Thứ hai, 28/3/2011, 17h03

Kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3: Bài 4: Sức sống của những kỷ vật

Thế hệ trẻ tìm hiểu kỷ vật truyền thống Đoàn

Gần 500 kỷ vật của cán bộ Đoàn trong phong trào đấu tranh chống Mỹ đã gửi đến Hội thu kỷ vật do Thành đoàn TP.HCM tổ chức là ngần ấy câu chuyện lịch sử, những sự kiện liên quan.
Trải qua biết bao biến cố, những kỷ vật cũng đã hoen màu, không còn vẹn nguyên nhưng sức sống vẫn còn mãi với thời gian.
Mỗi kỷ vật - một câu chuyện
Hàng trăm kỷ vật, hiện vật và hình ảnh đã từng gắn bó với cán bộ Đoàn trong phong trào đấu tranh chống Mỹ được trưng bày rất trang trọng trong các tủ kiếng. Các kỷ vật đã hoen ố bởi thời gian và hiển nhiên, cái hoen ố ấy đã làm tăng thêm giá trị của kỷ vật. Những ngày tháng 3, trung bình mỗi ngày Nhà Văn hóa Thanh niên đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Đông nhất vẫn là các bạn đoàn viên thanh niên và cựu cán bộ Đoàn các thời kỳ. Họ đến để “ngắm” và “mua” ký ức. Nhìn trầm ngâm chiếc nồi nấu kim tiêm làm từ vỏ đạn của Mỹ, ông Nguyễn Văn Khá, cựu thanh niên Thành đoàn chỉ tay về phía kỷ vật, muốn nói gì đó nhưng lại nghẹn ngào không thốt nên lời. Chốc sau, kìm nén sự xúc động, ông Khá nói: “Nó còn quý hơn cả máu”. Câu nói ngắn gọn mà chuyển tải biết bao thông điệp ý nghĩa cho thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau.
Ở góc trái của Phòng truyền thống Đoàn, gần 100 người thuộc nhiều thế hệ dõi mắt về hướng chiếc màn hình để xem thước phim đám tang anh Trần Văn Ơn. Đoạn phim ngắn nhưng phác họa được chân dung của một trí thức trẻ yêu nước đã anh dũng hy sinh. Cả phòng không nghe lấy một tiếng khua của giày, dép, không một tiếng đằng hắng hay tiếng ho nhẹ. Dường như tất cả phải im lặng để nhường cho tiếng khóc sụt sùi. “Rất cảm ơn thế hệ trẻ của Thành đoàn hôm nay đã làm một việc cực kỳ có ý nghĩa thông qua cuộc vận động hiến tặng kỷ vật Đoàn trong thời gian chống Mỹ cứu nước. Các kỷ vật ấy là minh chứng cho sự cống hiến, sự hy sinh của thế hệ thanh niên Thành đoàn một thời hoa lửa. Đó còn là bài học cho tuổi trẻ không chỉ sống cho riêng mình, cho cái lợi ích, danh vọng mà phải biết hy sinh, cống hiến xứng đáng với những gì thế hệ cha anh đã viết nên”, ông Khá gửi gắm. Đoàn viên Nguyễn Hữu Việt (Quận đoàn 8) tâm sự: “Qua mỗi câu chuyện, sự kiện liên quan, kỷ vật không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, về thời gian mà hơn hết là tinh thần bất khuất của những người đi trước. Qua đó, thế hệ trẻ học được nhiều điều để sống có ích cho xã hội”.
Nếu chỉ dừng lại ở các kỷ vật mà không có thông tin gì thì món quà truyền thống Đoàn ấy không có gì đặc biệt. Mỗi kỷ vật thật sự là một câu chuyện lịch sử không một chút khô khan mà người được nghe, được tận mắt chứng kiến cứ ngỡ câu chuyện ấy vừa xảy ra hôm qua hay hôm kia.
Ghi dấu một thời hoa lửa
Kỷ vật dù có bị hoen ố, không được nguyên vẹn nhưng chất chứa trong mỗi kỷ vật là mỗi trang sử hào hùng của Đoàn. Nhiều lá thư được viết tay dưới làn bom đạn vẫn còn in dấu nhòe nước mắt làm xúc động bao người. Nội dung thư chan chứa tình đồng đội, tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử... Và trong đó, còn có cả những bức thư của học sinh trong phong trào Đoàn viết tay gửi nữ sinh Gia Long ủng hộ phong trào chống lại giọng điệu vu khống của Mỹ ngụy mà khi xem qua ai nấy cũng xúc động, bồi hồi.
Nằm gọn gàng nhưng trang trọng trong chiếc tủ kính, nhỏ nhắn nhưng gây sự chú ý của nhiều người, đó là một chiếc lược đã ngả màu. Thông tin đặt bên kỷ vật ghi món quà của chú Phạm Chánh Trực (tức Năm Nghị) và cô Nguyễn Thị Nghĩa (cô Chín Nghĩa) gửi tặng. Điều đặc biệt là chiếc lược được chế từ vỏ máy bay của Mỹ. Món quà ấy còn thú vị bởi nó là món quà cưới đặc biệt của chú Năm Nghị và cô Chín Nghĩa. Đó là kỷ vật chiến tranh, là vật của tình yêu đôi lứa. Ngày ấy, chú Năm Nghị và cô Chín Nghĩa là cán bộ trẻ của Ban Tuyên huấn, Đoàn ủy HS-SV Sài Gòn - Gia Định. Tình yêu của họ tỏa ngát hương dưới làn bom đạn. Đám cưới vội được tổ chức ở chiến trường thế mà rất đáng nhớ, vẫn để lại cho đời thước phim vô giá. Họ là nhân chứng của tình yêu đôi lứa. Món quà ấy, dù đã trải qua bao biến cố cuộc đời nhưng chủ nhân của nó vẫn nâng niu, gìn giữ món quà hạnh phúc đến ngày hôm nay.
Kỷ vật gắn bó với các người cựu cán bộ Thành đoàn còn là những tấm bằng khen, giấy chứng nhận, cờ truyền thống Đoàn ghi nhận công lao đóng góp của cán bộ Thành đoàn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Ẩn chứa nhiều ý nghĩa trong cuộc chiến tranh gian khổ còn là những chiếc mã tấu sử dụng trong phong trào Đồng khởi tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh; Nòng súng coll, ngòi nổ, mìn gạt do công trường An Nhơn Tây tự chế để góp phần đánh Mỹ. Hay chiếc chiêng do ông Phạm Văn Chính (tự Chín Nhạc) sử dụng để uy hiếp tinh thần địch trong những năm Đồng Khởi 1960 ở rạch Cây Khô - Nhà Bè. Hay kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Mỹ ngụy như mùng mền, quần áo, khăn kỷ vật của cô Như Hòa (Chín Thủy); giấy phép thăm nuôi, giấy báo hy sinh, tuyển tập nhạc Hát cho đồng bào tôi nghe
Dịp này, nhiều du khách nước ngoài đến TP.HCM cũng không bỏ lỡ cơ hội tham quan, tìm hiểu rõ hơn về con người Việt Nam. Đặc biệt là con người trong cuộc kháng chiến gian khổ vẫn không chùn bước mà họ đã từng đọc nhiều qua sách báo, phim tài liệu. Họ đến tham quan và nán lại rất lâu bên những tủ trưng bày kỷ vật. Chăm chú xem, ghi lại thông tin và không quên lưu vài kiểu ảnh về các kỷ vật là việc làm của hầu hết du khách khi đến tham quan.
Qua thời gian, nhiều kỷ vật không còn nguyên vẹn nhưng trong ký ức của Đoàn vẫn còn lưu dấu nguyên hình, nguyên vẹn. Và chắc chắn rằng, mai đây nó còn là một tài sản vô giá dành cho thế hệ trẻ tiếp bước “Thành đoàn bản hùng ca”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bài cuối: Khi con tàu đã có hướng
Nhân ngày 26-3, nhà thơ Trúc Chi muốn trò chuyện với tuổi thanh niên về câu chuyện Khi con tàu đã có hướng trong thơ của các nhà thơ. Những bài thơ ấy, các nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam đều nhằm viết tặng tuổi thanh niên của mình cũng như tặng các bạn tuổi trẻ, đoàn viên… tặng các bạn thanh niên.