nào cũng dễ, nó đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức nhất định về mặt chuyên môn, phải có kĩ năng thực hiện và đặc biệt phải có kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm phải qua việc thực hành mới có được. Vì thế tùy trình độ chuyên môn, tùy vào khả năng của nhân viên mà người hiệu trưởng có phương pháp quản lí hay chỉ đạo thích hợp. Nếu nhân viên là một người mới, chưa thể thực hiện được công việc, hiệu trưởng có thể làm thay (như ông hiệu trưởng A) nhưng phải kèm theo sự hướng dẫn. Khi nhân viên có thể tự mình gánh vác công việc, hiệu trưởng tạo điều kiện cho “em nó” phát huy khả năng của mình. Nhưng vẫn không rời sự hướng dẫn. Đến khi “em nó” đã vững vàng, người hiệu trưởng có thể thực hiện như ông hiệu trưởng B: để nhân viên chủ động, nhưng kèm theo sự kiểm tra.
Trong thực tế, không phải hiệu trưởng nào cũng có thể giỏi hơn nhân viên về mọi mặt, có thể anh hơn nhân viên về cái bằng cấp sư phạm, hơn về khả năng quản lí nhưng về lĩnh vực công tác chuyên môn: anh chưa dạy giỏi hơn giáo viên giỏi cấp quận, anh chưa năng động hơn tổng phụ trách, anh ăn nói chưa thuyết phục như chủ tịch công đoàn… Vì vậy, dù anh có làm thay, có hướng dẫn hay có kiểm tra nhân viên nhưng nếu nhận được sự phản hồi hay góp ý của nhân viên, anh phải biết lắng nghe và ghi nhận những đóng góp chân tình của họ để bản thân sửa chữa kịp thời (nếu sự hướng dẫn của mình không đúng với yêu cầu công việc cần).
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)