Thứ sáu, 13/4/2012, 13h04

Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên: “Thay máu” nhân sự một cách nóng vội

Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên Phan Quang Thế trả lời với báo chí xung quanh việc “thay máu” nhân sự của trường

Liên quan đến vụ việc tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên), chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phan Quang Thế, Hiệu trưởng nhà trường, cũng là người ra toàn bộ các quyết định liên quan đến số phận một bộ phận giảng viên vừa qua. Theo ôngThế, để nâng cao chất lượng đội ngũ, những chỗ yếu kém sẽ được “thay máu”.
Giải pháp cứng -  phản ứng mạnh
Ông Phan Quang Thế cho biết, tất cả những giảng viên, cán bộ mà chưa có bằng chính quy, hoặc bằng chính quy mà đạt loại trung bình, trung bình khá đều bị điều chuyển sang làm công việc khác. Được biết, hiện đội ngũ giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên tương đối nhiều, do vậy mới sinh ra đi đường vòng (học kém), những người học trung bình dưới 6,0 lòng vòng lấy bằng thạc sĩ, sau đó ghé chân sang làm giảng viên kiêm nhiệm và về khoa. Những trường hợp như vậy là chưa đủ năng lực. Ông Thế cũng cho hay, thời Hiệu trưởng trước (ông Nguyễn Đăng Bình - PV) đã tăng quy mô tuyển sinh lên, do vậy dẫn đến thiếu giảng viên, thiếu thì “vơ bèo vạt tép”, và không thể đào thải.
Đi tìm “mã khóa” cho cách giải thích của ông Thế, chúng tôi có buổi làm việc với Ban thanh tra (ĐH Thái Nguyên). Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban cho biết, những việc làm của ông Phan Quang Thế như điều chuyển cán bộ, trong điều lệ nhà trường thì hiệu trưởng có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng, phó khoa chứ chưa nói gì tới các cấp thấp hơn. “Tuy vậy, trình tự và lộ trình thực hiện việc phân công cán bộ có những phần không được đúng với Luật Công chức. Thí dụ như chuyển sang bộ phận khác trong khi chưa được trao đổi” ông Hùng nói rõ.
Qua thanh tra, ông Hùng cho biết tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên có khoảng 10 giảng viên không vào ngạch giảng viên từ đầu (thi vào làm cán bộ công nhân viên, trong quá trình làm việc có đi học và tham gia giảng dạy kiêm nhiệm). Theo ông Hùng thì, những CB-CNV này chỉ có bằng trung bình và trung bình khá. Để nâng cao chất lượng, ông Thế đã không cho đi dạy. Được biết, trước đó 15 cán bộ ngạch giảng viên nằm trong danh sách không được kiêm nhiệm giảng dạy, tuy nhiên sau khi có ý kiến của ĐH Thái Nguyên, Hiệu trưởng Phan Quang Thế đã ra Quyết định số 73 với nội dung: Các giảng viên trên vẫn được kiêm nhiệm giảng dạy.
Đánh giá việc làm của ông Thế, ông Hùng cho rằng ông Thế thực hiện nó nhanh quá. Đang làm giáo viên tự dưng bị chuyển sang làm công việc khác thì cảm giác bị  hụt hẫng là điều dễ hiểu.
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Lê Lương Tài, nguyên Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên nói: “Người lãnh đạo nhà trường không được thử nghiệm những việc mình đang làm, mình phải rèn luyện mình, mình phải học tập để nâng cao trình độ của mình sao cho đủ sức để làm được một việc này, công việc kia. Tôi luôn nói rằng, khi đã là lãnh đạo một trường đại học thì không thể tập lãnh đạo mà phải khẳng định mình là người lãnh đạo”.
Giám đốc ĐH Thái Nguyên nói gì?
Trước những lùm xùm quanh ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên. Theo ông Vui, ĐH Thái Nguyên đã có văn bản phân cấp cho các trường thành viên (hiệu trưởng nhà trường có quyền bố trí, sắp xếp cán bộ theo thẩm quyền để sử dụng có hiệu quả trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong nhà trường). Văn bản này ban hành trước khi ông Thế lên làm Hiệu trưởng. Tuy nhiên, ông Vui cho rằng sắp xếp nhân sự là một vấn đề khó. Vì có thể đang quen việc này mà sang việc mới người ta cũng chưa thoải mái lắm, người ta có quyền ý kiến. Ông Vui cũng cho biết, không chỉ Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, mà các trường khác cũng đang trong tiến trình sắp xếp lại đội ngũ cán bộ giáo viên, cán bộ quản lí để làm thế nào thực hiện được đổi mới quản lí. Đổi mới là phải thay đổi về cơ chế, đội ngũ, thay đổi các yếu tố về năng lực. Nhưng lộ trình và bước đi như thế nào thì cần phải bàn bạc. Phải công khai hóa về nguồn lực, sắp xếp lại cho phù hợp yêu cầu đào tạo.
Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên là trường kĩ thuật nên đặt ra yêu cầu thực hành, thực tập là khâu quan trọng, cho nên có thể điều động một số cán bộ còn trẻ làm công tác giảng dạy lí thuyết để tăng cường thêm cơ sở thực hành, thực tập. Cái đó hoàn toàn do Hội đồng của trường quyết định.
Theo đánh giá của ông Vui, khi ông Thế nhận nhiệm vụ là một Hiệu trưởng trong bối cảnh đổi mới, sắp xếp thì các hoạt động điều động cán bộ là đúng thẩm quyền như đã được phân cấp, ông nghĩ  rằng việc sắp xếp lại là cần thiết, còn quy trình làm như thế nào thì ĐH Thái Nguyên không can thiệp sâu vì đã ủy quyền rồi.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
“Nói thực, do phương  pháp lãnh đạo, anh Thế lúc mới lên còn có những cái lúng túng, cũng có những bước nóng vội, nên thành ra vẫn còn có những dư luận và thông tin trên”, ông  Đặng Kim Vui,  Giám đốc ĐH Thái Nguyên chia sẻ.