Thứ sáu, 3/8/2012, 14h08

Hụt hẫng học toán lớp 6

Nhiều phụ huynh đã than phiền là toán lớp 6 quá khó, các em không hiểu bài dẫn đến học không tốt môn toán như ở tiểu học. Khá nhiều em học giỏi toán ở lớp 5, thế nhưng đã học sa sút khi lên lớp 6.
Thật vậy, chương trình toán lớp 6 từ đầu năm hoàn toàn xa lạ với các em học sinh mới hoàn thành chương trình tiểu học. Ngay bài đầu tiên Tập hợp. Phần tử của tập hợp, các em đã “chóng mặt” bởi phải nắm vững hàng loạt những kiến thức toán học như thế nào là tập hợp, thế nào là phần tử…; rồi các quy ước như tên tập hợp là chữ cái in hoa, các phần tử của tập hợp được viết trong dấu ngoặc nhọn (các em chưa viết dấu ngoặc nhọn bao giờ nên viết được dấu ấy cũng là điều khó khăn); các kí hiệu chưa bao giờ biết như tập hợp số tự nhiên, là phần tử của, không là phần tử của. Ngoài ra, các em còn phải biết viết tập hợp bằng 2 cách: Liệt kê các phần tử của tập hợp, chỉ ra tính chất đặc trưng cho các phần tử của tập hợp đó. Các bài kế tiếp như Tập hợp các số tự nhiên, Ghi số tự nhiên, Số phần tử của một tập hợp. Tập hợp con… còn “kinh khủng” hơn đối với học sinh vì nhiều quy ước toán học, kí hiệu toán học buộc các em phải nhớ hết mới có thể làm bài đúng. Bài trước chưa nhớ hết đã học bài sau, khiến các em cảm thấy mù mịt trước toán lớp 6.
Thầy cô mới, bạn bè chưa quen, các em còn lạ lẫm với việc thầy cô dạy xong tiết là đi, không kịp hỏi những điều chưa hiểu. Cả học kì I ở lớp 6, các kiến thức hoàn toàn mới mẻ với học sinh, em nào không chú ý nghe giảng, không chịu khó học lý thuyết, không mạnh dạn hỏi thầy cô những điều chưa hiểu thì chắc chắn mất căn bản và học toán yếu kém là điều hiển nhiên.
Giá như chương trình toán lớp 6 được sắp xếp có tính liên thông từ tiểu học lên THCS như chuyển các bài Dấu hiệu chia hết cho 2, cho 5; Dấu hiệu chia hết cho 3, cho 9; Phép cộng và phép nhân; Phép trừ và phép chia… là những bài cơ bản các em đã học ở tiểu học để học ở đầu năm lớp 6 thì khi bổ sung, mở rộng cũng không làm các em hụt hẫng. Khi đó các em sẽ từng bước quen dần với cách học, và tiếp thu kiến thức mới ở lớp 6 dễ dàng hơn.
Chính vì thế, để học sinh có thể học tốt toán lớp 6, phụ huynh nên cho các em làm quen trước với các bài học trong sách giáo khoa bằng cách đọc lý thuyết, nắm kí hiệu, quy ước… Phụ huynh có khả năng nên giảng giải cho các em hiểu phần nào. Khi các em bắt đầu học toán, phụ huynh cần theo sát, kiểm tra việc học lý thuyết, tìm cách bổ sung ngay các kiến thức từng bài mà các em chưa vững. Bên cạnh đó, thầy cô giáo dạy toán lớp 6 cần chú ý giảng bài chậm hơn (nhất là ở những bài đầu), nên dành 5 phút cuối động viên học sinh hỏi những điều chưa rõ, trước khi giảng bài mới rất cần thiết kiểm tra lý thuyết bài cũ để đảm bảo các em thuộc quy ước, kí hiệu toán đã học…
Có thể nói toán lớp 6 không khó nhưng do cấu trúc chương trình, những bài đầu tiên với những kiến thức quá mới lạ đã làm các em khó tiếp thu, không hiểu bài dẫn đến không làm bài được và chán ngán toán.
Lê Phương Trí
(GV Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4)