Thứ sáu, 3/8/2012, 09h08

Tuyển giáo viên bậc THPT tại TP.HCM: Cửa vào quá hẹp

Các ứng viên trả lời phỏng vấn xét tuyển GV (ảnh chụp ngày 1-8-2012)

Năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT TP.HCM tuyển 525 giáo viên (GV) bậc THPT. Trong khi đó, số ứng viên đăng ký xét tuyển lên tới 1.499 người. Theo đó, để có thể trở thành GV, mỗi ứng viên phải “đấu” với ba ứng viên khác…
Trong hai ngày 1 và 2-8, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tiến hành phỏng vấn tuyển GV. Tại đây, qua tiếp xúc với các ứng viên, chúng tôi phần nào lý giải được nguyên nhân quá tải GV của bậc học này.
Tỉnh “chê”, ồ ạt vào thành phố
Năm nay là năm thứ 2, Thanh Nhàn (Quảng Bình) đăng ký xét tuyển GV tại TP.HCM. “Môn sinh chỉ lấy 31 người, nhưng số người đăng ký thì lên tới cả trăm. Em đã đăng ký dạy ở huyện Hóc Môn nhưng không biết có trúng tuyển hay không. Nếu không trúng tuyển thì lại phải tiếp tục đi dạy thỉnh giảng ở trường tư thục, dạy tiết nào hưởng lương tiết đó”, Thanh Nhàn cho biết.
Thanh Nhàn tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế năm 2010. Sau đó về quê xin việc. “Năm đó chỉ tiêu môn sinh bậc THPT của tỉnh chỉ có 3 nên những người không phải “con ông cháu cha”, không thuộc gia đình thương binh - liệt sĩ, không có tiền để “chạy”... thì rất khó lọt vào. Thế là em vào TP.HCM vì nghe nói ở đây tuyển nhiều. Năm ngoái, lúc đó em mới có KT3 nên bắt buộc phải đăng ký đi ngoại thành, nhưng không được. Năm nay, em đã có được hộ khẩu, để chắc chắn trúng tuyển em tiếp tục đăng ký ra ngoại thành”, Thanh Nhàn cho biết thêm.
Một trường hợp khác cũng đăng ký xét tuyển năm thứ 2 là Thu Oanh (Thái Bình). Thu Oanh tốt nghiệp Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội năm 2010. “Ở quê em, 2-3 năm mới tuyển GV 1 lần. Năm 2010, đúng dịp em ra trường thì tuyển GV. Tuy nhiên, cả tỉnh chỉ lấy 20 GV toán mà có tới 500 hồ sơ. Vì vậy… em rớt. Sau đó em vào TP.HCM đi làm gia sư, hiện tại đang làm quản nhiệm tại một trường tư thục với mức lương hơn 3 triệu đồng/  tháng. Em xin làm GV nhưng họ không cho vì em mới ra trường, không có kinh nghiệm. Em rất muốn công tác ở trường công lập, không được dạy thì làm gì cũng được, đi Cần Giờ cũng tốt…”, Thu Oanh tâm sự.
Những trường hợp như Thanh Nhàn và Thu Oanh không phải là hiếm. Vì 1.001 lý do mà không xin được việc ở tỉnh nên họ ồ ạt kéo nhau vào TP.HCM. “Dù sao ở TP.HCM, nếu không xin được vào trường công thì đi dạy ở trường tư. Chứ về quê, không xin được trường công thì chỉ còn cách làm nghề khác”, Đức Tính (Thanh Hóa) cho biết.
“Phổ cập” bằng thạc sĩ để dễ xin việc

Buổi phỏng vấn tuyển dụng giáo viên năm 2012 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 2-8-2012. Ảnh: Anh Khôi

Theo thống kê của Phòng Tổ chức - Cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay số ứng viên đăng ký dạy tại các trường THPT có trình độ thạc sĩ tương đối nhiều.
Về lý thuyết thì ngành giáo dục TP sẽ tuyển được những GV giỏi nhưng trên thực tế chưa hẳn những ứng viên có trình độ thạc sĩ đã thật sự giỏi. Nhiều ứng viên mà chúng tôi gặp thừa nhận họ đi học thạc sĩ vì trước đó nhiều năm liền không xin được việc…
Đinh Thị Quyên (Bà Rịa - Vũng Tàu) là một ví dụ điển hình. Năm 2008, Quyên tốt nghiệp loại trung bình khá Khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Sau đó, Quyên về quê xin việc nhưng: “Chỉ là dạy tại một trường bình thường ở huyện thôi mà “nghe nói” phải “chạy” cả trăm triệu đồng. Số tiền này không biết phải dạy bao nhiêu năm mới đủ nên tôi bỏ lên TP.HCM dạy trường tư thục. Năm 2009, sau khi “chạy” được KT3 tại TP.HCM tôi đã đăng ký xin tuyển GV nhưng rớt. Năm 2010 cũng rớt. Sau đó tôi thi cao học vì nghĩ có bằng thạc sĩ thì sẽ dễ xin việc hơn. Năm nay, tôi có bằng thạc sĩ, hộ khẩu tại TP.HCM nhưng cũng không biết có thể trở thành GV trường công lập hay không vì môn hóa lấy 40 người mà số người đăng ký lên tới gần 200”, Quyên chia sẻ.
Sau nhiều năm xin việc từ tỉnh cho đến TP không được, năm 2010, Nguyễn Thị Phương (Bình Định) đã thi cao học. Năm nay, cầm tấm bằng thạc sĩ ngữ văn trong tay nhưng Phương cũng không tự tin là mình có thể được tuyển dụng. Bởi, “Năm nào cũng có hàng trăm ứng viên đăng ký môn văn bị rớt. Năm nay cũng vậy, số người đăng ký cao gấp 4-5 lần so với chỉ tiêu”, Phương nói.
Phương còn cho biết, rất nhiều bạn bè cùng khóa vì không xin được việc đã đi học cao học như mình…
Sau 2 năm tốt nghiệp Khoa Sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Lê Thị Huê (Nghệ An) đành làm nhân viên cho một trường mầm non tư thục ở Q.12 với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. “Hồi tháng 5, em gọi điện về Sở GD-ĐT tỉnh hỏi thì được biết năm nay không tuyển GV. Em làm hồ sơ xin tuyển ở TP.HCM và đăng ký đi dạy ở ngoại thành. Nếu năm nay tiếp tục không trúng tuyển, em sẽ đi học cao học”, Huê cho biết.
Bài, ảnh:Hòa Triều
Thời gian phỏng vấn sẽ kéo dài từ ngày 1 đến 9-8.Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý: “Ứng viên đến trễ 15 phút, đến không đúng lịch đã thông báo sẽ không được tham dự phỏng vấn. Khi ứng viên đến dự phỏng vấn xét tuyển phải tuyệt đối chấp hành nghiêm túc sự hướng dẫn của cán bộ tổ chức buổi phỏng vấn; đến đúng tổ phỏng vấn; in phiếu thông tin phỏng vấn (phiếu này gồm 2 trang, in ra và nộp lại tổ phỏng vấn, in trên cả 2 mặt của một tờ giấy khổ A4) tại địa chỉ http://www.hcm.edu.vn/phongtccb, chọn menu Tuyển dụng, chọn Đăng ký dự tuyển, chọn In phiếu thông tin phỏng vấn”.