Thứ tư, 23/1/2013, 11h01

Hoàn chỉnh Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Thủ tướng vừa có chỉ thị triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ tháng 7-2013.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và quy định rõ trách nhiệm từng cấp nhằm khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, học thêm; tiêu cực trong thi cử; lạm thu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường không tuân thủ quy định của pháp luật về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; về đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo liên kết với nước ngoài…

“Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm được soạn thảo theo cái nhìn lúng túng trước những tiêu cực của giáo dục nên còn nhiều bất cập. Nếu ngành giáo dục không tìm đúng nguyên nhân thì khó có được hướng đi đúng”. Bà Hồ Thị Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo quận 1, đã góp ý như vậy tại buổi tọa đàm chuyên đề “Dạy thêm, học thêm” sáng 22-1, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng cho rằng Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT còn có chỗ mâu thuẫn. Ở Điều 4 quy định không dạy thêm đối với học sinh tiểu học nhưng ở Điều 11 lại quy định được cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng vấn đề dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật. Tuy nhiên, để chấn chỉnh nó thì ngành giáo dục phải thực hiện đồng bộ các việc liên quan như điều chỉnh lương giáo viên, giảm tải chương trình, thay đổi cách đánh giá học sinh và đánh giá thi đua trường, lớp…

AT - P.ANH
(PL)