Thứ sáu, 11/1/2013, 16h01

Bàn về phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội

Học sinh Trường THCS Kim Đồng (Q.5) được giáo viên dò bài môn văn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm 2012. Ảnh: Anh Khôi

Trong chương trình ngữ văn phổ thông, nghị luận xã hội có hai dạng bài: Nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý.
Muốn làm tốt văn nghị luận xã hội, người giáo viên phải cho học sinh phân biệt được hai dạng bài này. Trước hết nên so sánh điểm giống và khác nhau giữa bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống với bài nghị luận một vấn đề tư tưởng đạo lý. Qua sự so sánh đó học sinh sẽ tránh được sự nhầm lẫn và phân biệt rõ đặc thù của chúng. Mặc dù cả hai dạng bài này đều yêu cầu phân tích sự việc hiện tượng để từ đó rút ra những tư tưởng, đạo lý trong đời sống nhưng chúng lại khác nhau ở xuất phát điểm và lập luận. Nếu nghị luận về hiện tượng đời sống có xuất phát điểm từ sự thực đời sống mà bày tỏ thái độ, quan điểm thì bài nghị luận về tư tưởng đạo lý lại xuất phát từ những nhận định, chân lý để chứng minh và làm sáng tỏ.
Cách làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
Khi làm bài cần tập trung vào hai điểm: Một là hình dung cho rõ sự việc, hiện tượng cần nghị luận, gọi tên nó ra và kể các biểu hiện của nó, mức độ phổ biến của nó đến đâu. Việc gọi tên này đòi hỏi phải có năng lực khái quát nhất định. Tên gọi có thể trở thành nhan đề bài viết. Ví dụ như bệnh lề mề, tính kiêu ngạo… Hai là phân tích đánh giá tính chất tốt - xấu, lợi - hại, hay - dở của sự việc, hiện tượng để từ đó chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ đồng tình hay phản đối, biểu dương hay lên án. Sau khi trình bày được nội dung, người viết phải cung cấp được sự việc, hiện tượng dưới dạng một câu chuyện kể để đưa ra luận chứng. Khi giải quyết thân bài học sinh có thể đưa ra các câu hỏi và tự trả lời dạng như: Hiện tượng đó được biểu hiện như thế nào? Nguyên nhân từ đâu? Cần phát huy đức tính này như thế nào? Có như vậy bài làm mới đủ ý và lập luận mới chặt chẽ được.
Cách làm bài nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lý
Trước hết phải cho học sinh xác định được dạng đề như dạng mệnh lệnh hay dạng mở (không có mệnh lệnh). Nếu dạng mệnh lệnh đòi hỏi người viết phải “suy nghĩ, bàn về…” thì dạng mở chỉ cung cấp một câu tục ngữ, một khái niệm mang tư tưởng đòi hỏi người làm bài phải nêu suy nghĩ để làm sáng tỏ. Khi xác định được dạng đề thì các em sẽ nắm được cấu trúc đề để từ đó lập dàn ý chi tiết làm bài. Để lập luận bài văn được chặt chẽ, người viết phải giải thích được vấn đề tư tưởng đạo lý đưa ra. Không chỉ giải thích từng từ mà giải thích nghĩa cả câu, ngoài nghĩa đen cho biết thêm về nghĩa bóng. Dẫn chứng cũng làm sáng tỏ hơn điều mình khẳng định hay bác bỏ. Từ vấn đề tư tưởng đạo lý đó phải nâng lên thành quan điểm, biện pháp khắc phục hoặc giải pháp tháo gỡ cho vấn đề đã đưa ra.
Trong cấu trúc chương trình, thời gian dành cho tiết nghị luận xã hội không nhiều nên việc rèn luyện chỉ thông qua những giờ tăng tiết. Hơn nữa dạng đề này thường cơ cấu trong một bài văn ngắn nên giáo viên không thể yêu cầu học sinh phải viết quá sâu, quá dài mất nhiều thời gian cho một bài thi. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là học sinh được viết sơ sài, tùy tiện mà phải nắm được phương pháp viết bài, biết lập luận theo từng kiểu bài. Quan trọng hơn các em phải biết quan tâm đến cuộc sống xung quanh, thường xuyên bồi dưỡng vốn sống để nội dung bài làm phong phú và có chiều sâu. Muốn làm được việc này đòi hỏi người thầy phải có nghệ thuật hướng dẫn để học sinh có thể tự lực làm bài bất kỳ dạng đề nào, không hề lệ thuộc vào văn mẫu hay dàn ý mà giáo viên đưa ra. Việc này cũng tương tự như giáo viên chỉ “trao cho học sinh cái cần câu chứ không phải là cho con cá”.
Nguyễn Hữu Xuân Quang
(GV Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Thủ Đức)