Thứ năm, 28/2/2013, 12h02

Giáo dục truyền thống và lịch sử cho học sinh

Hoạt động ngoại khóa là một trong những cách giáo dục truyền thống hiệu quả. 
Ảnh: N.Anh

Chưa bao giờ dư luận xã hội tập trung phản ánh, bình luận, tranh luận và cả lo lắng đến vấn đề của lớp trẻ nói chung và học sinh nói riêng (một tầng lớp xã hội đang phát triển mạnh mẽ) trong việc giáo dục truyền thống và lịch sử, giáo dục đạo đức và nhân cách như hiện nay.
Phải chăng thực trạng những vấn đề giáo dục này đang đặt ra trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chấn hưng và định hướng phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục một cách tối ưu nhằm đạt hiệu quả tốt hơn.
Những biểu hiện đáng quan tâm
Như thường lệ, cứ sau mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT và thi vào các trường ĐH, CĐ là kết quả làm bài thi môn sử của học sinh lại được khui ra phơi bày với bao điều không tin được, nhưng đó lại là sự thật. Về chất lượng bài làm của học sinh không chỉ là nhớ và quên các tri thức lịch sử, mà còn là sự lẫn lộn, “đầu Ngô mình Sở”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, cùng những lời nhận định, đánh giá về các sự kiện, các nhân vật lịch sử vừa tùy tiện, vừa võ đoán, nửa bi nửa hài… Tất cả như là một minh chứng hùng hồn cho tình trạng số đông học sinh ở nước ta “kém sử ta”, nếu không nói là chán học sử. Thật trớ trêu khi họ là con cháu, lớp người hậu sinh của một dân tộc có lịch sử mấy nghìn năm anh hùng và văn hiến, có truyền thống với bao nhiêu giá trị cao quý; và chính họ luôn luôn được nhắc nhở rằng mình có sứ mệnh vẻ vang là tiếp bước cha ông và các thế hệ tiền bối để tô thắm thêm, viết tiếp lên những trang sử hào hùng ấy. Cũng có ý kiến cho rằng học sinh nước ta đâu có ngán học sử, đâu kém sử, và nếu có ngán, có kém là chỉ với sử ta thôi. Còn với sử Tàu, sử Hàn, sử Tây thì họ rất ham, rất nhớ bởi họ rất thích xem phim, đọc truyện sử Tàu, sử Tây và kể ra vanh vách những sự kiện cùng nhân vật…
Tại sao như vậy?
Từ thực trạng buồn về tri thức và ý thức lịch sử dân tộc của học sinh, như một lẽ tự nhiên, tất yếu dư luận nhằm vào trách nhiệm của ngành giáo dục từ vĩ mô đến vi mô, từ nhà trường, giáo viên tới gia đình; từ mục đích, mục tiêu dạy học sử đến nội dung, chương trình, sách giáo khoa môn sử, và nhất là phương pháp, cách thức giảng dạy bộ môn, trình độ nghiệp vụ, vốn sống kinh nghiệm và ý thức trách nhiệm, lòng say mê môn học của đội ngũ giáo viên sử các nhà trường. Cũng thật khó phản bác những ý kiến bàn thảo về nguyên nhân trực tiếp, về trách nhiệm không thể thoái thác của ngành giáo dục, của nhà trường và đội ngũ giáo viên dạy sử. Nhưng cũng lại có nhiều ý kiến truy ngược và mở rộng hơn nữa khi tìm về trách nhiệm của sử học nước nhà, của đội ngũ sử gia đang ngày đêm nghiên cứu khoa học lịch sử, tạo ra những công trình sử học, những pho sử đặt cơ sở cho việc dạy học, phổ biến tri thức lịch sử, tuyên truyền giáo dục về lịch sử. Chính những đội ngũ các nhà sử học cũng đã lên tiếng rất nhiều về “cái khó bó cái khôn” trong việc nghiên cứu khoa học lịch sử, biên soạn sách sử và truyền bá lịch sử hiện nay.
Thực tại bên ngoài bài giảng, nơi lớp học vẫn tấp nập, rộn ràng và hào hứng những hoạt động “Về nguồn”, tức là những hoạt động lịch sử theo nghĩa rộng lớn và bản chất nhất của vấn đề. Không chỉ với lớp người cao tuổi dày dạn kinh nghiệm có sự trải nghiệm về lịch sử anh hùng và bi thương mà chính mình là người can dự, tạo lập. Cũng không chỉ với lớp người trung niên đủ độ chín trong nhận thức và trách nhiệm đối với thực tại lịch sử và tương lai gần, xa như một sự tiếp nối liên tục. Ngay cả lớp trẻ, họ cũng rất hào hứng, chân thành và nghiêm túc khi tìm về lịch sử, từ những nhân chứng sống, những di tích, di sản lịch sử ở đó âm vang tiếp nối của lịch sử, thấm đậm hồn nước, hồn người, cao cả và thiêng liêng; thay vì đến với lịch sử chỉ qua những nhân vật, sự kiện, niên đại được tái hiện theo những khuôn thức trong sách sử, trong các bài thuyết giảng: Nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học kinh nghiệm như là sự minh họa cho những mệnh đề lý thuyết có sẵn. Họ đến với lịch sử như một hành trình khám phá tự nguyện và được dẫn dắt, gợi mở khéo léo thật hấp dẫn của thực tế sinh động ấy.
Làm thế nào để giải phóng điều này?
Giải phóng điều này thực chất là nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục lịch sử truyền thống cho học sinh hiện nay, có rất nhiều cách khác nhau, trong đó quan trọng và khả thi là tạo lập và phát triển được mối quan hệ nhân quả giữa nội dung giáo dục lịch sử, truyền thống dân tộc với nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách cá nhân, mà điểm nhấn của vấn đề là thái độ biết ơn và tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”. Ai cũng thừa nhận đạo đức nhân cách cá nhân là trách nhiệm, tình người là nhân phẩm, là lòng yêu quê hương đất nước, thương người như thể thương thân trong bổn phận cá nhân phải nối tiếp cơ đồ mà tổ tiên để lại và lịch sử đã lưu truyền, đó cũng chính là sự đền ơn đáp nghĩa, nêu gương, làm gương và noi gương. Đây là sự kết hợp giữa cơ chế di truyền và cơ chế di sản trong sự phát triển tâm lý nhân cách - hành trình lịch sử về ý thức và nhân cách…
Tuy nhiên, xét ở tầm vĩ mô, đó là sự quản lý, điều hành cân đối giữa kinh tế và văn hóa, truyền thống; giữa tăng trưởng và phát triển; giữa văn minh, hiện đại và văn hóa, truyền thống. Phải làm cho các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc luôn hiện diện trong cuộc sống, lẽ sống, lối sống, nếp sống của những người đương thời hội tụ, tỏa sáng trong phẩm giá nhân cách của mỗi người. Mà trước hết và ngay bây giờ, những nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, đoàn thể phải làm gương về vấn đề này. Nếu đặt câu hỏi: Sử là gì?, truyền thống là gì?, đạo đức nhân cách là gì? thì sẽ có ngay câu trả lời: Đó chính là sự nêu gương, làm gương và noi gương trong mọi hành động và hoạt động.
ThS. Nguyễn Ngọc Sáng (Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Lịch sử và truyền thống chính là những giá trị nhân văn, dân tộc, nhân loại, là lẽ sống làm người và ở đời trong suốt quá trình trưởng thành gian nan của cả cộng đồng với sự gom góp của mỗi cá nhân mà có. Khi ấy, từ lẽ phải, từ truyền thống mà giáo dục, hình thành nhân cách, phát triển đạo đức sẽ diễn ra một cách tự nhiên tất yếu chẳng cần phải áp đặt gì cả.