Thứ hai, 12/3/2012, 10h03

Tiết học tích cực: Học sinh thỏa sức sáng tạo

HS lớp 11A1 thảo luận nhóm tích cực trong tiết học bộ môn hóa 

Nhiều tiết học ở Trường THPT Lê Quý Đôn rất hiếm khi thấy giáo viên (GV) đứng trên bục giảng mà ở đó chỉ có… học sinh (HS).
Bục giảng giống một sân khấu, HS vừa là diễn viên vừa là đạo diễn và cũng là khán giả. Vì thế mà tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn đến lạ kỳ. Để có được những tiết học này, GV đã đóng góp không ít công sức cho hành trình chiếm lĩnh tri thức của HS.
HS chủ động tìm tri thức
Tiết học lịch sử của HS lớp 12A1 đã đưa không khí lớp học trở về với quá khứ của mùa hè năm 1954, đó là một buổi họp báo sau chiến dịch Điện Biên Phủ thành công. Nhiều thành viên trong lớp hóa trang thành anh bộ đội Cụ Hồ, các cô gái người dân tộc, nhà báo… Giọng người dẫn chương trình cất lên: “Kính thưa quý vị! Như quý vị đã biết, ngày hôm qua 7-5-1954, lúc 17 giờ 30 chúng tôi đã chiếm được sở chỉ huy và bắt sống toàn bộ bộ chỉ huy của Pháp, kết thúc một chiến dịch kéo dài gần hai tháng. Đây là một chiến thắng vẻ vang và lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc chúng tôi nên ngày hôm nay chúng tôi tổ chức cuộc họp báo này nhằm cung cấp cho quý vị những thông tin chính xác về chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước tiên, chúng tôi xin cảm ơn sự có mặt đông đảo của giới truyền thông trong và ngoài nước. Về phần chúng tôi, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy mặt trận đang còn bận giải quyết nhiều vấn đề sau cuộc chiến nên không kịp đến. Cuộc họp báo này chúng tôi xin trân trọng giới thiệu…”. Các nhân vật chính bước vào, cả khán phòng đứng dậy vỗ tay, phóng viên chụp hình…
Buổi học diễn ra hết sức sôi nổi. Không có GV nhưng ai cũng chăm chú lắng nghe các bạn vào vai phóng viên đặt câu hỏi và ban tham mưu trả lời chi tiết từng địa điểm, thời gian, diễn biến, ý nghĩa của chiến thắng hào hùng này. Để buổi họp báo có sức thuyết phục hơn, các em còn vào vai phóng viên nước ngoài hỏi những câu bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật… và đưa ra rất nhiều đoạn video clip tái hiện lịch sử dân tộc. HS không ghi chép gì nhiều nhưng chắc chắn với sự trình bày chi tiết, cụ thể của các thành viên tổ chức buổi học này, các em sẽ ghi nhớ bài học sâu sắc và tự hào hơn với chiến thắng oanh liệt của dân tộc.
Trên lầu 2 là tiết học tích cực của lớp 11A1. Tiết học không thuộc lĩnh vực khoa học xã hội mà là lĩnh vực khoa học tự nhiên tưởng chừng như khô khan, tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo và sáng tạo của các em HS, tiết học diễn ra hết sức sinh động. Với 10 nhóm (mỗi nhóm ba HS), các em đã thay thế nhau đảm nhận vai trò GV để giảng cho mọi người hiểu bài học. Nhóm đảm nhận ôn lại các kiến thức cũ, nhóm đảm nhận nội dung phần 1, nhóm phần 2, nhóm làm thí nghiệm… mỗi phần chỉ mất khoảng 5 phút. Khi thuyết trình, các em đều dùng máy chiếu và thỉnh thoảng còn có phần hỏi đáp để HS ngồi ở dưới phải tư duy. Một số HS hỏi những câu có kiến thức nâng cao, nhóm thuyết trình không giải đáp thỏa đáng được thì lúc đó GV mới vào cuộc. Tiết học khi thì bình lặng, lúc lại sôi nổi nhiệt tình ở các phần như thuyết trình, hỏi đáp, tổ chức trò chơi…
GV chỉ là người hỗ trợ
Các tiết học tích cực của thầy và trò ở Trường THPT Lê Quý Đôn được Ban giám hiệu phát động từ 6 năm qua và đã để lại những dấu ấn tích cực trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Làm nên những tiết học sinh động có sự đóng góp không nhỏ của người thầy.
Cô Đỗ Thị Bích Duyên - Phó hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Để xây dựng thành công một tiết học tích cực, GV đứng lớp dù lui về “hậu trường” nhưng vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng cho HS thiết kế tiết học. Tùy theo đặc thù chuyên môn của từng bộ môn, GV sẽ gợi ý, hướng dẫn HS chọn những bài học phù hợp và phân công công việc cụ thể cho từng nhóm HS. GV phải là người nhìn xa và lập kế hoạch cụ thể cho tiết học tích cực, đặc biệt với HS lớp 10, GV cần giải thích cho các em hiểu đúng khái niệm tiết học tích cực, hướng dẫn các em sử dụng hiệu quả các phòng chức năng cũng như trang thiết bị hiện đại của nhà trường”.
Một trong những vấn đề mà Ban giám hiệu nhà trường quan tâm đó là làm sao để nhân rộng mô hình giáo dục tích cực này. Hiện nay mỗi GV chỉ chuẩn bị một tiết học tích cực/ học kỳ, những môn khá khô khan như thể dục, toán học đều được thực hiện. Tuy nhiên, nhiều GV từ các trường khác đến tham dự một số tiết học tích cực của Trường THPT Lê Quý Đôn lại khá lo lắng vì để có tiết học này, GV và HS cần đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn các tiết học khác. Bên cạnh đó, áp lực thi cử hiện vẫn còn đè nặng HS thì liệu cách học này có phù hợp không vì chủ yếu là nghe, nói và hoạt động còn chép bài lại rất ít.
Về vấn đề này, cô Bùi Thị Thanh Thủy - GV bộ môn hóa - cho biết khi thực hiện tiết học, GV đều chuẩn bị sẵn tư liệu chính để phát cho các em về nhà tham khảo và học bài thêm nên chắc chắn HS không bị lãng quên kiến thức. Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du thì chia sẻ: “Quá trình chuẩn bị tiết học có thể kéo dài nhiều tuần nhưng nếu lớp nào đã quen thuộc với phương pháp này thì có thể chỉ mất hai ngày. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị các em đã ghi nhớ kiến thức và khi trình bày với những hình ảnh sinh động chắc chắn những HS ngồi nghe cũng hứng thú ghi nhận các thông tin. Vì vậy, theo tôi, thời gian và lượng kiến thức để thi cử không còn là vấn đề lo ngại của các em”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Để xây dựng thành công một tiết học tích cực, GV đứng lớp dù lui về “hậu trường” vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng HS thiết kế tiết học. Tùy theo đặc thù chuyên môn của từng bộ môn, GV sẽ gợi ý, hướng dẫn HS chọn những bài học phù hợp và phân công công việc cụ thể cho từng nhóm HS”, cô Đỗ Thị Bích Duyên - Phó hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ.