Thứ ba, 20/11/2012, 16h11

Trường THCS Bình Lợi Trung (quận Bình Thạnh): “Trường làng” tiến tới chuẩn quốc gia

Một tiết dạy học ở Trường THCS Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh

Đến thăm cơ sở mới của Trường THCS Bình Lợi Trung, ai cũng ngỡ ngàng trước một ngôi trường rộng lớn với đầy đủ các phòng chức năng và trang thiết bị hiện đại...
Để có được thành quả này, nhiều năm qua Ban giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã phấn đấu không ngừng, thêm vào đó là sự hỗ trợ, giúp sức của Quận ủy, UBND, Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh.
“Lột xác” sau nhiều năm đổi mới
Vài năm trước, chúng tôi đến thăm Trường THCS Bình Lợi Trung vào đúng mùa mưa, băng qua một con đường ngoằn ngoèo đất đỏ, vào tận sân mà nước vẫn ngập đến đầu gối. Phòng ban giám hiệu chỉ là một khu nhà cấp 4 không có máy điều hòa, không ghế nệm mà chỉ có độc nhất bộ bàn ghế bằng gỗ đã bạc hết màu và chiếc quạt máy chạy kêu ro ro. Phòng học của học sinh (HS) cũng tương tự, bàn ghế đã cũ kỹ, không đạt chuẩn; phòng chức năng chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết... Đây chính là “trường làng” nằm ngay giữa lòng thành phố tráng lệ. Ấy vậy mà chỉ sau vài năm, khi thầy Nguyễn Thâm được bổ nhiệm về trường làm Hiệu trưởng thì ngôi trường dần dần được “lột xác”.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trường được xây dựng lại ở một vị trí mới nằm tại phường 13 (đường trục - khu dân cư Bình Hòa). Trường khởi công xây dựng từ cuối năm 2010, đến nay đã hoàn tất về mọi mặt với diện tích rộng 12.500m2, trong đó phần đất sử dụng hơn 8.700m2, với 40 phòng học, 13 phòng chức năng, 12 phòng bán trú và khoảng 10 phòng dành cho Ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên và nhân viên. Đặc biệt trường có nhà TDTT đa năng, sân thể dục ngoài trời và có khu đất riêng để tiếp tục xây hồ bơi cho HS. Có thể nói, Trường THCS Bình Lợi Trung đã hoàn toàn “lột xác”, từ một “trường làng” đang phấn đấu để được công nhận là trường chuẩn quốc gia, sánh vai với các trường có cơ sở vật chất tiên tiến khác trên địa bàn thành phố cũng như trong khu vực các nước ASEAN.
Không chỉ được nâng cấp về cơ sở vật chất mà chất lượng dạy và học của trường cũng được dần khẳng định. Các năm trước, người dân quanh vùng gọi HS trong trường là “dân hợp chủng quốc” bởi các em là con của các gia đình lao động nghèo, nhiều em thiếu sự quan tâm của gia đình thì nay những tiếng gọi đó đã thưa dần. Có lẽ, nhờ sự tận tình dạy bảo và giúp đỡ của giáo viên mà các em đã chứng minh cho mọi người thấy mình đã trưởng thành, có nhiều em vào trường THPT chuyên của thành phố.
Nếu như trước đây, trường hiếm có HS giỏi cấp quận thì kể từ năm 2009, nhà trường đã có gần chục em đạt HS giỏi cấp quận. Năm học vừa qua, trường có 13 em đạt HS giỏi cấp quận và thành phố, 100% HS tốt nghiệp THCS và HS vào lớp 10 tăng hơn các năm trước khoảng 20%.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu đổi mới của Bộ GD-ĐT, trường đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học. Hiện 100% đội ngũ giáo viên của trường đều đạt chuẩn, trong đó có hơn 80% trên chuẩn. Năm học vừa qua, trường có 100% lao động tiên tiến, 15 chiến sĩ thi đua cấp quận (tỷ lệ 30%) và một chiến sĩ thi đua cấp thành phố là Hiệu trưởng nhà trường. Chi bộ của trường cũng không ngừng lớn mạnh, nếu ngày đầu mới thành lập (đầu năm 2010) chỉ có 3 đảng viên thì nay chi bộ có 10 đảng viên để cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đưa ra các kế hoạch xây dựng và phát triển trường vững mạnh hơn.
Người lái “con thuyền” cập bến thành công
Để thoát khỏi cảnh “trường làng”, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã không ngừng phấn đấu, trong đó phải kể đến công lao của người “thuyền trưởng” - Hiệu trưởng nhà trường - thầy Nguyễn Thâm.
Thầy Nguyễn Thâm từng học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhưng vì yêu nghề “gõ đầu trẻ” nên đã từ bỏ tấm bằng kỹ sư để gắn bó cuộc đời với sự nghiệp trồng người. Trải qua 30 năm làm việc trong ngành giáo dục, từng là giáo viên rồi làm lãnh đạo của rất nhiều trường nghèo, thầy đã tích lũy cho mình một vốn kinh nghiệm kha khá trong việc quản lý. Đầu năm 2009, từ Trường THCS Trương Công Định, thầy được điều chuyển giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Bình Lợi Trung. 
Học trò ở trường mới của thầy nghèo và quậy lắm. Ấy vậy mà đối với thầy, việc “trị” những học trò “cá biệt” này chẳng mấy khó khăn. Với phương châm “dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải bám sát học trò”, thầy thường động viên giáo viên trong trường xuống nhà HS để chia sẻ những khó khăn cùng gia đình và đưa ra biện pháp khuyến khích các em học tập. Chính vì vậy mà chất lượng học tập của HS Trường THCS Bình Lợi Trung ngày một tăng.
Cùng với việc động viên HS học tập chăm chỉ, thầy cũng dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nâng cao năng lực của từng giáo viên. Thầy cho rằng: “Ở đâu cũng có nhân tài, quan trọng là mình cần phát hiện sớm, trọng dụng và bồi dưỡng họ”. Từ quan điểm này, thầy động viên các thầy cô trong trường tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi để tự tin hơn trong công tác giáo dục. Qua đó có rất nhiều giáo viên đã đạt giải cao. Ba năm gần đây, thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên bộ môn hóa của trường, đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong cuộc thi Sáng tạo khoa học trẻ do Viện Tài nguyên và Môi trường tổ chức, được Thành đoàn TP.HCM trao tặng danh hiệu Giáo viên trẻ tiêu biểu năm học 2010-2011. Không chỉ vậy, trong kỳ thi giáo viên giỏi Chu Văn An do Phòng GD-ĐT tổ chức vừa qua, trường có 3 giáo viên tiếp tục được vào vòng 2.
Trải qua những năm tháng khó khăn, hiện Trường THCS Bình Lợi Trung đã thoát khỏi mặc cảm của một ngôi “trường làng” và là niềm mơ ước của các trường bạn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.
Giờ đây, trường đang tiến dần đến nấc thang mới là trường chuẩn quốc gia - những thách thức mới lại đặt lên đôi vai của người “thuyền trưởng”. Trong đó, việc bồi dưỡng nhân tài, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, bám sát HS… vẫn là phương châm cơ bản mà nhà trường đang quyết tâm thực hiện trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Bài, ảnh: Hà Xuyên