Thứ tư, 8/8/2012, 08h08

Hướng đến mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ phải sang) với các đại biểu trong giờ giải lao

Nâng cao hơn nữa chất lượng GD-ĐT, giải quyết triệt để bệnh thành tích và gian lận trong thi cử, các khoản thu đầu năm của các trường… là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu tham dự thảo luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2011-2012 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2012-2013 do Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra trong hai ngày 5 và 6-8 vừa qua tại TP.Cần Thơ..
Điểm nhấn của hội nghị mà các đại biểu quan tâm là việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở các trường.
Cần đầu tư mang tính vùng miền
Sau 4 năm thực hiện phong trào này, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên chia sẻ: Sẽ rất khó để có một nền giáo dục (GD) phát triển vững bền, có chiều sâu nếu thiếu đi sự quan tâm, đầu tư mang tính vùng miền. Đặc biệt, là với GD dân tộc. Năm học qua, những chuyển biến về công tác GD dân tộc đã có những bước đột phá mạnh mẽ để GD phát triển đồng bộ hơn, giúp các địa phương kiện toàn về điều kiện CSVC. “Trong 5 năm qua, chúng ta đã đầu tư hơn 24 ngàn tỉ đồng cho việc kiện toàn trường lớp, nâng cao điều kiện CSVC, bộ mặt và chất lượng GD của toàn ngành đã được nâng lên. Trong đó, kế hoạch ngân sách chi cho lĩnh vực GD năm tới dự trù lên tới hơn 174 ngàn tỉ đồng (trong đó ngân sách chi là hơn 133 ngàn tỉ). Đây là một con số rất lớn, là điều kiện thuận lợi và cũng là trách nhiệm của GD-ĐT với nhân dân cả nước”, sau khi đặt vấn đề, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: “Cần phải xem lại cách làm, để việc sử dụng ngân sách làm sao cho hiệu quả, công tác huy động nguồn lực xã hội hóa được tốt hơn. Cố gắng làm sao đặt ra được mục tiêu cụ thể trong việc tiến tới đảm bảo cho HS dân tộc sau khi hoàn thành bậc TH có thể nói tiếng Việt như HS người Kinh; cần  làm sao để thời gian tới hướng việc học của HS sang tự học để nâng cao chất lượng; giúp các vùng khó khăn tiệm cận với thành tựu tối thiểu của vùng thuận lợi, hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản lý, phân cấp quản lý, nhằm khơi gợi sự chủ động, sáng tạo nơi đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý (GV-CBQL), hướng đến sự phát triển bền vững”.
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học
Có thể nói, TP.HCM là một trong những địa phương rất quan tâm đến sự đổi mới trong công tác kiểm tra đánh giá và đổi mới phương pháp dạy học. Chính vì vậy, TP.HCM đã thực hiện rất thành công về phương diện này trong năm học qua. Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn nêu thực tế: “Sự thay đổi cách thức đánh giá không chỉ xóa đi lối đánh giá cũ, nặng về học thuộc lòng, xa rời thực tiễn, ít yêu cầu khả năng tư duy… mà còn tạo ra bước ngoặt trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD, giúp cho GV, HS chủ động hơn trong công tác dạy và học”. 
Trong năm qua, việc có gần 42.000 HS được hỗ trợ “3 đủ” nên HS nghỉ học vì do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở giảm đáng kể (qua thống kê đã có 46 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương không có HS bỏ học vì các lý do này). Theo lãnh đạo ngành GD, việc triển khai phong trào này thực sự đi đúng hướng, là “công cụ” giúp các trường nâng cao hơn nữa hiệu quả GD. Bởi phong trào này đã góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường, trong khi chờ việc thay đổi chương trình SGK mới. Được biết, để thực hiện hiệu quả phong trào trên, Bộ VH-TT-DL đã bàn giao và giới thiệu 7.000 di tích (trong đó có 2.000 di tích cấp quốc gia) cho ngành GD hỗ trợ, chăm sóc, phát huy. Qua đó, ngành GD đã sử dụng, giảng dạy cho HS, đưa vào chương trình những nét riêng mang đậm tính dân tộc. Đây là tài sản, giảng dạy tốt, phát huy tính tích cực tự học cho HS.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng GD, nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2012-2013, “Các địa phương cần sử dụng ngân sách hiệu quả hơn, huy động nguồn lực xã hội và thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp tốt hơn, trong điều kiện kinh phí Nhà nước hạn hẹp. Đi đôi đó cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội chăm lo cho GD. Trung ương tiếp tục ban hành, hoàn chỉnh hệ thống văn bản về GD-ĐT… Và tất cả công việc trên nhằm hướng đến mục tiêu: GD là quốc sách hàng đầu”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Với các vấn đề của năm học mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo: “Toàn ngành cần giải quán triệt để bệnh thành tích và gian lận trong thi cử. Bởi hiện nay, bên cạnh một số sở GD-ĐT thực hiện tốt công tác này thì vẫn còn một số sở chưa thực hiện nghiêm túc. Các địa phương cần chủ động trong công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành GD về dạy thêm, học thêm. Riêng với các khoản thu của các trường, đặc biệt là những khoản thu đầu năm mà một số ít các đơn vị vẫn vướng phải, đề nghị các sở cần nghiêm túc chỉ đạo và quán triệt, tránh để xảy ra những chuyện ngoài ý muốn làm ảnh hưởng đến hình ảnh người GV và ngành GD”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy