Thứ tư, 24/10/2012, 09h10

Chưa tăng lương trong năm 2013

Giáo viên là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng của việc không tăng lương. Ảnh: Anh Khôi

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cho biết chưa thể cân đối đủ nguồn để bố trí 60.000 tỷ đồng tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng từ tháng 5 năm sau.
Giãn thời gian tăng lương
Chính phủ cho biết khả năng cân đối ngân sách cho năm tới rất khó khăn, chỉ đủ bố trí 28.900 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng (đã tăng từ 1-5-2012), chứ chưa có nguồn để tăng thêm theo lộ trình. Theo tính toán của Chính phủ, nếu thực hiện tăng lương lên 1,3 triệu đồng và nâng phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ ngày 1-5-2013, ngân sách Nhà nước cần bố trí khoảng 60.000 tỷ đồng.
Hiện tại, Việt Nam có hai hệ thống lương cho hai khu vực, một là khu vực Nhà nước - có nguồn từ ngân sách và hai là khu vực doanh nghiệp - có nguồn do doanh nghiệp tự cân đối. Dựa trên cân đối ngân sách, Bộ Tài chính đưa ra kiến nghị không tăng lương tối thiểu khu vực Nhà nước. Khu vực này bao gồm lương cho hệ thống công chức, viên chức, Đảng, đoàn thể… Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai muốn biết quan điểm của Chính phủ về lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp với dự kiến tăng mức thấp nhất từ 1,4 triệu lên 1,7 triệu đồng, cao nhất là từ 2 triệu lên 2,4 triệu đồng trong năm tới.
Bao giờ tăng?
Có thể nói, cải cách tiền lương là một nội dung trong chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước. Trong đó, Chính phủ xác định, đến năm 2020 lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội. Nhưng vấn đề là, việc cải cách đó trong hơn 10 năm qua mới chỉ dừng lại ở việc tăng lương tối thiểu (từ 2003 đến nay tăng lương tối thiểu 8 lần, tăng cao và liên tục từ năm 2008, với mức tăng 20%/năm), các vấn đề khác như nâng cao chất lượng đội ngũ, hệ thống thang bảng lương, đổi mới cơ chế tài chính… hầu như chưa chuyển động. Cách đây bốn năm, tại thời điểm đề án cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội giai đoạn 2008-2012 được phê duyệt, rất nhiều người đã hy vọng tiến trình cải cách tiền lương được thực hiện sẽ trả lương tối thiểu về đúng vị trí của nó; nhưng sau bốn năm, việc điều chỉnh lương tối thiểu vẫn khiến người ta chờ đợi như một sự thay đổi thu nhập. Thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, hiện lương tối thiểu đang là căn cứ để thực hiện tám chính sách bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp cho người có công, bảo trợ xã hội, lương hưu… thậm chí cả việc bồi thường tai nạn giao thông. Bởi vậy, mỗi khi lương tối thiểu tăng một đồng thì cả tám chính sách liên quan tới an sinh xã hội này tăng theo. Đương nhiên, nó sẽ khiến cho ngân sách trở nên nặng gánh hơn. Tuy nhiên, khẳng định trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về khả năng cải cách tiền lương năm 2013 tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, tháng 5-2013. Còn về phía Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo bộ  này cho biết đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp, dự kiến tháng này sẽ công bố và có hiệu lực ngày 1-1-2013, cụ thể tăng lên mức nào thì chưa thể báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thiên Lam
Nếu giới chức nói rằng do khó khăn nên không thực hiện lộ trình tăng lương trong năm 2013 thì có gì đảm bảo năm 2014 không khó khăn như năm 2013? Và nếu năm 2015 lại tiếp tục khó khăn hơn thì thôi luôn hay sao? Đặt ra lộ trình mà không thực hiện sẽ gây mất niềm tin của người lao động. TS.Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đặt vấn đề.