Thứ bảy, 27/4/2013, 21h04

Nhận diện bệnh cúm

Bệnh cúm đang “nóng” với cả 3 chủng H1N1, H5N1, H7N9. Cúm A/H1N1, A/H5N1 đã gây chết người ở nước ta. Cúm A/H7N9 đang xảy ra ở Trung Quốc. Làm sao biết mình bị cúm và bị cúm gì?
Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho là những biểu hiện của bệnh cúm nói chung. Tuy nhiên, mỗi loại cúm sẽ có những “vùng” khác biệt để nhận biết sớm, giúp cho việc điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong.
Dễ lây như cúm A/H1N1
Cúm A/H1N1 được biết đến nhiều sau đại dịch năm 2009 khi virus này có mặt và gây bệnh cho người dân ở 90 nước thuộc 5 châu lục. Tại Việt Nam, hàng ngàn người đã nhiễm virus cúm này và hơn 50 trường hợp tử vong. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các triệu chứng của cúm H1N1 cũng tương tự các triệu chứng của cúm thông thường theo mùa. Đó là đột nhiên sốt cao, đau khắp người, đau đầu, mệt mỏi, ho khan, chảy nước mũi, đau họng, đau cơ, buồn nôn hoặc nôn, kèm theo tiêu chảy. Nặng hơn, bệnh gây ra viêm phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong. Cũng có trường hợp không có những biểu hiện trên. Theo kinh nghiệm chuyên môn, những người bị cúm A/H1N1 có thân nhiệt tăng rất nhanh chỉ sau một vài giờ.
Khi trẻ có biểu hiện cúm, nên đưa trẻ đi khám bệnh để kịp thời điều trị
Ngoài các biểu hiện trên, một trong những yếu tố quan trọng nghi ngờ mình nhiễm virus H1N1 là từ vùng dịch trở về hay tiếp xúc với người mà sau đó được xác định là mang bệnh cúm A/H1N1. Cúm lây lan từ người sang người thông qua ho hay hắt hơi, sờ, cầm vào đồ vật có chứa virus và rồi lại đưa tay lên mũi, miệng hay mắt. “Khi một người bị nhiễm virus cúm thì 2-7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Một ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm đã phát tán virus ra xung quanh. Cúm A/H1N1 dễ lây nhất trong 5 ngày đầu phát bệnh, ở trẻ em có thể kéo dài tới 10 ngày” - bác sĩ Hà cho biết.
Chú ý yếu tố dịch tễ
Giới chuyên môn cũng lưu ý: Mặc dù triệu chứng ban đầu của cúm A/H1N1 khá giống nhau nhưng nhiều trường hợp nhiễm cúm gia cầm ít có các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi hay đau nhức cơ thể mà thay vào đó là bệnh cảnh của viêm phổi cấp như đau tức ngực dữ dội, khó thở, đau bụng, sốt cao trên 38OC, có thể  rét run. Đáng lưu ý là lâm sàng nhiễm virus cúm A/H5N1 hiếm gặp thể bệnh nhẹ mà chủ yếu là các ca bệnh nặng với các tổn thương phổi lan tỏa và suy đa tạng, thậm chí có rối loạn ý thức.
 
Tuy vậy, để chẩn đoán cúm gia cầm, các yếu tố dịch tễ như tiền sử bệnh nhân có tiếp xúc và ăn thịt gia cầm, chim cảnh có nguy cơ (gia cầm bệnh, chết) trước khi khởi bệnh là những cơ sở quan trọng nhất để phân biệt cúm A/H1N1 và A/H5N1. “Bệnh nhân cúm A/H5N1 chủ yếu lây từ gia cầm, chim cảnh mang virus, còn cúm A/H1N1 thì truyền qua đường hô hấp từ người sang người” - bác sĩ Hà lưu ý.
Cho rằng các biểu hiện của cúm A/H7N9 đang hoành hành ở Trung Quốc khá giống với H5N1, PGS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cảnh báo khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, người bệnh nên nghĩ đến cúm H7N9 và đến bệnh viện sớm để được cách ly, xét nghiệm và điều trị.
Đừng bỏ phí thời gian “vàng” 
Theo PGS-TS Huấn, hầu hết các trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 là những người có miễn dịch thấp (người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính) hoặc do người bệnh chủ quan nên nhập viện điều trị muộn. Tuy nhiên, với cúm H5N1 thì khác, ai cũng có thể nhiễm chủng virus và tỉ lệ tử vong có thời điểm lên đến 100% số ca mắc. Thời gian “vàng” để điều trị cúm là 3 ngày đầu từ khi có biểu hiện cúm. Vì thế, người dân ở khu vực đã ghi nhận có bệnh nhân cúm, nhất là người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em… khi có các triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi, đau đầu, đặc biệt là khó thở phải đi khám bệnh ngay.
1,5 triệu đồng/mẫu xét nghiệm cúm
Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay mặc dù cúm là bệnh khá phổ biến nhưng chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học rất khó chẩn đoán bệnh nhân đang nhiễm chủng virus nào. Để tìm đích danh chủng virus cúm phải dựa vào các xét nghiệm virus học như nuôi cấy virus hoặc sử dụng các xét nghiệm sinh học phân tử khá tốn kém (khoảng 1,5 triệu đồng/mẫu).
Tên gọi chủng cúm bắt nguồn từ đâu?
Theo PGS-TS Trịnh Quân Huấn, về lý thuyết có khoảng 153 loại virus cúm A và tương lai có thể có thêm nhiều loại khác nữa. Hiện nay, các nhà khoa học mới xác định có 16 loại kháng nguyên H (H1 đến H16) và 9 kháng nguyên N (N1 đến N9). Tên của mỗi loại virus cúm được viết tắt bằng các chữ “H” và “N”. “H” là chữ viết tắt của Hemagglutinine và “N” là chữ viết tắt của Neuraminidase, đây là 2 loại protein bề mặt đặc trưng trong các virus cúm. Chẳng hạn, virus cúm A/H1N1 có nghĩa là loại bệnh cúm type A, mang 2 loại protein bề mặt (kháng nguyên) là Hemagglutinine H1 và Neuraminidase N1. Tương tự, bệnh cúm gia cầm gọi là cúm A/H5N1 có nghĩa là loại bệnh cúm type A, mang 2 loại protein bề mặt là Hemagglutinine H5 và Neuraminidase N1. Cúm gia cầm H7N9 nghĩa là loại bệnh cúm type A, mang 2 loại protein là Hemagglutinine H7 và Neuraminidase N9. Việc xác định H và N phải căn cứ vào “mồi” thử phản ứng mà người ta đã thu thập qua nhiều vụ dịch. 
Trước đây, các chủng loại virus cúm gia cầm chỉ hoành hành trong đàn gia cầm nuôi nhưng hiện nay nó có thể truyền sang con người. Quá trình này có thể do biến đổi của virus cúm để thích nghi với môi trường sống, cũng giống như một cuộc đấu tranh sinh tồn để duy trì sự sống.
Theo NLĐ